Thất thu 2.000 tỉ đồng mỗi năm từ rượu không nhãn mác

Thứ năm, 06/09/2018, 18:44 PM

Hiện nay trên thị trường có khoảng trên 70% là rượu dân tự nấu, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ gây ảnh hưởng tới sức khoẻ của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và đặc biệt là gây thất thu ngân sách. Ước tính, Nhà nước thất thu ngân sách 2.000 tỉ đồng mỗi năm từ rượu không nhãn mác.

Các đại biểu tham gia góp ý Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu bia - Ảnh: TD

Các đại biểu tham gia góp ý Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu bia - Ảnh: TD

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của công ty Euromonitor, ước tính tổng thiệt hại từ thị trường bia, rượu trái phép tại Việt Nam ước khoảng 441 triệu đô la Mỹ/năm (hơn 10.000 tỉ đồng).

Tại tọa đàm về dự án “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia” do Vụ pháp chế, Bộ Công thương phối hợp với Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam tổ chức ngày 6-9, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương, cho hay tình hình buôn lậu, buôn bán rượu, bia không có nguồn gốc vẫn diễn ra với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi và khó phát hiện.

Tình trạng rượu nhập lậu không hóa đơn chứng từ vẫn diễn ra trên thị trường. Rượu nhập lậu được đưa vào thị trường Việt Nam qua các tuyến biên giới Tây Nam và miền Trung. Ngoài ra vào dịp cuối năm, Tết Nguyên đán, khi nhu cầu tiêu thụ rượu tăng cao, số lượng rượu giả, rượu lậu theo con đường xách tay đưa vào thị trường ngày càng nhiều hơn.

Theo ông Tuấn, phương thức sản xuất rượu giả là dùng vỏ chai rượu của các nhãn hiệu nổi tiếng đã qua sử dụng nhưng còn mới. Không chỉ sản xuất rượu giả, các đối tượng còn dùng tem chống rượu giả mà không thể phân biệt được bằng mắt thường…

Chi cục Quản lý thị trường các thành phố đã triển khai công tác phòng chống buôn lậu rượu, đặc biệt với rượu thủ công. Kết quả riêng năm 2017, Cục Quản lý thị trường đã thu giữ hơn 30.000 chai rượu các loại; 6 tháng đầu năm nay đã xử lý được 165 vụ, thu giữ 16.200 chai rượu các loại.

Về rượu thủ công, năm 2017, Cục Quản lý thị trường đã kiểm tra 3.200 vụ, phạt tiền trên 4,8 tỉ đồng.

Các hành vi vi phạm bị xử lý như sản xuất rượu nhái, vi phạm sở hữu công nghiệp của một số thương hiệu nổi tiếng được bảo hộ, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc hoặc các chai rượu ngoại có giá thành rẻ để sản xuất rượu giả có giá trị cao hơn, sử dụng nguồn men nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ nhằm tăng độ cồn, pha chế cồn công nghiệp để tăng nồng độ rượu….

Do đó, theo Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam, Nhà nước và các cơ quan chức năng cần thắt chặt quản lý, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật đã ban hành để kiểm soát lượng rượu không nhãn mác này.

Thùy Dung

Theo TBKTSG

largeer