Thị trường bước vào cuộc đua mua sắm cuối năm

Thứ hai, 20/11/2023, 12:05 PM

Bước vào mùa mua sắm cuối năm, các kênh bán lẻ Việt đã tung các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng.

Bộ Công Thương cho biết, tính chung 10 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.105,4 nghìn tỉ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,9% (cùng kỳ năm 2022 tăng 16,7%). Trong đó, mức tăng chủ yếu ở nhóm hàng thiết yếu là lương thực, thực phẩm (tăng 11,2%) và nhóm hàng du lịch, dịch vụ (tăng từ 10,4 - 47,6%) do nhu cầu các dịch vụ này vẫn đang tiếp tục phục hồi sau dịch bệnh COVID-19. Các nhóm hàng khác tăng từ 5,5 - 13,6%.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị

Một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 12%; Bình Dương tăng 10,2%; Khánh Hòa tăng 9,9%; Đồng Nai tăng 9,8%; Cần Thơ tăng 9,4%; Hải Phòng tăng 9,3%; Đà Nẵng tăng 7%; TP.HCM tăng 5,9%; Hà Nội tăng 5,4%.

Để chuẩn bị nguồn cung hàng hóa trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương cho biết đang xây dựng Chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Hiện nay, một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Ninh Thuận... cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường dịp cao điểm này nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa cho người dân một cách tốt nhất với giá cả bình ổn. 

Bà Lê Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - nhìn nhận từ nay đến cuối năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có thể tăng trở lại khi kinh tế trong nước đang dần hồi phục, giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh, nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng như chương trình khuyến mại tập trung quốc gia, tháng khuyến mại tại nhiều địa phương, hội chợ hàng hóa Tết... cùng với nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá cuối năm của các doanh nghiệp trong cả nước được diễn ra, thu hút người tiêu dùng.

Hiện nay, các siêu thị lớn như: Saigon Co.op, Aeon, Lotte Mart, Winmart, MM Mega Market... liên tục thực hiện những đợt khuyến mãi lớn, kéo dài ở tất cả các ngành hàng. Ví dụ, chuỗi hoạt động thuộc Chương trình Tháng Khuyến mại Hà Nội năm 2023 đang được triển khai mạnh trong thời gian qua. Sự kiện "Ngày vàng giá shock" đã được triển khai đồng loạt tại 50 "Điểm vàng" của chương trình là các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng lớn tại Hà Nội như: Mediamart, BRGmart, Big C, MM Megamarket, Nguyễn Kim, Vultex, Saigon Co.opmart, Doji, Lan Chi, Hiền Lương,Winmart, Đức Thịnh…

Lượng hàng hóa được chuẩn bị kỹ lưỡng để kích cầu tiêu dùng cuối năm

Lượng hàng hóa được chuẩn bị kỹ lưỡng để kích cầu tiêu dùng cuối năm

Đại diện Saigon Co.op cho biết, để kích cầu mua sắm cuối năm, doanh nghiệp thường xuyên hỗ trợ kỹ thuật cho nhà sản xuất trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất... cải tiến chất lượng, mẫu mã, bao bì phù hợp thị hiếu tiêu dùng. Bên cạnh đó, đơn vị còn liên kết với một số nhà sản xuất trong nước để đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên kinh doanh các sản phẩm Việt Nam và các đặc sản làng nghề.

Saigon Co.op cũng chú trọng tổ chức nhiều chương trình kích cầu thiết thực nhằm đẩy mạnh hơn nữa hàng Việt đến với người tiêu dùng, đồng thời tăng cường các chính sách hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp sản xuất hàng tại Việt Nam như: ưu tiên trong chính sách mua hàng, diện tích, vị trí trưng bày, truyền thông, khuyến mãi cho các doanh nghiệp hàng Việt...

Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội (quận Hà Đông) Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ, nhiều năm qua Saigon Co.op (đơn vị quản lý mạng lưới siêu thị Co.opmart, Co.op Food, Co.opXtra…) luôn ưu tiên mua hàng, bố trí diện tích, vị trí trưng bày, truyền thông, khuyến mại... dành cho hàng Việt. Ngoài ra còn phối hợp với địa phương hỗ trợ vốn, kỹ thuật để doanh nghiệp cung ứng đầu tư sản xuất các mặt hàng chất lượng cao.

Có thể thấy, vào thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp trong nước luôn chú trọng đầu tư công nghệ, thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng các sản phẩm; đồng thời, thực hiện các chương trình khuyến mãi hằngtuần, hằng tháng, bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm hàng Việt tốt, một số sản phẩm có khả năng cạnh tranh được so với hàng nước ngoài.

Không những vậy, hoạt động sale (giảm giá) cuối năm từ các thương hiệu và sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki... đang diễn ra sôi nổi. Trong thời gian này cũng có các ngày lễ mua sắm lớn như Black Friday, Cyber Monday, Online Friday... Tận dụng cơ hội đó, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động "sạch hàng cũ, thêm hàng mới" trước thềm năm mới nên hầu hết các chương trình vào giai đoạn này đều hoành tráng (Mega sale, ngày đôi rạo rực từ các sàn thương mại điện tử: 11.11, 12.12).

Các nền tảng ví điện tử, giao thức ăn cũng không nằm ngoài cuộc chơi, như MoMo, Grab, Be, Beamin hay ShopeeFood... đều chạy chiến dịch khuyến mãi vào ngày độc thân 11.11.

Hai tháng cuối năm là thời điểm "vàng" cho doanh nghiệp, nhà bán hàng, sàn thương mại điện tử tăng trưởng doanh thu, phục hồi kinh tế nhờ nhu cầu mua sắm tăng cao.

Đại diện Shopee Việt Nam cho biết, các chương trình mua sắm cuối năm mang đến cho người dùng những ưu đãi tốt nhất trên thị trường, đáp ứng thị hiếu mua sắm trực tuyến ngày một nổi trội. Đây cũng là dịp các thương hiệu và nhà bán hàng có thể tận dụng để nâng cao mức độ hiển thị trực tuyến, tiếp cận tệp người dùng rộng lớn trên sàn và tạo đà bứt tốc doanh số hiệu quả.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để thương mại điện tử thực sự bứt tốc thì điều kiện tiên quyết là phải tạo dựng được niềm tin đối với người tiêu dùng. Chất lượng sản phẩm vẫn luôn được đặt lên hàng đầu nhằm đảm bảo sản phẩm xứng đáng với số tiền bỏ ra. Nếu giá rẻ mà sản phẩm không tương xứng sẽ bị người tiêu dùng quay lưng. Vì vậy, các sàn thương mại điện tử buộc phải cân nhắc và có kiểm soát kỹ hơn chất lượng khuyến mãi.

Theo 1thegioi.vn

largeer