Thuê bao trả trước cần bổ sung ảnh chân dung để đảm bảo quyền lợi của mình

Thứ tư, 11/04/2018, 09:49 AM

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn gợi ý: Với thuê bao đã xác định chính chủ thì chỉ cần cập nhật thông tin dữ liệu còn thiếu. Nếu chủ thuê bao đã có chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng thì có thể lấy luôn ảnh chứng minh nhân dân làm ảnh chụp

Những khó khăn trong việc yêu cầu các thuê bao di động trả trước chụp ảnh chân dung để bổ sung thông tin cá nhân vào hệ thống quản lý thông tin thuê bao của các nhà mạng là nội dung được thảo luận nhiều nhất trong cuộc họp chiều 10/4 giữa các cơ quan quản lý thuộc Bộ TT&TT (như Cục Viễn thông, Thanh tra Bộ, VNCERT...) với các doanh nghiệp viễn thông di động dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Đức Trung cho biết: Nghị định số 49/2017 thay thế Điều 15 của Nghị định 25/2011 của Chính phủ về quản lý thông tin thuê bao và Thông tư 04/2012 của Bộ TT&TT về quản lý thuê bao di động trả trước có hiệu lực thi hành từ ngày 24/4/2017.

Nghị định đã đưa ra nhiều biện pháp để tăng cường quản lý thông tin thuê bao như: Không hạn chế số lượng SIM mà mỗi người được sở hữu nhưng phải đủ thông tin thuê bao và chính chủ; Doanh nghiệp viễn thông chịu trách nhiệm toàn bộ về việc cập nhật, lưu giữ đủ và đúng thông tin thuê bao của người sử dụng dịch vụ…

Nghị định cũng để cho các doanh nghiệp viễn thông 12 tháng để rà soát, cập nhật lại thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu của mình, đảm bảo sau 12 tháng (tức là đến 24/4/2018 - PV) thì toàn bộ thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp phải đầy đủ, chính xác.

Triển khai Nghị định 49/2017, các doanh nghiệp viễn thông đã rà soát thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu của mình, trong đó, các thuê bao có thông tin chính xác không cần phải đi đăng ký lại thông tin thuê bao và bổ sung ảnh chụp.

Các thuê bao có thông tin còn thiếu, chưa chính xác, chưa có bản chụp chứng minh nhân dân trong cơ sở dữ liệu thuê thông tin thuê bao của doanh nghiệp viễn thông, hoặc thông tin trên bản chụp chứng minh nhân dân khác với thông tin trên bản khai, bản chụp chứng minh nhân dân có dấu hiệu bị làm giả… đều phải cung cấp lại thông tin thuê bao theo quy định và gửi bổ sung ảnh chụp.

Các doanh nghiệp viễn thông đã gửi tin nhắn, cử nhân viên đến thông báo cho khách hàng để cập nhật, đăng ký lại thông tin.

Tính đến 15/3/2018, đã có gần 4 triệu thuê bao trong tổng số 38 triệu thuê bao mà các doanh nghiệp viễn thông xác định là thông tin chưa đầy đủ, chính xác đã thực hiện việc cập nhật lại thông tin thuê bao (nghĩa là hiện vẫn còn khoảng 34 triệu thuê bao cần tiếp tục bổ sung thông tin, ảnh chân dung - PV).

Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, nhiều khách hàng chưa nhận rõ vai trò quan trọng của việc có thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác nên dù đã nhận được tin nhắn của doanh nghiệp viễn thông cũng như nhận được giải thích của các nhân viên doanh nghiệp viễn thông nhưng vẫn không hợp tác.

  Chia sẻ những khó khăn trong quá trình triển khai Nghị định 49/2017, đại diện Viettel khẳng định, các thuê bao mới đăng ký từ tháng 4/2017 đều hoàn toàn tuân thủ Nghị định 49/2017, khi đăng ký sử dụng dịch vụ đều có ảnh chụp chân dung.

Hiện chỉ có vướng mắc với các thuê bao đăng ký trước thời điểm tháng 4/2017, gồm 2 loại: Một là các thuê bao đã hòa mạng trước tháng 6/2012, thời điểm Thông tư 04 của Bộ ban hành, chủ thuê bao không cần phải chụp ảnh, chứng minh thư; Hai là hòa mạng từ tháng 6/2012 đến hết 24/4/2017, thuê bao đều có ảnh, chứng minh thư, nhưng ảnh không chính xác là chủ thuê bao mà có thể là ảnh bông hoa hoặc ca sĩ…

Theo Nghị định 49/2017, các chủ thuê bao vừa nêu phải bổ sung ảnh chân dung. Viettel đã triển khai phần mềm để khách hàng tự cập nhật ảnh và thông tin thuê bao, có thực hiện công tác kiểm tra đối soát.

Các nhà mạng khác như Vinaphone, MobiFone, Vietnamobile cũng đã triển khai thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, nhắn tin cho thuê bao chưa đủ thông tin về việc phải bổ sung thông tin thuê bao và ảnh chân dung để hoàn thiện cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao, thậm chí còn cử cán bộ đến tận nhà khách hàng để kiểm tra thông tin, cung cấp mẫu biểu để khách hàng hoàn thiện thông tin chính xác.

Nhấn mạnh tinh thần của Nghị định 49/2017 là muốn có cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đủ thông tin và đúng chính chủ, bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết thêm: Khi xây dựng và triển khai Nghị định 49/2017, chính các doanh nghiệp viễn thông di động đã có sáng kiến yêu cầu chụp ảnh chân dung chủ thuê bao để lưu lại phục vụ cho khâu hậu kiểm; việc chụp ảnh chân dung nhằm tăng tính xác thực khi khó nhận biết chứng minh nhân dân do người đăng ký thuê bao mới hoặc người cần bổ sung thông tin mang đến có đúng là của người đăng ký thuê bao hay không.

Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài như Thái Lan thì các chủ thuê bao di động không những phải chụp ảnh chân dung mà còn phải lưu cả dấu vân tay để đảm bảo chính chủ. Nếu giờ không triển khai việc chụp ảnh chủ thuê bao và lưu vân tay thì khó có cơ sở dữ liệu thuê bao đúng người dù các trường thông tin trong cơ sở dữ liệu có đủ tên tuổi, ngày tháng… Và khi có chuyện xấu xảy ra lại không truy ra được ai là chủ thuê bao di động.

Ghi nhận các ý kiến tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh mục tiêu của việc triển khai Nghị định 49/2017 nói chung và việc yêu cầu chủ thuê bao di động trả trước phải bổ sung ảnh chân dung là nhằm ngăn chặn tình trạng SIM rác, tin nhắn rác, quản lý thuê bao chính xác, không chỉ đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người sử dụng dịch vụ viễn thông mà vấn đề lớn hơn là góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Vấn đề đặt ra là cần làm sao để bảo đảm thực hiện tốt việc quản lý nhà nước mà các doanh nghiệp đỡ vất vả người dùng cũng không cảm thấy phiền hà.

Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải đảm bảo điểm cung cấp dịch vụ của mình thực hiện đúng quy định của pháp luật, có hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng dịch vụ viễn thông dễ dàng cập nhật lại thông tin thuê bao trả trước chưa chính xác. Cố gắng sớm hoàn thành mục tiêu có cơ sở dữ liệu thuê bao đầy đủ, chính xác, đúng quy định.

Đặt mục tiêu vì lợi ích của người tiêu dùng lên trên nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, Bộ trưởng gợi ý: Với thuê bao đã xác định chính chủ thì chỉ cần cập nhật thông tin dữ liệu còn thiếu. Nếu chủ thuê bao đã có chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng thì có thể lấy luôn ảnh chứng minh nhân dân làm ảnh chụp.

Bình Minh 

Theo Infonet

largeer