Kiểm soát hành vi lạm dụng rượu bia
Ngày 30/8, Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tiến hành phiên họp mở rộng cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Qua thảo luận, các ý kiến cho rằng, các điều luật phải hướng đến việc phòng, chống các hành vi lạm dụng rượu bia trong xã hội, làm cho người dân hiểu rõ tác hại của việc lạm dụng rượu bia từ đó giảm dần mức tiêu thụ.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, rượu bia là thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển con người bền vững bởi những ảnh hưởng tiêu cực đến cả 3 khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế. Với những tác động đến sức khỏe cộng đồng, xã hội và tài chính, rượu bia thực sự là trở ngại lớn đối với 13/17 mục tiêu và 52/169 chỉ tiêu phát triển bền vững. Thực trạng sử dụng rượu, bia ở nước ta đang ở mức báo động và phải được kiểm soát chặt chẽ để giảm mức tiêu thụ.
Đưa ra dẫn chứng mức tiêu thụ bình quân đầu người (trên 15 tuổi) hàng năm theo số liệu năm 2014 của Tổng cục Thống kê là 4,4 lít nhưng năm 2016, ước tính của Tổ chức Y tế thế giới con số này đã lên tới 8,3 lít, ở vị trí 64/194 nước trong khi mức tiêu thụ trên toàn cầu không tăng đáng kể, Thứ trưởng Long cho rằng, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia cao, và tỷ lệ này ở cả hai giới đang gia tăng. Xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu, bia cũng được đánh giá là vấn đề nghiêm trọng do các hệ lụy về sức khỏe và xã hội. Điều đáng lo ngại là tỷ lệ nam giới uống rượu, bia ở mức nguy hại đã tăng nhanh chóng, năm 2010 là 25,1% thì đến năm 2015 đã tăng gần gấp đôi. Tình trạng này phổ biến hơn ở các hộ gia đình dân tộc thiểu số, miền núi và nông thôn.
“Tỷ lệ uống rượu được sản xuất thủ công không đăng ký kinh doanh, rượu không rõ nguồn gốc trong tỷ trọng tiêu thụ rượu, bia ở nước ta đang chiếm tới khoảng 74,3%. Tác hại do sử dụng rượu, bia gây ra đối với sức khỏe và kinh tế - xã hội đang ngày càng trầm trọng và gia tăng tỷ lệ thuận với mức độ gia tăng tiêu thụ rượu bia. Do đó, phòng chống tác hại của rượu bia là một yêu cầu cần thiết phải được Nhà nước và xã hội quan tâm giải quyết với các biện pháp đồng bộ, toàn diện về chính sách¸pháp luật, kinh tế trong đó có việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia” - Thứ trưởng Long cho hay đồng thời cho rằng, việc ban hành luật với các biện pháp mạnh mẽ sẽ góp phần từng bước hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, khi bia rượu cũng là một tác nhân làm giảm năng suất lao động và hạn chế sự phát triển bền vững của đất nước.
Nhất trí với sự cần thiết ban hành luật, tuy nhiên ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội đề nghị, cần phải đánh giá sâu hơn về tác động của các quy định trong dự luật, bởi không chỉ về mặt sức khỏe mà còn liên quan đến về kinh tế, về văn hóa, phong tục, tập quán của người Việt. Qua thảo luận, nhiều ý kiến cũng cho rằng, phải xác định rất rõ phạm vi điều chỉnh của dự luật này là kiểm soát hành vi lạm dụng rượu bia vì có lạm dụng rượu bia mới gây ra những tác hại. Do đó, các điều luật phải hướng đến việc phòng, chống các hành vi lạm dụng rượu bia trong xã hội, làm cho người dân hiểu rõ tác hại của việc lạm dụng rượu bia từ đó giảm dần mức tiêu thụ.
Phát biểu kết luận phiên họp, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh các quy định cụ thể để luật bảo đảm tính khả thi, đồng thời, hoàn thiện các vấn đề về thủ tục hồ sơ dự án luật bảo đảm đúng yêu cầu và tiến độ trình sang các cơ quan của Quốc hội để thẩm tra chính thức.
H.Vũ
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội