Người tham gia BHYT được quyền đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến y tế cơ sở

Thứ ba, 14/08/2018, 10:06 AM

BHXH Việt Nam đã hướng dẫn người tham gia BHYT lựa chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu, trong đó được quyền đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến y tế cơ sở không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú.

11.400 trạm y tế xã

Báo cáo tại Phiên giải trình về chất lượng và hiệu quả của mạng lưới y tế cơ sở diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết thành tựu lớn nhất của ngành Y tế trong thời gian qua là đã từng bước khôi phục, củng cố và phát triển được mạng lưới y tế cơ sở. Hiện cả nước có 11.400 trạm y tế  xã, bao gồm cả mạng lưới y tế thôn bản; gần 99% xã, phường và thị trấn đã có nhà trạm; 87,5% trạm y tế có bác sĩ KCB; 97% trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; gần 75% thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động, trong đó ở nông thôn, miền núi là 96%.

Cũng tại Phiên giải trình, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXHVN Nguyễn Thị Minh nêu rõ, thực hiện nhiệm vụ được giao, BHXHVN đã hướng dẫn người tham gia BHYT lựa chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, trong đó được quyền đăng ký KCB ban đầu tại tuyến y tế cơ sở không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở khám chữa bệnh. Trường hợp y tế cơ sở không đáp ứng nhu cầu đăng ký khám chữa bệnh ban đầu hoặc trên địa bàn không có tuyến cơ sở thì người tham gia được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến trên.

Bên cạnh đó, BHXHVN đã tiến hành ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với các cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện theo quy định; thực hiện tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế.

   Cả nước hiện có 11.400 trạm y tế xã, bao gồm cả mạng lưới y tế thôn bản

Cả nước hiện có 11.400 trạm y tế xã, bao gồm cả mạng lưới y tế thôn bản

Về thực hiện công tác giám định bảo hiểm y tế, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cho biết, BHXHVN đã thực hiện rõ các quy định giám định điện tử trên hệ thống giám định và giám định trực tiếp tại cơ sở khám chữa bệnh để kiểm tra, đánh giá việc chỉ định điều trị, sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật; phối hợp với nhân viên y tế giải quyết vướng mắc về thủ tục KCB bảo hiểm y tế. Trong quá trình giám định, cơ quan BHXH có quyền từ chối thanh toán chi phí KCB không đúng quy định.

Quỹ BHYT chi cho tuyến cơ sở tăng

Theo Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh, năm 2017, có hơn 60% số thẻ BHYT được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến huyện và tuyến xã; năm 2018 có hơn 70% thẻ BHYT được đăng ký tại tuyến cơ sở, tăng 10% so với năm trước. Chi phí bình quân /lượt tại tuyến xã, huyện tăng mạnh qua các năm, trong đó chi phí bình quân tuyến xã của 6 tháng đầu năm 2018 gần gấp đôi so với năm 2014 và gấp rưỡi cho với năm 2016.

Cụ thể, trong giai đoạn 2010-2014, số lượt KCB BHYT tại tuyến xã tăng qua các năm, với tỉ lệ gia tăng bình quân 4%. Chi phí KCB BHYT tại tuyến xã có xu hướng gia tăng; còn chi phí KCB BHYT tại tuyến huyện tăng rất mạnh, trong đó, năm 2016 gấp rưỡi năm 2015, năm 2017 gấp hơn hai lần năm 2015. Chi phí bình quân/lượt tại tuyến xã, huyện tăng mạnh qua các năm, trong đó chi phí bình quân tuyến xã của 6 tháng đầu năm 2018 gần gấp đôi so với năm 2014 và gấp rưỡi so với năm 2016. Chi phí bình quân tuyến huyện 6 tháng đầu năm 2018 gấp 1,8 lần so với năm 2015. Đặc biệt, cơ cấu chi phí đang có sự dịch chuyển tỉ lệ chi KCB từ tuyến trung ương xuống tuyến huyện (năm 2015 tỉ lệ chi tại tuyến trung ương chiếm 22,4%; năm 2017 chiếm 18% tổng chi KCB các tuyến). Trong khi đó, chi phí KCB tuyến tuyện, xã gia tăng (26,3% năm 2015 tăng lên 31,3% năm 2017).

Tuy nhiên, có một thực tế cũng được lãnh đạo ngành BHXH chỉ ra rằng, việc thực hiện KCB BHYT tại cơ sở cũng tồn tại những vướng mắc nhất định. Cụ thể, chính sách khám chữa bệnh thông tuyến làm giảm số người bệnh đến khám chữa bệnh tại Trạm y tế xã, đặc biệt tình trạng “chuyển đổi” bệnh nhân từ huyện này sang huyện kia trên cùng địa bàn tỉnh để được thanh toán theo “trần”, không phải theo quỹ KCB vẫn còn diễn ra nhiều. Bên cạnh đó, chính sách tự chủ tài chính bệnh viện thúc đẩy các bệnh viện thu dung người bệnh, không phụ thuộc bệnh đó có thể điều trị tại tuyến nào; không có quy định nhằm hạn chế KCB thông thường tại các bệnh viện tuyến trên; quản lý bệnh mãn tính tại cộng đồng đang gặp nhiều khó khăn do năng lực chuyên môn của nhân viên y tế tại tuyến cơ sở chưa tạo được sự tin tưởng của người dân.

Y tế cơ sở được coi là “người gác cổng”, là nơi đầu tiên người dân tiếp cận khi ốm đau, bệnh tật, góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ y tế. Chính vì thế, đại biểu, lãnh đạo các bộ, ngành thống nhất y tế cơ sở cần phải được củng cố và đầu tư một cách thỏa đáng để có thể đảm nhiệm vai trò của mình. UBND các tỉnh, thành phố cần phải bố trí ngân sách địa phương cho việc thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, ưu tiên bố trí vốn ngân sách Trung ương thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để đầu tư các trạm y tế xã chưa đạt chuẩn quốc gia.

Đồng thời, Bộ Y tế cần đào tạo nguồn nhân lực cho y tế cơ sở theo vị trí việc làm, triển khai các chính sách thu hút và duy trì nguồn nhân lực y tế tại tuyến cơ sở; tăng cường công tác luân phiên cán bộ y tế theo hai chiều từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về việc thực hiện tự chủ BV tuyến huyện và việc sử dụng quỹ KCB BHYT ở BV tuyến huyện.

Lan Trần

Công Lý