Thiên Rồng Việt biến tướng đa cấp, huy động tài chính trái phép bằng tiền ảo VNCoins?
Từng bị tố về hoạt động kinh doanh, tư vấn tài chính trái luật, Công ty CP Đầu tư Thiên Rồng Việt (gọi tắt là TRV, trụ sở tại 16 Trần Doãn Khanh, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM) mới đây còn “xem thường pháp luật” khi huy động vốn trái phép bằng ngoại tệ thông qua việc kinh doanh đồng tiền ảo VNCoins!?
Kinh doanh trái luật?
Theo đó, cuối tháng 12/2017, đồng tiền ảo VNCoins - một dạng tiền ảo đa cấp của TRV, bắt đầu xuất hiện trên thị trường tiền ảo Việt Nam dưới dạng huy động vốn. Theo lời quảng cáo trên website vncoins.vn: “VNCoins (VNC) được ứng dụng và giao dịch trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong thương mại điện tử, để đơn giản hóa việc thanh toán cũng như kiểm soát mức độ giao dịch…”.
Cụ thể, TRV tự phát hành 2.500.000 VNC, được khởi động vào ngày 25/12/2017 với mức giá 1 VNC = 2,6 USD. Theo lộ trình, vào ngày 25/2/2018, TRV sẽ phát hành mức 2.500.000 VNC, khi đó giá 1 VNC = 9 USD. Nhà sản xuất đồng tiền ảo VNCoins cũng cho biết, họ sẽ phát triển đồng VNCoins dựa vào cơ chế “Lending” (cho vay với lãi suất cao).
Khi đó, khách hàng đầu tư vào đồng VNCoins và cho người sản xuất VNCoins (TRV) vay lại sẽ được hưởng mức lợi nhuận rất “khủng”: Nếu “ném” 10.000 USD vào đồng VNCoins và cho nhà sản xuất TRV vay lại sẽ nhận được mức lợi nhuận mỗi ngày là 0,3% (30 USD) và tổng lãi suất sau 8 tháng là 72% (7.200 USD); đồng thời, nhà đầu tư và khách hàng có thể rút lợi nhuận 15 ngày một lần (bằng tiền mặt hoặc VNC).
Bên cạnh đó, TRV cũng trả phí môi giới rất hậu hĩnh, với mức đầu tư 10.000 USD phí môi giới sẽ được trả ở mức 5%, trong đó: 2,5% đơn vị USD và 2,5 % đơn vị VNC. Phí môi giới được nhà đầu tư cam kết chuyển ngay trong vòng 24-48 giờ. Nếu nhìn qua cơ chế “Lending” của TRV đối với đồng VNCoins, đây thực sự là mức lãi suất không tưởng đối với các nhà đầu tư và khách hàng. Bởi hiện nay, khó có một loại hình kinh tế nào bảo đảm tạo ra một mức lãi suất hấp dẫn như TRV đưa ra. Nhưng nếu xem xét kỹ từng chi tiết, các nhà đầu tư không khỏi lo lắng. Bởi, hành vi cung cấp, phát hành và sử dụng tiền ảo là phương tiện thanh toán hiện đang bị Nhà nước nghiêm cấm.
Điều đáng lưu ý, tất cả các giao dịch mua - bán đồng tiền ảo giữa nhà đầu tư và nhà sản xuất VNCoins đều được TRV kêu gọi thanh toán bằng tiền ngoại tệ USD (đô la Mỹ). Trong khi đó, theo quy định của luật hiện hành, tất cả hoạt động thực hiện thanh toán bằng đồng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam đều bị ngăn cấm!
Được biết, trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ngoại hối bao gồm: Ngoại tệ, phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ (séc, thẻ thanh toán…), các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ (trái phiếu, cổ phiếu, kỳ phiếu…), vàng, Việt Nam đồng trong trường hợp chuyển vào và chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc được sử dụng trong thanh toán quốc tế.
Việc TRV huy động vốn bằng tỷ giá đô la trong giao dịch, mua bán đồng tiền ảo là chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Tại Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (số 28/2005/PL-UBTVQH11) ngày 13/12/2005 quy định rõ: “Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng, các trường hợp thanh toán thông qua trung gian gồm thu hộ, ủy thác, đại lý và các trường hợp cần thiết khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép”.
Quảng cáo “nổ”?
Tìm hiểu về hoạt động kinh doanh tiền “ảo” của Công ty Thiên Rồng Việt tại website: vncoins.vn, thì thấy doanh nghiệp này quảng cáo với các nhà đầu tư rằng: “VNCoins (VNC) được ứng dụng và giao dịch trong nhiều lĩnh vực đặc biệt là trong thương mại điện tử, để đơn giản hóa việc thanh toán cũng như kiểm soát mức độ giao dịch… VNCoins sẽ tạo ra một hệ thống thanh toán cho tương lai. Trước mắt phát triển, cung cấp tại Việt Nam và dần dần phát triển trên khắp thế giới. VNC đã tạo ra một mật mã bí mật an toàn, đáng tin cậy và nhanh chóng. Chúng tôi tập trung vào việc dễ sử dụng cho tất cả các đối tượng và xây dựng một cộng đồng online rộng lớn trên khắp thế giới. VNCoins có hệ sinh thái tiềm năng như: Tích hợp cùng dịch vụ thanh toán cho thương mại điện tử (https://allunee.com), Ví trung thanh toán trung gian Yopay, chuyển đổi từ nhiều đồng tiền kỹ thuật số khác nhau, thanh toán dịch vụ vận chuyển thông minh, dịch vụ giải trí, thanh toán trong hệ thống nhà hàng, khách sạn, coffee… và rất nhiều tiện ích khác của VNCoins. Dịch vụ thông minh, tiện ích và đơn giản hóa là mục tiêu mà VNCoins hướng tới”.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, theo đăng ký kinh doanh TRV, công ty này hoạt động chính trong lĩnh vực: Hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính chưa được phân vào đâu (mã ngành 6619). Cụ thể: Hoạt động tư vấn đầu tư (trừ tư vấn tài chính, kế toán, pháp luật).
Ngoài ra, trong giấy phép kinh doanh cũng không thể hiện thêm bất kỳ ngành nghề nào phù hợp với hoạt động kinh doanh tài chính kỹ thuật số mà công ty này đang huy động, quảng cáo rầm rộ.
Ông Nguyễn Khắc Hiếu đại diện Sở Công thương TP.HCM cho hay: “Hiện tại Sở Công thương chưa nhận được bất kỳ biên bản nào về việc cấp giấy phép hoạt động kinh doanh đa cấp của công ty này từ phía Cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Công thương”.
Theo thông tin trên thì việc người tiêu dùng, các nhà đầu tư “nghi ngờ” về tính pháp lý của việc huy động tiền vốn bằng tiền “ảo” này đang trái với quy định của pháp luật, dễ khiến nhà đầu tư gặp “rủi ro” trắng tay là hoàn toàn có cơ sở.
Trong khi, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017 có hiệu lực từ 1/1/2018) quy định hành vi cung cấp, phát hành và sử dụng tiền ảo là phương tiện thanh toán sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Với quy định này, việc trao đổi và mua bán Bitcoin, Etherum, USDT hay các đồng tiền kỹ thuật số khác, khi chưa được pháp luật Việt Nam công nhận có thể sẽ không bị phạt. Tuy nhiên, những doanh nghiệp, tổ chức tự phát hành tiền ảo để gọi vốn đầu tư gây thiệt hại cho người tham gia sẽ nằm trong diện điều chỉnh của pháp luật.
“Về hình thức hoạt động kinh doanh của công ty này không có hàng hóa, mà thiên về dịch vụ nên giả sử trong tình huống công ty xin cấp phép từ Cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Công thương để đề nghị cấp phép thì cục cũng sẽ không chấp nhận vì không thuộc đối tượng điều chỉnh theo Nghị định 42/2014 về cấp phép kinh doanh trong lĩnh vực đa cấp. Khả năng cao công ty này sẽ không có giấy phép vì bản chất của hoạt động kinh doanh đa cấp là phải bán hàng hóa. Công ty này đang hoạt động theo kiểu giống hoạt động đa cấp về hình thức khuyến mại, trả thưởng” - ông Hiếu chia sẻ.
Việt - Sâm
- Cần hoàn thiện pháp luật để quản lý hiệu quả hoạt động đầu tư của công ty đa quốc gia
- Doanh nghiệp quốc phòng hoạt động kinh tế đúng pháp luật, bình đẳng với các doanh nghiệp khác
- Đấu giá trực tuyến: Sân chơi mới cần được pháp luật bảo vệ
- Vụ 2.000 công nhân bị nợ lương: Giám sát pháp luật lao động lỏng lẻo
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm