Thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần ấm trở lại

Thứ năm, 06/04/2023, 09:48 AM

Sau hàng loạt giải pháp, thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần ấm trở lại, mang lại tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp bất động sản. Câu chuyện dòng tiền "giải cứu" thị trường bất động sản lại quay về phía các ngân hàng qua kênh trái phiếu doanh nghiệp.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt. Ảnh: Đỗ Tâm

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt. Ảnh: Đỗ Tâm

Nhìn lại thời gian qua, bất ổn ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Là một trong những ngành có lượng phát hành trái phiếu lớn nhất, nhóm doanh nghiệp bất động sản chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Hiệu ứng này cũng đã lan ra ở các ngành khác, như ngân hàng và thị trường chứng khoán.

Dòng tiền đóng băng trong khi hàng trăm nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong năm 2023 và 2024. Chỉ trong chưa đầy 3 tháng đầu năm (tính đến ngày 22-3-2023), có khoảng 53 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc. Ước tính, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này vào khoảng 149 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 13,6% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường.

Tuy nhiên, những “nút thắt” đã dần được gỡ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP (ngày 5-3-2023) sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Cùng với đó là những động thái tích cực từ phía Ngân hàng Nhà nước đã giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần hồi phục. Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong tháng 3-2023 (tính đến ngày 24-3), đã có 10 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị phát hành 25.825 tỷ đồng, gấp 13 lần khối lượng phát hành của tháng 2-2023.

Để tiếp tục gỡ khó cho trái phiếu doanh nghiệp, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã công bố dự thảo sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-NHNN (ban hành ngày 10-11-2021) quy định việc tổ chức nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, lý do sửa đổi là để rà soát các quy định liên quan đến đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho đồng bộ, phù hợp với những chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản của Chính phủ. Theo các chuyên gia, điểm tích cực của dự thảo lần này là cho phép ngân hàng mua lại trái phiếu chưa niêm yết mà ngân hàng đã bán trước đó hoặc trái phiếu được phát hành cùng lô, cùng đợt phát hành trái phiếu đã bán...

Giám đốc phân tích, Công ty TNHH Chứng khoán Maybank Quản Trọng Thành nhận định, động thái của Ngân hàng Nhà nước có thể giúp các ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp mua lại trái phiếu từ nhà đầu tư nhỏ lẻ, sau đó đàm phán với doanh nghiệp về việc gia hạn, qua đó giảm áp lực trong trung hạn. Cùng với quy định mới cho phép kéo dài kỳ hạn trái phiếu thêm 2 năm có thể giúp phân tán áp lực thanh toán trái phiếu sắp đến hạn, vì ngân hàng dễ đàm phán với doanh nghiệp hơn nhà đầu tư cá nhân.

Bên cạnh đó, một điểm tích cực khác là ngân hàng có thể mua trái phiếu từ các doanh nghiệp cho mục đích huy động vốn lưu động. Mặc dù việc mua trái phiếu là kỳ hạn trung và dài hạn còn vốn lưu động thì ngắn nhưng ở thời điểm hiện nay thì cũng có thể tạm thời coi là giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho thị trường.

Các chuyên gia cũng cho rằng, hiện chỉ có hai nguồn tiền giúp gỡ khó cho thị trường trái phiếu, cũng là để khai thông thanh khoản cho toàn nền kinh tế. Đó là từ nhà đầu tư nước ngoài, nhưng doanh nghiệp muốn thu hút được luồng tiền này, cần có dự án, thương hiệu tốt và cần có thời gian đàm phán. Nguồn tiền khác cũng là nguồn nhanh nhất hiện nay là tín dụng ngân hàng. Bởi vậy, ngân hàng có thể hỗ trợ thanh khoản thị trường bằng việc tìm điểm cân bằng giữa bơm tín dụng và kiểm soát rủi ro hệ thống.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nâng yêu cầu, chuẩn mực quản trị của ngân hàng khi đầu tư, nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng. Đồng thời thanh tra, giám sát hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, theo dõi chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng nhằm phát hiện sớm dấu hiệu rủi ro, hành vi vi phạm pháp luật. Đây cũng là những giải pháp quan trọng giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp thực sự lành mạnh, hấp dẫn các nhà đầu tư.

HÀ LINH

Theo hanoimoi.com.vn

largeer