Hiệp hội doanh nghiệp Dược Việt Nam “tố” BHXH VN, đề nghị thay Thứ trưởng Bộ Y tế!
Cho rằng bị Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH VN) “chèn ép” và đưa ra những quy định vô lý để “loại” khỏi cuộc đua hoặc làm khó trong việc đưa thuốc vào các bệnh viện, các doanh nghiệp (DN) trong Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam đã gửi đơn kiến nghị lên Chính phủ và các bộ ngành “tố” BHXH làm nhiều điều khuất tất. Họ cũng đề nghị thay Thứ trưởng Bộ Y tế phụ trách Dược vì ông này cần nhường chỗ cho cán bộ đủ chuyên môn hơn!
Áp đặt như “giang hồ”!
Mặc dù phát triển rất nhanh và mạnh trong hơn 10 năm qua nhưng tỉ lệ dùng thuốc nội tại các bệnh viện Trung ương chỉ đạt từ 6-9%, tại các bệnh viện đa khoa cấp tỉnh chỉ từ 19,2%, toàn bộ còn lại bị các DN dược ngoại chiếm lĩnh. Tuy nhiên trên thị trường OTC thì các sản phẩm thuốc của Việt Nam đang chiếm khoảng gần 60%.
Như vậy thuốc chữa bệnh nội không phải vì chất lượng thấp mà rõ ràng đã được người bệnh, người tiêu dùng ngoài xã hội chấp nhận và tin dùng. Nhưng vì sao lại vào bệnh viện khó như vậy? Theo Hiệp hội Dược VN thì một trong những nguyên nhân chính là do BHXH VN “kìm hãm sự phát triển của các DN sản xuất dược phẩm trong nước. Gần đây, sự can thiệp của bảo hiểm hầu như đã chi phối toàn bộ, quyết định đến sự sống còn của các DN trên tất cả các lĩnh vực, từ bệnh viện cho đến Sở Y tế, Bộ Y tế và cả việc đấu thầu của bảo hiểm xã hội trong lĩnh vực dược phẩm”.
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc một Công ty Dược trong nước cho hay: “Trên thế giới hiện không có tình trạng đấu thầu được thực hiện tại các bệnh viện, các Sở Y tế, Bộ y tế và cơ quan bảo hiểm như ở Việt Nam”. Ông cũng cho hay vì “uy quyền” quá lớn nên BHXH luôn ra các quy định, văn bản gây bất lợi cho cả DN dược nội lẫn bệnh nhân.
Gần đây nhất BHXH VN hành văn bản số 2261/BHXH-DVT ngày 19/6/2018 do Phó Tổng giám đốc Phạm Lương Sơn ký. Văn bản này đánh đồng thuốc dạng viên nén, viên nang, viên phân tán, viên sủi là cùng một hoạt chất, cùng một hàm lượng thì chất lượng như nhau và giá cả phải như nhau.
Từ đây BHXH đề nghị truy thu đến 90% giá trúng thầu! Đánh giá việc này, Hiệp hội Dược cũng như nhiều chuyên gia Dược cho rằng đây là “việc làm thiếu hiểu biết và không có chuyên môn, trên thế giới không có một nước nào áp dụng và tính như BHXH VN”.
Theo họ thì nếu cứ tiếp tục theo quan điểm của BHXH thì ngành Dược Việt Nam không cần nghiên cứu, không cần phát triển mà chỉ tồn tại bằng cách mua máy móc và nhập nguyên liệu của Trung Quốc về dập viên nén để đấu thầu đưa vào bệnh viện, mặc cho bệnh viện phải dùng thuốc rẻ tiền, chất lượng không cao.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc xuất toán tiền thuốc BHXH, sau khi các đơn vị đấu thầu, việc giá chênh lệch giữa các gói thầu tổ chức vào các thời điểm khác nhau, số lượng mua sắm khác nhau, do sự cạnh tranh trong đấu thầu rồi sau đó BHXH lại yêu cầu các cơ sở y tế phải thương thảo lại giá trúng thầu theo giá mua sắm của các gói thầu khác đang bị phản ứng quyết liệt vì không dựa trên căn cứ pháp lý nào cả.
Hiệp hội Dược đã liên hệ với Cục quản lý đấu thầu của Bộ Kế hoạch Đầu tư và được biết văn bản này vi phạm nghiêm trọng đến Luật đấu thầu! Một quan chức có trách nhiêm trong lĩnh vực này đặt câu hỏi: “Tại sao một văn bản quan trọng như thế này, ảnh hưởng đến toàn xã hội mà lại áp đặt như giang hồ, chẳng có luật lệ gì cả ?!”
Ép doanh nghiệp nội, ưu ái doanh nghiệp ngoại
Lý lẽ để biện minh cho văn bản trên là góp phần không để các nơi lạm dụng, tránh thất thoát và vỡ quỹ BHXH cũng đang bị “vạch trần”.
Việc mất cân đối quỹ khám chữa bệnh BHYT năm 2016, 2017 và chi vượt quỹ BHYT, theo đánh giá của Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) thì tình trạng bội chi quỹ khám chữa bệnh là do điều chỉnh giá dịch vụ y tế với mức giá dịch vụ y tế tăng cao, đặc biệt là tiền công khám bệnh, chi phí giường bệnh, các phẫu thuật, thủ thuật. Bên cạnh đó là do quy định thông tuyến khám chữa bệnh làm tăng tần suất, thậm chí lạm dụng dịch vụ kỹ thuật để tăng thu cho cơ sở khám chữa bệnh…
Như vậy có thể thấy việc chi vượt quỹ BHYT không phải nguyên nhân chính do giá thuốc trúng thầu lên cao. Hơn nữa do trình độ năng lực quản lý, phối hợp giữa các các ngành liên quan của BHXH kém, không nắm được giá, nhiều mặt hàng thuốc nước ngoài, vật tư y tế tiêu hao đều thanh toán với giá rất cao, thị phần thuốc chỉ chiếm 40% trong tổng số chi phí BHYT nên việc có nguy cơ vỡ quỹ có phần lớn từ nguyên nhân yếu kém của BHXH.
Hàng loạt DN dược đặt câu hỏi nếu phải thực hiện như văn bản của BHXH thì những chi phí mà các DN đã bỏ ra và đang phải gánh chịu cho những mặt hàng đã trúng thầu ai chịu trách nhiệm?
Thực tế cho thấy thỏa thuận hợp đồng đã ký kết giữa các DN cung ứng thuốc và BHXH thì sau 3 tháng BHXH phải thanh toán tiền cho các DN đã cung cấp hàng đầy đủ, đúng hạn nhưng trên thực tế rất nhiều trường hợp, nhiều thời kỳ bảo hiểm đều thanh toán chậm quá nhiều. Thậm chí đến 9 -12 tháng bảo hiểm vẫn chưa chi trả, đã làm cho các khoản chi phí vốn phát sinh lên rất nhiều mà BHXH chưa bao giờ chịu trách nhiệm.
Dù “ép” các DN nội như trên, nhưng trong công văn 2261/BHXH-DVT lại hoàn toàn không nhắc đến các mặt hàng nhập khẩu, hoặc nêu rất ít. Điều này tạo nên nghi vấn phải chăng đây sẽ là một cơ hội mở để cho các DN ngoại có điều kiện thâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường Việt Nam?
Không chỉ “tố” BHXH, Hiệp hội Dược còn nêu đích danh Phó Tổng GĐ BHXH VN Phạm Lương Sơn. Họ cho rằng ông Sơn đã tổ chức một cuộc họp có đầy đủ Bộ Y tế, BHXH và các DN Dược với cam kết trả tiền các DN sau 3 tháng, tôn trọng các DN vì lợi ích của ngành Dược, nhưng khi chỉ còn 14 phút để kết thúc hội nghị mới cho các DN phát biểu; các DN chất vấn ông Sơn về các nội dung bất hợp lý mà BHXH đưa ra, ông Sơn không trả lời được! Trong đơn kiến nghị Hiệp hội này nêu rõ: “Đối với các DN đã chất vấn ông Sơn, sau này khi DN đó thầu ở các bệnh viện đều bị ông Sơn sai nhân viên của mình nhắn tin xuống các bệnh viện không lấy mặt hàng của các DN đó, khiến cho họ lâm vào tình trạng hết sức khó khăn, nguy kịch”.
Từ những bức xúc trên, nhiều DN cùng Hiệp hội Dược đã kiến nghị và mong Chính phủ cùng Bộ Y tế và các ngành liên quan nhanh chóng chấn chỉnh cung cách làm việc, điều hành trong lĩnh vực BHYT của BHXH VN. Đáng nói hơn họ còn đề nghị: “Bộ Y tế cần có một cán bộ lãnh đạo có chuyên môn về dược phụ trách lĩnh vực Dược thay thế Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn”! Có lẽ những bức xúc đã lên đến “đỉnh điểm” và Bộ Y tế cần phải lắng nghe, BHXH nên cầu thị vì cái lợi chung và vì bệnh nhân trên cả nước.
Phan Nguyễn
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường
-
Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn giảm thêm nửa triệu đồng