Thu hồi, bán đấu giá đất ven đường mới mở: Đô thị sẽ đẹp lung linh như châu Âu

Thứ ba, 02/03/2021, 16:25 PM

Theo các chuyên gia, việc bán đấu giá đất hai bên đường mới mở sẽ làm bộ mặt đô thị đồng bộ hơn, những tuyến phố sẽ đẹp lung linh như những con đường ở châu Âu.

Tại Việt Nam, trên nhiều tuyến đường mới mở thường xuất hiện những căn nhà có hình thù kỳ dị, nhà “siêu mỏng, siêu méo” đã xé toạc bức tranh đô thị của nhiều thành phố, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM.

Nhà “siêu mỏng, siêu méo” xé toạc đô thị

Tại Hà Nội, ghi nhận thực tế trên tuyến đường Phạm Văn Đồng (dự án mở rộng đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long), nhiều hộ dân do bị giải phóng mặt bằng nên đã xén phần lớn diện tích nhà, thế nhưng, họ vẫn sửa chữa lại. Thậm chí có nhiều căn nhà có hình thù kỳ dị, mỏng dính mới được xây dựng.

Hay như trên tuyến phố Trần Đăng Ninh (kéo dài) mới được thi công và đưa vào sử dụng không lâu, nhiều ngôi nhà méo mó khác cũng đã được hoàn thiện. Còn trên tuyến đường Võ Chí Công thì xuất hiện những căn nhà siêu mỏng, siêu méo từ khi mở tuyến đường này. Một đặc điểm chung của những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo trên là đều được xây dựng cao, nhiều tầng.

Tại TP.HCM, theo thống kê từ Sở Xây dựng, hiện có trên 1.000 căn nhà diện tích siêu nhỏ do ảnh hưởng bởi các dự án mở rộng mặt đường, đầu tư hạ tầng...

Chia sẻ về vấn đề này, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, nhà siêu mỏng, siêu méo không phải là mới mà là “câu chuyện buồn muôn thuở ở Hà Nội”. Thực tế, Hà Nội mở đường đến đâu là nhà siêu mỏng, siêu méo lại mọc lên đến đó.

“Tôi đi trên những con đường nghìn tỷ đồng, thấy hai bên đường đô thị nhếch nhác mà đau lòng và xấu hổ. Chúng ta đã có rất nhiều bài học ở các tuyến đường đã mở trước đó nhưng Hà Nội vẫn không chịu rút kinh nghiệm mà cứ để việc này tái diễn”, KTS Phạm Thanh Tùng thẳng thẳn bình luận.

Phải nghiên cứu dự án 2 bên đường trước

Mới đây, UBND TP.HCM vừa phê duyệt đề án "Quản lý và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả" với các biện pháp xử lý giá trị đất đai tăng thêm tại các dự án phát triển hạ tầng. Theo đề án, trong thời gian tới TP.HCM sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng rộng hơn phạm vi dự án để bán đấu giá đất ven đường, người dân trong diện giải tỏa sẽ được tái định cư tại chỗ.

nha-sieu-mong-16333732

Tôi đi trên những con đường nghìn tỷ đồng, thấy hai bên đường đô thị nhếch nhác mà đau lòng và xấu hổ.KTS Phạm Thanh TùngKTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, nếu làm được theo đề án này, chúng ta sẽ có 1 bộ mặt đô thị hiện đại, lung linh hơn rất nhiều. Trên thế giới, khi làm đường người ta phải lấy vào hai bên 50m – 100m để xây dựng hạ tầng đồng bộ với tuyến đường, giải quyết kiến trúc quy hoạch tuyến đường.

Tuy nhiên, ở Việt Nam “chúng ta lại chỉ chăm chăm làm đường, còn bộ mặt đô thị sau khi giải phóng mặt bằng là gì, thế nào thì lại không quan tâm”.

Vì thế mới có tình trạng nhiều ngôi nhà sau khi nhường đất làm đường chỉ còn lại 3m2, cũng được trưng dụng để làm mặt bằng cho thuê.

Ông Tùng cũng dẫn chứng, ở Trung Quốc – một quốc gia có kinh nghiệm lâu năm trong việc làm đường theo phương pháp này - họ không phải lấy vào 15m, mà lấy vào hẳn 50m, sau 50m đó họ làm con đường gom, nhỏ nhất là 4m. Trung Quốc làm thêm con đường gom này là để tạo ra thêm mặt tiền nữa cho nhà ở phía sau, tạo ra khu đô thị hoá rất tốt, họ không phải cứ chạy ra con đường lớn. Con đường gom này có thể làm thành 1 khu phố đi bộ sầm uất, tăng thêm giá trị cho khu đất đấu giá.

Khi có quy hoạch đường song song với quy hoạch đô thị hai bên đường, nhà nước cũng sẽ không mất nhiều công sức để quản lý, bộ mặt đô thị sẽ đồng bộ, hiện đại, bản thân người đấu giá khu đất cũng giảm bớt được các thủ tục hành chính như xin cấp phép xây dựng… Bởi lẽ, khi đã có quy hoạch thì khu đất nào làm khách sạn là làm khách sạn, bệnh viện là bệnh viện, đất đấu giá làm nhà dân được quy định chiều cao bao nhiêu cũng rất cụ thể, người mua sẽ hào hứng.

Cũng theo ông Tùng, trong Luật quy hoạch đô thị từ năm 2009 cũng đã quy định rất rõ việc quy hoạch hai bên đường, lấy vào 50m để chúng ta có thể đấu thầu miếng đất đó. Những ai mua miếng đất này phải tuân theo quy hoạch chung. Số tiền thu được có thể bù vào chi phí quy hoạch, làm đường.

Cách làm này thế giới họ đã làm cả 50 năm rồi. Mảnh đất trước khi làm đường chỉ có giá là 1, nhưng khi đường làm xong có giá trị gấp cả chục lần. Tiền đấu thầu bán đất có thể đủ để xây dựng cả con đường mà lại không phải lo tình trạng nhà “mỏng, méo” làm nhếch nhác bộ mặt đô thị.

“Vấn đề ở đây là chúng ta có quyết liệt và thực sự mong muốn làm hay không? Tôi thấy rõ ràng những người được giao nhiệm vụ quản lý đô thị chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình”, KTS Phạm Thanh Tùng thẳng thắn.

Đồng quan điểm, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, mấu chốt là việc quy hoạch triển khai các dự án làm đường phải đồng thời quy hoạch hai bên tuyến đường, ngăn chặn nhà "siêu mỏng, siêu méo" không để phát sinh chứ không phải chạy theo xử lý từng trường hợp. Để triệt được nhà siêu mỏng, siêu méo thì việc nghiên cứu dự án không gian 2 bên đường phải có trước khi mở đường.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng đồng tình cho rằng, khi mở rộng đường hoặc giải phóng mặt bằng để làm một dự án kết nối giao thông cần xem xét quy hoạch rộng hơn, có thể tính toán quy hoạch kiến trúc bán kính hơn 500 m.

"Khi lên phương án quy hoạch, phải chú trọng cả những căn nhà siêu mỏng. Nếu phát hiện có thể giải phóng mặt bằng luôn và quỹ đất sẽ phục vụ hoạt động công cộng hoặc tổ chức đấu giá kêu gọi đầu tư nếu diện tích đất lớn" - ông Ngô Viết Nam Sơn nêu quan điểm.

  NGỌC VY

Theo vtc
Từ khóa:

giá đất