Bẫy lãi suất vay tiêu dùng, người tiêu dùng cần cẩn trọng
Hiện nay, lãi suất tiêu dùng 30, 40% được xem là mức lãi suất quá cao. Bên cạnh đó, do không đọc kỹ hợp đồng, hoặc thiếu kiến thức về tài chính người vay sẽ rơi vào “bẫy lãi suất” của tổ chức cho vay. Chính vì vậy, người vay cần thật tỉnh táo, đọc kỹ hợp đồng để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Lãi suất “cắt cổ”
Trong một tọa đàm mới đây, ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), nhắc nhở: Các công ty tài chính cho vay tiêu dùng lãi suất cao quá, công ty nào thấp cũng xấp xỉ 30%, còn là trên 40%. Trong khi lãi suất bình quân cho vay của các ngân hàng, theo thống kê của NHNN đến cuối 2017, chỉ là 9,988%/năm.
Theo ông Phong, mức lãi suất từ 30% là quá sức chịu đựng của người vay. Tổ chức tín dụng tham gia cần phải hạ bớt lãi suất cho vay tiêu dùng xuống. Bên cạnh đó, công ty tài chính cần phải công khai minh bạch lãi suất và hợp đồng tín dụng cho người vay. Người đi vay chủ yếu là những người lao động, thiếu kiến thức về tài chính, vay mà không đọc kỹ và cũng không hiểu rõ về điều kiện khi ký kết…
Ông Nguyễn Văn Thùy, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Giám sát Tổng hợp, Ủy Ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cũng lo ngại với lãi suất cho vay ở mức quá cao 30-40%. Tiền lãi mà người vay phải trả chẳng mấy khi đã bằng tiền gốc cho vay. Như vậy người vay vốn đã khó khăn lại càng khó hơn, khó có khả năng trả nợ. Vì thế nên chăng có biện pháp hạ lãi suất thông qua tiết giảm chi phí, nhân lực, áp dụng công nghệ thông tin.
Theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, lãi suất của các công ty tài chính cao vì những nguyên nhân sau: Lãi suất của các công ty tài chính cao hơn ngân hàng thương mại vì hoạt động của 2 bên là khác nhau, nguồn vốn huy động khác nhau và rủi ro cũng khác nhau. Cụ thể, các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể huy động vốn trực tiếp từ dân chúng, còn công ty tài chính thì phải vay tiền của các NHTM, các công ty tài chính khác, vay bằng phát hành trái phiếu và lãi suất vay này khá cao từ 10-12%. Cùng với đó, các công ty tài chính cũng chấp nhận rủi ro cao vì cho vay chủ yếu là tín chấp nên đồng nghĩa với nó là lãi suất phải cao hơn.
Người vay cần tỉnh táo
Vừa qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng đã phản ánh về việc liên tục nhận được những khiếu nại của người dân về việc không vay nợ của công ty tài chính tiêu dùng nhưng lại bị đòi nợ như kiểu xã hội đen.
Trước vấn đề này, NHNN cũng đã nhận ra được sự phát triển nóng của hoạt động này. Để ngăn ngừa hành vi gian lận, vi phạm các quy định của pháp luật về cho vay tiêu dùng, phục vụ đời sống, bảo đảm quyền lợi của khách hàng… Thống đốc NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng, công ty cho vay tài chính thực hiện nghiêm túc và chấn chỉnh các hoạt động cho vay.
Với người đi vay, ông Hoàng Phong đưa ra lời khuyên là phải tìm hiểu kỹ những quy định, thời hạn trả, để tránh rơi vào “bẫy lãi suất”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Phúc, Giám đốc Trung tâm Nguồn vốn kiêm Giám đốc huy động vốn FE Credit, khẳng định không có chuyện “bẫy lãi suất” đối với khách hàng vì mọi thông tin về lãi suất, hợp đồng đều được công khai. Lãi suất được tính theo năm để khách hàng dễ dàng so sánh, tính toán.
Giải thích về những khiếu nại của khách hàng thời gian gần đây với FE Credit, ông Phúc lý giải: Chúng tôi thực sự rất buồn lòng khi nhận được sự phản hồi như vậy. Trong quá trình phát triển với 16.000 con người làm việc ở nhiều khâu, không tránh khỏi những sai sót, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thiện hơn nữa trong quá trình phát triển để làm hài lòng khách hàng đã tin tưởng công ty chúng tôi.
1,1 triệu tỷ đồng cho vay tiêu dùng năm 2017
Theo số liệu mới nhất, hiện tín dụng tiêu dùng phát triển nhanh trong 5 năm qua, tính đến cuối năm 2012, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng khoảng 230.000 tỷ đồng, chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế; đến cuối năm 2017, dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt khoảng 1,1 triệu tỷ đồng (gấp 4,8 lần năm 2012), chiếm khoảng 17% tổng dư nợ của nền kinh tế. Trong tổng dư nợ đó, dư nợ của các TCTD chiếm khoảng 8,2% (tương đương 90.000 tỷ đồng tính đến cuối năm 2017), còn lại là tín dụng tiêu dùng từ các ngân hàng thương mại.
Ngoài những công ty đang nắm phần lớn thị phần như FE Credit (khoảng 50%), Home Credit (17%) và HD Saison (13%), các công ty khác như Prudential Finance, Toyota Finance… cũng tích cực tham gia vào hoạt động này.
Vân Lam
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm