Dòng tiền đầu tư đến thị trường gia tăng, giá hàng hóa giảm mạnh
Dữ liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa đảo chiều giảm mạnh trong tuần vừa qua khi chỉ có 9 mặt hàng giữ được sắc xanh. Với 22 mặt hàng giảm giá, chỉ số MXV-Index chốt tuần giảm 1,5% xuống còn 2.288 điểm.
Nông sản và nguyên liệu công nghiệp là 2 nhóm chịu sức ép bán mạnh nhất trong tuần với nhiều mặt hàng ghi nhận các mức giảm sâu đã đóng góp vào đà suy yếu của toàn thị trường.
Tuy nhiên, do tính chất giao dịch 2 chiều nên giá trị giao dịch toàn Sở vẫn tăng gần 50%, đạt trung bình hơn 4.200 tỷ đồng mỗi phiên. Trong đó, các mặt hàng cà phê đang nhận được dòng tiền đầu tư tăng gấp đôi so với tuần trước.
Giá cà phê Arabica lao dốc 5%
Kết thúc tuần giao dịch 18-24/9, sắc đỏ hoàn toàn phủ kín trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp, trừ mặt hàng đường.
Đường là mặt hàng suy nhất chốt tuần trong sắc xanh với mức tăng nhẹ lần lượt 0,22% với đường 11 và 0,07% với đường trắng. Trong đó, giá đường 11 có tuần thứ 5 tăng liên tiếp và chạm mức cao nhất trong 12 năm dù lực tăng đã nhẹ lại. Thị trường vẫn chú ý đến sản lượng đường tại Ấn Độ và Thái Lan, đặc biệt là nguy cơ cấm xuất khẩu đường từ Ấn Độ.
Trên thị trường cà phê, đáng chú ý, giá Arabica dẫn đầu đà giảm của nhóm khi đánh mất 5,03% so với tham chiếu, theo sau là giá Robusta giảm 3,73%. Trong tuần, Arabica chứng kiến 3/5 phiên trong sắc đỏ, Robusta ghi nhận 4/5 phiên. Nguồn cung được đẩy mạnh tại Brazil và sự khởi sắc hàng tồn kho trên Sở ICE đã tạo áp lực kép lên giá.
MXV cho biết trong tuần này, sự chú ý của thị trường quay về với dữ liệu tồn kho trên Sở ICE. Tồn kho Robusta và Arabica đều đang có sự cải thiện và sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến diễn biến giá trong bối cảnh xuất khẩu của Brazil đang được đẩy mạnh.
Giá lúa mì giảm mạnh 4%
Mặc dù giá đã chạm mức thấp nhất trong 3 năm qua vào ngày đầu tuần, nhưng 3 ngày hồi phục sau đó, giá ngô kỳ hạn tháng 12 đã khép lại tuần giao dịch vừa rồi với mức tăng nhẹ 0,53%. Ngô là mặt hàng nông sản duy nhất đóng cửa tuần trong sắc xanh. Theo MXV, bên cạnh triển vọng nguồn cung kém tích cực, lực mua kỹ thuật là động lực giúp giá ngô đóng cửa tuần trong sắc xanh.
Tại Brazil, CONAB đã dự báo sản lượng ngô niên vụ 23/24 của nước này sẽ chỉ đạt 119,8 triệu tấn, giảm 9,1% so với niên vụ trước do diện tích giảm 4,8% và năng suất dự kiến giảm 4,6% so với năm trước. Giá cả tại thị trường nội địa và quốc tế kém hấp dẫn là nguyên nhân dẫn đến Brazil cắt giảm diện tích trồng ngô niên vụ mới. Những thông tin trên đã tạo hỗ trợ ngắn hạn đến giá.
Ngược lại, giá ngô chịu áp lực từ triển vọng xuất khẩu ảm đạm của Mỹ. Doanh số bán hàng sụt giảm mạnh trong 2 tuần đầu niên vụ mới cho thấy nhu cầu ngô Mỹ đang dần suy yếu, từ đó kiềm chế đà tăng của giá.
MXV nhận định trong tuần này, tiến độ mùa vụ ngô tại Mỹ sẽ tiếp tục là mối quan tâm của thị trường. Nếu như mưa lớn xảy ra gây cản trở và ảnh hưởng tới chất lượng hạt giai đoạn thu hoạch thì có thể hỗ trợ cho giá các mặt hàng này. Ngoài ra, vào tối thứ Sáu, Bộ nông nghiệp Mỹ sẽ công bố báo cáo Tồn kho ngũ cốc của Mỹ tính đến ngày 1/9. Đây cũng là số liệu tồn kho cuối niên vụ 2022/23, vừa phản ánh tình hình xuất khẩu trong 3 tháng qua và nguồn cung đầu niên vụ tiếp theo.
Ở chiều ngược lại, lúa mì là mặt hàng ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong nhóm nông sản. Tình hình căng thẳng địa chính trị và hoạt động xuất khẩu tại Biển Đen vẫn là yếu tố tác động chính đến diễn biến giá lúa mì trong tuần trước, đồng thời khiến giá lao dốc mạnh khi kết tuần giảm hơn 4%.
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường
-
Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn giảm thêm nửa triệu đồng