Thịt heo thực sự đang thiếu hụt bao nhiêu?
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thị trường trong nước sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn thịt heo vào cuối năm nay. Nguồn thịt này sẽ được bổ sung bằng nhập khẩu.
Trong cuộc họp báo Chính phủ chiều 2/12, ông Phùng Đức Tiến - Thứ tưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - đưa ra dự báo, thị trường trong nước sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn thịt heo vào cuối năm nay. Ông Tiến cho hay, ngoài kiểm soát dịch tả heo châu Phi, bộ cũng tập trung vào giải pháp đẩy mạnh phát triển các loại gia súc, gia cầm và thủy sản.
Nguồn heo trong dân đã cạn
Trước khi lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) công bố con số trên, ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền cục trưởng Cục Chăn nuôi - vẫn khẳng định, nguồn cung heo thịt không thiếu. Việc giá heo hơi tăng kỷ lục, xấp xỉ 80.000 đồng/kg là do các đầu mối giết mổ không thể mua heo trực tiếp được từ các doanh nghiệp chăn nuôi mà phải mua qua thương lái, trong khi thương lái mua heo từ các kho của doanh nghiệp bán lại cho cơ sở giết mổ, đẩy giá lên cao để hưởng chênh lệch.
Thực tế, đàn heo trong nước đã giảm mạnh, nhiều tỉnh báo cáo giảm 30-50%, nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long báo cáo giảm 60%. Nguồn cung giảm khiến giá heo và thịt heo bán lẻ tăng.
Tại tỉnh Đồng Nai, nơi được xem là thủ phủ của ngành chăn nuôi heo, Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh này cho biết, tổng đàn heo của tỉnh hiện còn hơn 1,4 triệu con, giảm 48% so với lúc chưa xảy ra dịch tả heo châu Phi (ASF). Lượng heo của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) là gần 1,3 triệu con, lượng heo trong dân chỉ còn hơn 100.000 con.
Điều này cho thấy, heo thịt hiện chỉ còn tập trung tại các doanh nghiệp, heo nuôi nhỏ lẻ trong dân đã giảm khoảng 80%. Đồng Nai cung cấp hơn 50% tổng lượng heo cho TP.HCM - thị trường lớn nhất nước - nên trong thời gian qua, giá thịt heo tại TP.HCM tăng phi mã là điều dễ hiểu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai - cho rằng, cần có một đánh giá chi tiết về tình hình chăn nuôi heo hiện nay. Trung Quốc bị dịch tả heo châu Phi hoành hành lâu hơn Việt Nam, nhưng họ vẫn có những khu vực không bị dịch bệnh. Trong khi đó, toàn bộ 63 tỉnh, thành của Việt Nam đều có dịch bệnh này mà đánh giá hao hụt 20% sản lượng là hơi thấp.
Lấy gì để kìm giá heo?
Đầu tháng 11, giá heo hơi liên tục tăng, có ngày tăng đến 2.000-3.000 đồng/kg. Đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc, giá heo có lúc lên xấp xỉ mức 80.000 đồng/kg, mức cao nhất trong lịch sử ngành chăn nuôi. Theo các đầu mối, đợt tăng giá này chủ yếu do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc khiến lượng heo xuất tiểu ngạch ồ ạt qua biên giới phía Bắc.
Heo thịt trong dân khan hiếm, các đầu mối mua heo từ các kho của doanh nghiệp chăn nuôi xuất bán để hưởng chênh lệch và các doanh nghiệp chăn nuôi vì vậy cũng điều chỉnh giá bán ra liên tục. Dù vậy, giá bán của các doanh nghiệp vẫn thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng chung: ngay cả khi giá thị trường lên mức bình quân 75.000-80.000 đồng/kg thì giá tại kho các doanh nghiệp chỉ 66.000-68.000 đồng/kg.
Chênh lệch tại kho của nhà máy với giá bên ngoài lên đến 7.000-10.000 đồng/kg thúc đẩy thương lái đổ xô gom mua, bán sang tay kiếm lời cả triệu đồng mỗi con heo 100kg. Tuy nhiên, chênh lệch lớn này chỉ làm lợi các đầu mối trung gian. Các cơ sở giết mổ trong nước cũng mua heo từ nguồn này nên chịu tác động của đợt tăng giá phi mã, khiến giá thịt heo bán lẻ nhiều loại cao ngang ngửa thịt bò.
Trong lúc đà tăng giá tiếp diễn, có thông tin Cục Chăn nuôi kêu gọi các công ty cố gắng bình ổn giá heo, sau đó hầu như các doanh nghiệp không điều chỉnh giá. Nguồn heo xuất đi Trung Quốc cũng được kiểm soát chặt hơn, giá heo hơi vì thế giảm dần xuống quanh mức 73.000-74.000 đồng/kg. Đây không phải lần đầu các doanh nghiệp được kêu gọi giữ ổn định giá heo.
Theo đại diện một số doanh nghiệp, có thể các doanh nghiệp sẽ hưởng ứng nhưng khó tâm phục với cách điều tiết thị trường này. Để giữ được mức giá thấp, doanh nghiệp cũng phải giữ lượng bán ra ổn định chứ không bán ồ ạt, vì bán ra bao nhiêu, thương lái đều thu gom hết bấy nhiêu.
Điều đó cho thấy, cách can thiệp vào giá heo, kêu gọi doanh nghiệp giữ giá sẽ không mang lại hiệu quả. Thịt heo bán lẻ trên thị trường sẽ không giảm, người dùng không được hưởng lợi mà ngược lại, cách điều hành này còn vô tình tiếp tay cho thương lái đầu tư, trục lợi.
Trong buổi họp báo của Chính phủ ngày 2/12, ông Phùng Đức Tiến cho hay, ngoài kiểm soát dịch tả heo châu Phi, Bộ NN-PTNT cũng tập trung tái cơ cấu chăn nuôi, đẩy mạnh phát triển các loại gia súc, gia cầm và thủy sản. Để giải quyết việc thiếu hụt khoảng 200.000 tấn thịt heo, bộ đưa ra giải pháp có thể nhập khẩu theo phương châm cân đối được lợi ích giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Trí Công cho rằng, không nên hy vọng vào việc nguồn thịt heo nhập khẩu giúp kìm giá thịt heo trong nước, bởi giá thịt tại thị trường quốc tế cũng đã tăng cao do ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi tại nhiều nước, trong đó nặng nhất là Trung Quốc và Việt Nam - hai quốc gia chiếm đến 50% lượng heo của thế giới, riêng Trung Quốc đã chiếm tới 48%. Bình quân 4 con heo trên thế giới thì có 1 con chết vì dịch tả heo châu Phi.
Người chăn nuôi và tiêu dùng đều không được lợi
Có thể Bộ NN-PTNT cũng chịu áp lực khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,96% so với tháng trước và là mức tăng cao nhất trong 9 năm qua. Nguyên nhân chính là do giá thịt heo tăng cao.
Nếu theo dõi thị trường những ngày gần đây sẽ thấy, khi giá thịt heo tăng quá cao, nhiều sạp thịt tại các chợ bán lẻ rơi vào tình trạng ế ẩm. Tiểu thương thừa nhận, dù họ cố gắng cắt giảm lợi nhuận để bán được hàng, giữ được mối nhưng hàng vẫn ế vì người tiêu dùng chuyển sang dùng các loại thực phẩm khác như thịt gia cầm, thủy hải sản. Đây là cách điều tiết tự nhiên của thị trường.
Khoảng một tuần trở lại đây, giá gà công nghiệp phổ biến 42.000-43.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với một tháng trước đó; gà tam hoàng tăng từ 36.000-38.000 đồng/kg lên 56.000-65.000 đồng/kg. Trước đó không lâu, giá gà công nghiệp chỉ ngang ngửa giá rau muống.
Khi thua lỗ, người nuôi gà chủ động cắt giảm đàn; nguồn cung thiếu hụt đúng thời điểm người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang sử dụng thịt gà, thủy hải sản khiến giá mặt hàng này tăng.
Theo ông Nguyễn Trí Công, việc đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm là hợp lý, đặc biệt là thịt gà, bởi vòng đời của con gà khá ngắn, chỉ khoảng 42 ngày/lứa nên có thể bù đắp được lượng thịt thiếu hụt nhanh. Điều này cũng hợp lý, bởi ở hầu hết các nước, tỷ lệ sử dụng thịt gà cao hơn thịt heo, bình quân 30% thịt gà, 30% thịt bò, còn lại mới là thịt heo và các loại thịt gia súc khác hay thủy hải sản.
Việt Nam và Trung Quốc có cơ cấu ngược lại, 70% là thịt heo. Hạn chế hiện nay là thịt gà chế biến trong nước chưa đa dạng, còn đơn điệu nên chưa tăng được tỷ lệ tiêu thụ. Khi các doanh nghiệp gia cầm quan tâm đến điều này, thói quen tiêu dùng sẽ thay đổi.
Từ nay đến cuối năm, heo hơi duy trì được mức trên dưới 70.000 đồng/kg là phù hợp. Mức giá này bảo đảm người chăn nuôi có lợi nhuận, bởi giá thành chăn nuôi hiện nay đã tăng cao do người nuôi phải đầu tư an toàn sinh học để giữ cho đàn heo không bị dịch tả heo châu Phi hao hụt. Một lý do khác là, người nuôi cũng cần chia sẻ với người tiêu dùng. Nếu giá thịt heo tăng quá cao, người tiêu dùng sẽ “quay lưng” với thịt heo như đã xảy ra ở nhiều địa phương thời gian qua.
Theo ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương - việc thiếu hụt thịt heo từ nay đến sau tết Nguyên đán không chỉ ảnh hưởng đến người dân mà còn có thể tác động đến chỉ số CPI. Ông Hải cho rằng, cần tính toán nhu cầu thịt trong nước để đưa ra số lượng cần nhập khẩu phù hợp. Điều quan trọng nữa là phải kiểm soát nghiêm ngặt, không cho xuất heo lậu qua Trung Quốc trong khi nguồn heo thịt tại thị trường nội địa đang khan hiếm.
Hoàng Anh - Thư Hùng
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm