Thị trường bất động sản: Rục rịch giao dịch trở lại
Sau một thời gian gần như đóng băng, hiện thị trường bất động sản tại TPHCM và một số tỉnh lân cận đã có sự giao dịch trở lại. Theo giới chuyên môn, đây là tín hiệu tích cực của nền kinh tế nhờ hàng loạt chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường này.
Nhiều dự án đã có khách mua
Theo ghi nhận của phóng viên, những tuần gần đây, tại TPHCM, một số dự án bất động sản đã có khách hàng tìm đến giao dịch. Ông Đoàn Thanh Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty PropertyX, thông tin, công ty đang chào bán dự án Avatar (TP Thủ Đức) với quy mô hơn 2.000 căn hộ và nhận được khá nhiều sự quan tâm của khách hàng so với đầu năm. Hiện mỗi ngày, có hàng chục căn hộ được khách hàng “giữ chỗ”. Trước đó, một dự án căn hộ tại huyện Hóc Môn được Công ty PropertyX đưa ra thị trường cũng thu hút khách hàng tìm hiểu.
Qua thống kê công tác bán hàng trong 10 ngày qua tại một số dự án trên địa bàn TPHCM, ông Trần Hiếu, Phó Tổng giám đốc tiếp thị và kinh doanh Tập đoàn DKRA, nhận xét, có sự quan tâm đáng kể của khách hàng khi tìm hiểu sản phẩm nhà, đất cũng như đã có những giao dịch thành công. Cụ thể, dự án The Classia Khang Điền (TP Thủ Đức) mỗi tuần bán 8 căn, với tổng doanh thu ước tính khoảng 200 tỷ đồng. Dự án chung cư De La Sol (quận 4) của CapitaLand mỗi ngày giao dịch trung bình 3-4 căn, với giá trị trung bình 7 tỷ đồng/căn. Dự án The Maq (quận 1) của Hongkong Land bán 7 căn trong tuần qua, với giá trị giao dịch từ 20-25 tỷ đồng/căn. Hay mới đây, Keppel Land đưa ra 100 căn hộ tại một dự án ở huyện Nhà Bè thì chỉ trong một ngày đã giao dịch hơn 70%, bởi dự án này cho thanh toán kéo dài, mỗi tháng chỉ trả khoảng 1% giá trị căn hộ… Tuy nhiên, theo ông Trần Hiếu, khách hàng khá thận trọng và chỉ đặt niềm tin với những dự án có pháp lý rõ ràng và chủ đầu tư uy tín, hoặc đã hoàn thiện phần thô, phương thức thanh toán linh hoạt.
Thị trường bất động sản các tỉnh xung quanh TPHCM cũng có nhiều tín hiệu tích cực. Ông Lê Tiến Vũ, Tổng Giám đốc Cát Tường Land, cho hay, hiện công ty đang triển khai bán một số dự án như Khu nhà phố bên sông Taka Garden Riverside Homes (Tân An, Long An); Khu đô thị Cát Tường Western Peal (Vị Thanh, Hậu Giang); Khu đô thị phức hợp Cát Tường Phú Hưng (Đồng Xoài, Bình Phước). Những dự án đã thu hút khá đông khách hàng quay trở lại, với những giao dịch thành công. Tại tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng Giám đốc Asean Holding, chia sẻ, hiện công ty đang đưa ra thị trường “đất nền, sổ đỏ” với giá dưới 1 tỷ đồng một sản phẩm, khá thu hút khách hàng. Tâm lý của nhiều người hiện nay là thích đầu tư bất động sản an toàn, sản phẩm xây dựng tốt, đặc biệt kỳ hạn thanh toán càng dài thì càng thu hút khách hàng.
Trông đợi khơi thông pháp lý
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, thông tin, trong quý 1-2023, nhiều dự án nhà ở trên địa bàn TPHCM đủ điều kiện đưa ra thị trường - với 7.753 căn hộ, tăng 500% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mục tiêu xây dựng 50 triệu m2 sàn nhà ở giai đoạn 2021-2025 hiện đang gặp nhiều khó khăn. Trong 2 năm đầu của nhiệm kỳ, TPHCM mới đạt 13,5 triệu m2 sàn nhà ở. Như vậy, 3 năm còn lại, mỗi năm TPHCM phải xây mới 12,2 triệu m2 sàn nhà ở. Trong khi đó, trong quý 1-2023, con số này chỉ mới đạt 2,3 triệu m2.
Hiện nay, TPHCM có hơn 150 dự án bất động sản gặp vướng mắc pháp lý đang chờ tháo gỡ. Sở Xây dựng đề xuất UBND TPHCM phân nhóm vướng mắc và giao cho từng sở, ngành liên quan chủ trì phối hợp xem xét giải quyết. Trong đó, riêng Sở Xây dựng chủ trì xem xét 8 dự án.
Dưới góc độ doanh nghiệp, khơi thông pháp lý dự án là vấn đề “sống còn”. Ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật (CII), cho biết, hiện nay CII đang vướng pháp lý ở một số dự án bất động sản do quy định pháp luật chồng chéo, dẫn đến dự án bị ngưng trệ từ nhiều năm nay. Hy vọng với những chính sách mới và quyết tâm của chính quyền TPHCM, các dự án sẽ sớm được triển khai.
Bên cạnh đó, vướng mắc pháp lý cũng tác động đến những dự án nhà ở xã hội. Những ngày gần đây, giới đầu tư khá hồ hởi với thông tin về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho người mua nhà và doanh nghiệp tham gia các dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành, phân tích: “Gói 120.000 tỷ đồng chỉ gói gọn cho những dự án nhà ở xã hội, trong khi đó nguồn cung nhà ở xã hội hiện nay rất hạn chế do vướng thủ tục pháp lý. Dự án không có để bán thì gói tài chính này làm sao giải ngân?”.
* Chuyên gia Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư bất động sản Việt An Hòa: Cần tiếp tục giảm giá nhà, đất
Thời gian qua, số lượng dự án đất nền, nhà phố ở các tỉnh giảm khá sâu, đặc biệt sản phẩm của các nhà đầu tư thứ cấp đã giảm 30%-40% để cắt lỗ do áp lực nợ vay. Tuy nhiên, một số dự án tại TPHCM vẫn đưa ra thị trường với mức giá còn khá cao. Điều này khó kích thích được thị trường, khiến người mua có tâm lý chờ đợi giá giảm thêm.
ĐỖ TRÀ GIANG
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường