Thương hiệu Việt Nam qua Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều

Thứ năm, 28/02/2019, 16:14 PM

Hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim lần thứ hai tại Hà Nội sẽ diễn ra trong hai ngày 27 - 28/2/2019. Các nhà phân tích nói rằng hội nghị lần này tại Hà Nội sẽ mang lại những ảnh hưởng tích cực, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu Việt Nam.

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đi dạo trong khuôn viênkhách sạn Capella trưa 12/6/2018. ( Ảnh: AFP).

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đi dạo trong khuôn viênkhách sạn Capella trưa 12/6/2018. ( Ảnh: AFP).

Singapore đã chi hơn 16 triệu SGD, khoảng hơn 280 tỷ đồng, để tổ chức thành công cuộc gặp lịch sử lần đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Triều Tiên. Khoảng một nửa trong số này sử dụng cho chi phí an ninh, khoảng 4 triệu SGD dành cho trung tâm báo chí phục vụ miễn phí cho 2.500 nhà báo quốc tế.

Việt Nam ước tính sẽ chi số tiền tương tự cho hội nghị lần này tại Hà Nội và cũng sẽ gặt hái những lợi ích tương tự như Singapore từ việc tổ chức cuộc gặp cấp cao Hoa Kỳ -Triều Tiên.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quà lưu niệm tặng Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quà lưu niệm tặng Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nâng cao giá trị thương hiệu Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong các cuộc họp chính phủ đầu năm mới phát biểu rằng hội nghị Hà Nội thành công sẽ góp phần nâng cao uy tín và giá trị thương hiệu Việt Nam. Việc tổ chức an toàn và hiệu quả cuộc gặp cấp cao là bảo chứng cho năng lực quốc tế của Việt Nam.

Trong khi đó, các nhà phân tích nói rằng đó là bài học phát triển hay mô hình phát triển mà bên ngoài quan tâm, đặc biệt là Triều Tiên vào ngay thời điểm này. “Nhờ cải cách, Việt Nam đã từ một nước hàng năm phải nhập hơn một triệu tấn lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo và nông sản quan trọng trong khu vực” - tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói.

Sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong hơn ba thập niên qua cũng là vấn đề Triều Tiên quan tâm, đặc biệt những kinh nghiệm phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn trước và sau khi Hoa Kỳ hủy bỏ lệnh cấm vận vào năm 1994.

Tiến sĩ Vũ Minh Khương thuộc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu tại Singapore nói với Báo Người Tiêu Dùng: “Họ sẽ học được những cái tốt và cả những cái dở của chúng ta. Việt Nam qua hơn 30 năm đổi mới sẽ là bài học quý cho Triều Tiên về tính tương đồng và tính khả dụng của những bài học phát triển đã qua. Nền kinh tế quốc doanh èo uột những năm 1980 trở thành kinh tế năng động nhiều thành phần. Bên cạnh đó hệ thống chính trị ổn định tạo nền tảng cho phát triển kinh tế”.

Kinh tế hướng về xuất khẩu của Việt Nam sẽ được Triều Tiên quan tâm bởi nguồn ngoại tệ xuất khẩu nước này đạt được chỉ hơn 2,8 tỷ USD trong năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã nhảy vọt từ 1 tỷ USD lên cột mốc hơn 200 tỷ USD sau hơn 30 năm đổi mới.

Trả lời về câu hỏi Triều Tiên sẽ chọn mô hình phát triển Singapore hay Việt Nam, tiến sĩ Vũ Minh Khương nhận định: “Singapore đã có sự phát triển và tiến bộ vượt bậc khi Việt Nam còn đang loay hoay với lệnh cấm vận kinh tế, rồi mở cửa và rơi vào “cạm bẫy năng lực”. Ở một mức độ, các bài học về phát triển của Việt Nam sẽ như giải pháp cho Triều Tiên trong giai đoạn gần, sắp tới. Còn về lâu dài, mô hình Singapore vẫn có sức hấp dẫn hơn”.

Các biển chào mừng Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai trên các con phố Hà Nội. (Ảnh: TTVN).

Các biển chào mừng Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai trên các con phố Hà Nội. (Ảnh: TTVN).

Du lịch là ngành hưởng lợi đầu tiên

Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu nói rằng sự kiện này là một cơ hội lớn cho du lịch Việt Nam giới thiệu với thế giới bên ngoài về đất nước, con người và những điểm đến hấp dẫn. Lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam trong năm 2018 đạt 15,6 triệu lượt khách, tăng 20% so với năm trước. Tỷ lệ tăng trưởng dự đoán sẽ cao hơn trong hai năm 2019-2020.

Tiến sĩ Vũ Minh Khương - một thành viên trong tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng chính phủ - cho rằng ngay cả ngành giáo dục Việt Nam cũng có cơ hội. Ông giải thích hội nghị lần này sẽ có kết quả hơn và sau đó là Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế sẽ nới lỏng và tiến tới gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận kinh tế đối với Triều Tiên. Nguồn viện trợ quốc tế của nước này sẽ tăng mạnh. “Các trường đại học Việt Nam có thể nhận tài trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) để thực hiện các dự án cho Triều Tiên chẳng hạn, tương tự như trong giai đoạn Việt Nam mở cửa và nhận được nguồn viện trợ và chuyên gia bên ngoài” - ông phát biểu.

“Con đường mới” hay một Triều Tiên mở cửa và hòa nhập với thế giới bên ngoài, theo cách nói của Tổng thống Donald Trump, mở ra biên giới cuối cùng của đầu tư tại châu Á. Một số tập đoàn Việt Nam giờ đã đủ sức vươn ra khỏi lãnh thổ của mình để nắm bắt cơ hội mới. Trong hơn 30 năm qua và tính đến cuối năm ngoái, tổng số vốn đầu tư ở nước ngoài của Việt Nam đạt 22 tỷ USD ở 35 quốc gia, vùng và lãnh thổ. “Giống như Hoàng Anh Gia Lai hay Viettel thâm nhập thị trường Myanmar, các tập đoàn Việt Nam có năng lực sẽ xông xáo đi tìm những miền đất mới” - một nhà kinh tế phân tích.

Vận tải cơ C-17 Globemaster đáp xuống sân bay Nội Bài chiều ngày 20/2/2019. (Ảnh: VNF).

Vận tải cơ C-17 Globemaster đáp xuống sân bay Nội Bài chiều ngày 20/2/2019. (Ảnh: VNF).

Hà Nội đã sẵn sàng!

Các con phố chính được chỉnh trang và treo cờ của hai nước, nhịp sống sôi động hơn. Một tiệm tóc ở Hà Nội thu hút sự chú ý của công chúng và báo chí quốc tế khi cho ra đời “các kiểu tóc Trump - Kim”

Lực lượng phóng viên nước ngoài đã đổ bộ và “cắm chốt” tại các khách sạn 5 sao của thành phố, đặc biệt là các nơi có khả năng được hai nhà lãnh đạo chọn hai tuần trước khi hội nghị diễn ra. Trung tâm Báo chí Quốc tế (IMC) phục vụ cho hội nghị lần này được đặt tại Cung Hữu nghị Việt Xô trên đường Trần Hưng Đạo. Dự kiến sẽ có khoảng 5.000 nhà báo trong và ngoài nước tham gia đưa tin về hội nghị.

Singapore hưởng lợi

Nước chủ nhà Singapore đã chi 16,3 triệu SGD cho công tác an ninh, trung tâm báo chí và các chi phí cho phái đoàn Triều Tiên trong suốt quá trình chuẩn bị cho hội nghị. Đổi lại, Singapore cũng được hưởng lợi rất nhiều.

Andrew Darling, CEO và người sáng lập của Công ty Truyền thông West Pier Ventures, nói để tạo được sức thu hút truyền thông mạnh mẽ như cuộc họp thượng đỉnh vừa qua, Singapore tốn ít nhất hơn 200 triệu SGD, tức hơn 10 lần số tiền đã bỏ ra. Còn Công ty Phân tích truyền thông Melwater nói độ phủ thông tin trong ba ngày xung quanh cuộc họp thượng đỉnh ngày 12/6 tạo ra một khoản tương đương 270 triệu USD tiền quảng cáo, trong khi khoảng thời gian một tháng trước thượng đỉnh tạo ra giá trị 767 triệu USD.

Tổng Cục Du lịch Singapore (STB) vừa công bố: Lượng khách du lịch nước ngoài đến nước này trong năm 2018 tăng 6% so với năm trước, phần lớn là nhờ sức hút và “dư âm” của hội nghị!

Một tuần trước khi hội nghị diễn ra, ngành du lịch Singapore đã dùng hình ảnh khách sạn Capella - nơi diễn ra cuộc gặp ngày 12/6 của hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Triều Tiên - để quảng bá cho ngành du lịch đảo quốc trên một tờ báo mạng tại Việt Nam.

Ricky Hồ

2
Theo NTD

largeer