Tiến trình tăng vốn của nhóm “Big 4” ngân hàng đang đến đâu?
Agribank, VietinBank đã có phương án, nhưng việc tăng vốn của BIDV và Vietcombank vẫn còn “bỏ ngỏ”.
Trong báo cáo gửi Quốc hội phục vụ quá trình thẩm tra tình hình, kinh tế xã hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cập nhật một số thông đến vấn đề tăng vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN).
Theo đó, tính đến cuối tháng 7/2021, vốn điều lệ của 4 NHTMNN bao gồm Agribank, Vietcombank , VietinBank, BIDV đạt 159,6 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản đạt 6.052,6 nghìn tỷ đồng; huy động vốn thị trường 1 đạt 5.073,4 nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay thị trường 1 đạt 4.481 nghìn tỷ đồng.
Đầu mối quản lý này cho biết, các ngân hàng trên đóng vai trò quan trọng trong hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), tích cực tham gia hỗ trợ, xử lý các TCTD yếu kém.
Theo đó, để nâng cao năng lực tài chính, hiện nay, 4 ngân hàng đã và đang thực hiện tăng vốn điều lệ. Trong đó, Agribank đã được Bộ Tài chính cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ theo Quyết định 107/QĐ-TTg ngày 22/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ; VietinBank đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thực hiện tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận để lại.
Trong khi đó, phương án tăng vốn tại Vietcombank và BIDV vẫn chưa được thông qua. Hiện NHNN đang trình Thủ tướng chính phủ về việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank thông qua việc phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế.
Theo kế hoạch được trình, Vietcombank sẽ chi cổ tức 8% bằng tiền mặt cho năm 2020 và 27,6% cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2019 trong 6 tháng cuối năm 2021. Trong khi đó, kế hoạch phát hành 6,5% vốn điều lệ có thể bị lùi lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đối với BIDV, NHNN cũng đã lấy ý kiến Bộ Tài chính đối với dự thảo tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến năm 2020.
Tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng đại diện giới doanh nhân Việt Nam mới đây, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cũng đã có kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ cho BIDV và các TCTD nhà nước. Đặc biệt là thông qua phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu nhằm nâng cao năng lực tài chính cho các nhà băng này.
Theo kế hoạch đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 hồi đầu năm, BIDV đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng, tương đương tăng 20%, lên 48.524 tỷ đồng.
Phương án này bao gồm phát hành tổng cộng 488,8 triệu cổ phiếu để chia trả cổ tức năm 2019-2020 với tổng tỷ lệ 12,2%. Thời gian thực hiện dự kiến diễn ra trong quý 3, quý 4 năm nay.
Sau đợt tăng vốn này, BIDV sẽ phát hành tiếp 341,5 triệu cổ phiếu mới để chào bán công khai hoặc chào bán riêng lẻ, tương đương 8,5% vốn điều lệ thời điểm chào bán.
Thời gian thực hiện đợt tăng vốn lần 2 này sẽ điễn ra trong giai đoạn 2021-2022, sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
Dù vậy, tới thời điểm này, phương án tăng vốn kể trên của BIDV vẫn chưa nhận được sự chấp thuận từ phía cơ quan quản lý.
TRẦN THÚY
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường