Tìm được 'công cụ' chấm dứt tình trạng mua kháng sinh dễ như… mua rau?
Trước tình trạng mua bán thuốc kháng sinh quá dễ dàng tồn tại từ nhiều năm ở nước ta, đến nay nhiều cơ sở khám chữa bệnh đang đối mặt với tốc độ lan rộng của các vi khuẩn kháng nhiều nhóm kháng sinh gây khó khăn trong quá trình điều trị. Để khắc phục tình trạng đó, Bộ Y tế đã đưa vào triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) kết nối các cơ sở cung ứng thuốc nhằm giúp Việt Nam “nói không” với việc “mua thuốc kháng sinh dễ như mua rau”.
Mới đây, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai ứng dụng CNTT kết nối các cơ sở cung ứng thuốc Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng thị trường Việt Nam có khoảng 22 nghìn loại thuốc với rất nhiều tên gọi khác nhau. Và người dân khi đi mua thuốc không ai mặc cả giá, luôn sẵn sàng bỏ tiền ra mua thuốc.
Việc quản lý bán thuốc tại Việt Nam thuộc dạng lỏng lẻo, ở bất cứ đâu người dân cũng tự mua được kháng sinh mà không cần đơn của bác sĩ. Tình trạng này không chỉ gây hại cho sức khỏe người dân, mà còn làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh nguy hiểm.
Trên thực tế, tại các địa phương trên cả nước, hoạt động cung ứng và sử dụng thuốc vẫn còn gặp nhiều thách thức. Tình trạng mua bán thuốc không theo đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh đã dẫn đến nguy cơ kháng kháng sinh ngày càng hiện hữu.
Bên cạnh đó, vẫn còn có tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng trên thị trường. Hệ thống phân phối thuốc còn trải qua nhiều khâu trung gian, gây khó khăn khi truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng thuốc.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã ghi nhận 4 ca tử vong do tự ý mua thuốc điều trị bệnh thủy đậu. Điển hình là trường hợp bệnh nhân N.T.M. (28 tuổi, ở Sơn La) nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, rối loạn đông máu, suy đa tạng.
Theo người nhà bệnh nhân, do bị sốt, đau họng, trên cơ thể xuất hiện mụn nước nên M. đã tự ý mua thuốc điều trị, trong đó có loại thuốc Medrol 16mg - thuộc nhóm Gluco Corticoid. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu của Bệnh viện cho biết, các thuốc chứa thành phần Corticoid giúp giảm viêm nhiễm nhưng có thể gây giảm miễn dịch, khiến vi rút gây bệnh bùng phát mạnh hơn.
Hay tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai từng ghi nhận một bệnh nhân (sinh năm 1995 ở Sơn La) có tiền sử bệnh viêm gan B, đã tử vong sau khi tự ý uống liên tục 19 viên thuốc Paracetamol trong 2 ngày để hạ sốt. Theo bác sĩ điều trị cho bệnh nhân thì bệnh nhân này đã dùng quá liều thuốc hạ sốt, dẫn đến ngộ độc.
Trước thực trạng đó, Bộ Y tế cho biết, để kiểm soát vấn nạn mua bán, sử dụng thuốc kê đơn tràn lan, Bộ đã có nhiều văn bản quy định về kê đơn và bán thuốc kê đơn, trong đó quy định rõ, hành vi bán lẻ thuốc kháng sinh mà không có đơn thuốc là hành vi bị nghiêm cấm.
Theo quy định, hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc bị xử phạt từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng; đối với hành vi kê đơn thuốc không đầy đủ, không rõ ràng, không chính xác bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với mức phạt như trên, lại khó có thể thanh kiểm tra thường xuyên khiến nhiều cơ sở bán lẻ thuốc vì lợi nhuận sẽ vẫn tiếp tục vi phạm.
Chấm dứt cảnh mua thuốc kháng sinh tự do
Được biết, tại Hà Nội hiện có 1.160 cơ sở bán buôn thuốc, 3.470 nhà thuốc và 2.250 quầy thuốc. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT trong quản lý thuốc chưa được thực hiện rộng khắp, bài bản. Trong đó, hiện mới chỉ có 22,5% số nhà thuốc và 5% số quầy thuốc có kết nối internet; 18,3% nhà thuốc và 0,9% quầy thuốc có sử dụng phần mềm quản lý thuốc.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đến nay chỉ còn Việt Nam và một số rất ít nước trên thế giới, người dân cứ có nhu cầu là có thể tự mua thuốc ở bất kỳ nhà thuốc nào. Để khắc phục tình trạng đó, Bộ Y tế đã có Quyết định phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 – 2020.
Bộ cũng đã có Kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc, song song với việc xây dựng các quy định nhằm pháp chế hóa yêu cầu bắt buộc ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc, đặc biệt triển khai thí điểm ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc tại Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Phú Thọ,…
Đây được coi là là giải pháp hữu hiệu giúp người dân thuận tiện tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả từng loại thuốc; cơ quan nhà nước có thêm công cụ quản lý thuốc trên phạm vi toàn quốc, kiểm soát việc kê đơn, mua bán thuốc theo đơn, tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý thuốc. Đồng thời đây cũng là ví dụ tiêu biểu cho những nỗ lực của Bộ Y tế nhằm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo trong thời đại cuộc Cách mạng khoa học công nghệ 4.0.
Qua triển khai thí điểm tại các địa phương: Từ 4 tỉnh đầu tiên tham gia vào quá trình triển khai thí điểm là Phú Thọ, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nam Định cho đến nay đã có tổng cộng 25 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ khác tham gia vào hệ thống liên thông kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, đã cấp tài khoản cho 4.178 cơ sở bán lẻ thuốc và quản lý được hơn 22.000 đơn thuốc và đem lại kết quả rất tốt.
“Người dân Việt đã có thói quen cứ đau bụng, tiêu chảy, đau đầu là ra kể bệnh ở nhà thuốc là được bán thuốc. Vì thế, giai đoạn đầu với dự án này, chắc chắn sẽ có khó khăn khi thay đổi thói quen đó, nhà thuốc chỉ bán thuốc theo đơn. Tuy nhiên, với dự án này, chúng ta sẽ chia tay hình ảnh đó, mong rằng Việt Nam không còn là nước trong rất ít nước còn lại trên thế giới người dân có thể thoải mái tự mua thuốc ở các nhà thuốc”, Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Hoa Nguyễn
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội