Ngân hàng rao bán nợ

Thứ sáu, 08/10/2021, 10:13 AM

Nhiều khoản nợ được ngân hàng rao bán nhiều lần nhưng chưa thể thanh lý. Các ngân hàng phát mại nợ vay tiêu dùng vài trăm nghìn hay nợ có tài sản đảm bảo trăm tỷ đồng. Các ngân hàng đối mặt nguy cơ tăng nợ xấu do tác động của dịch Covid-19 và ảnh hưởng của giãn cách xã hội.

Mới đây, BIDV (HoSE: BID) thông báo lần thứ 5 đấu giá khoản nợ của CTCP Tập đoàn Khải Vy. Giá khởi điểm trong lần đấu giá này là 693 tỷ đồng, giảm 61,8 tỷ đồng so với lần đấu giá thứ 4 vào cuối tháng 7 và giảm 342 tỷ đồng so với lần rao bán đầu tiên. Trước đó, ngân hàng từng rao bán riêng Trung tâm hội nghị Crystal Palace với giá khởi điểm hơn 466 tỷ đồng, và hạ xuống xuống 356 tỷ đồng nhưng không vẫn không thể bán. Tính đến 7/6, tổng dư nợ của của Tập đoàn Khải Vy tại BIDV là 1.035 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 409 tỷ đồng, dư nợ lãi là hơn 626 tỷ đồng.

Bên cạnh khoản nợ trên, BIDV cũng rao bán một số các khoản nợ khác nhiều lần nhưng chưa thể thanh lý. Đơn cử, nhà băng này bán tài sản đảm bảo của CTCP Thuý Đạt 42 lần. Khoản nợ đảm bảo bao bằng dây chuyền in và nhiều máy móc thiết bị đi kèm, giá khởi điểm là 6,3 tỷ đồng.

Ngân hàng này cũng 6 lần bán nợ của Công ty TNHH May Thêu Hoàng Long với tài sản đảm bảo là dây chuyền in và nhiều máy móc thiết bị đi kèm.

Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace tại đường Nguyễn Lương Bằng là một trong 9 tài sản đảm bảo của khoản nợ đang được BIDV rao bán. Ảnh: Zing.

Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace tại đường Nguyễn Lương Bằng là một trong 9 tài sản đảm bảo của khoản nợ đang được BIDV rao bán. Ảnh: Zing.

Tình trạng này không chỉ diễn ra tại BIDV, nhiều nhà băng khác cũng có những khoản nợ được rao bán nhiều lần. Đơn cử, VietinBank thông báo bán đấu giá 6 lần khoản nợ có tài sản bảo đảm của Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Xuất nhập khẩu Cát Tường để xử lý, thu hồi nợ vay. Dư nợ đến ngày 15/6 là 50,8 tỷ đồng gồm dư nợ gốc 19,7 tỷ đồng, lãi cộng dồn 22,6 tỷ đồng và lãi phạt cộng dồn là 8,5 tỷ đồng.

Giá khởi điểm chào bán là 30 tỷ đồng, giảm 40% so với giá khởi điểm lần thứ 5. Tài sản đảm bảo là nhà xưởng và toàn bộ các công trình xây dựng, các tài sản khác gắn liền trên đất, hình thức sử dụng riêng, đất cơ sở sản xuất kinh doanh, thời hạn sử dụng đến 27/9/2060.

Vietcombank cũng 4 lần rao bán lô đất 443m2 tại số 91 Hồ Xuân Hương (quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) và 77 máy điều hòa nhiệt độ với giá khởi điểm 74,3 tỷ đồng, giảm gần 30% so với giá rao bán lần đầu.

Bán nợ vay của cá nhân

Ngoài khoản nợ của doanh nghiệp, ngân hàng cũng đang rao bán nhiều khoản nợ của cá nhân với giá trị vài trăm nghìn đến hàng tỷ đồng. Giữa tháng 9, VietinBank thông báo công khai chào bán nợ vay tiêu dùng phục vụ đời sống để thu hồi. Ngân hàng bán 264 món vay của khách hàng cá nhân với tổng giá trị gồm gốc, lãi, lãi phạt hơn 6,58 tỷ đồng. Khoản nợ có giá trị cao nhất gần 101 triệu đồng, nhỏ nhất là 483.000 đồng, phần lớn phổ biến từ 5-20 triệu đồng/khoản nợ, không có tài sản đảm bảo.

Ngân hàng này cũng bán riêng khoản nợ của cá nhân khác với tổng dư nợ gần 1,7 tỷ đồng, gồm 1,1 tỷ đồng dư nợ gốc và dư nợ lãi 364 triệu đồng, dư nợ quá hạn gần 163 triệu đồng. Tài sản bảo đảm bán đấu giá là toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền diện tích 164 m2 tại thôn Hương Mạc, xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Giá khởi điểm bán đấu giá là 1,25 tỷ đồng. Agribank cũng rao bán nợ cá nhân có dư nợ chục tỷ đồng lên trăm tỷ đồng với tài sản đảm bảo là bất động sản.

Trong khi đó, những ngân hàng tầm trung liên tục rao bán xe và bất động sản cầm cố, đơn cử như VIB rao bán bất động sản từ trăm triệu đến vài tỷ đồng. Đồng thời, ngân hàng cũng phát mại ô tô nhiều mẫu mã và chủng loại.

Áp lực nợ xấu tăng, ngóng sàn mua bán nợ và luật hóa Nghị quyết 42

Theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, khi Covid-19 đến trong năm 2020 và năm 2021, NHNN đánh giá nợ xấu kể cả nội bảng và nợ xấu độ trễ sẽ còn tác động cả sang năm 2022 nên ngành ngân hàng sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay dự kiến sẽ ở mức 7,1% - 7,7%, xấp xỉ 8%. Kết quả này được dự báo trên cơ sở ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn hoãn theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14.

Diễn biến nợ xấu hiện nay càng cho thấy sự cần thiết tạo ra một sàn giao dịch nợ. Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam (VAMC) phát đi thông báo khai trương Sàn giao dịch nợ VAMC chuyên mua bán nợ, tài sản cho cả thị trường và VAMC giữ vai trò trung tâm. Hoạt động trọng tâm của sàn này là cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản của các tổ chức, cá nhân. Mục tiêu là tạo lập một loại hình dịch vụ mới, chuyên nghiệp, hiệu quả trong hoạt động xử lý nợ xấu. Việc thành lập sàn giao dịch nợ nằm trong Đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực của VAMC giai đoạn 2017 – 2020 và hướng tới 2022.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng kiến nghị kéo dài thời gian thí điểm Nghị quyết 42 và có thể nâng thành luật. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, nhận định Nghị quyết 42 chỉ là thí điểm, thời hạn có hiệu lực ngắn (5 năm), không áp dụng để xử lý cho toàn bộ nợ xấu của TCTD.

Mặt khác, nợ xấu luôn tồn tại song song với hoạt động cho vay của các TCTD. Trong dài hạn, đại diện Hiệp hội ngân hàng cho rằng việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu là rất cần thiết, khi đó lĩnh vực xử lý nợ xấu sẽ có văn bản luật riêng để điều chỉnh, các quy định xử lý nợ xấu sẽ có giá trị pháp lý cao hơn, giúp cho ngành ngân hàng và các cơ quan Nhà nước liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.

Trâm Anh

Theo ndh.vn

largeer