Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất: Lớp 9 và 12 đi học lại từ 2-3, các lớp khác từ 16-3
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, việc cho học sinh đi học trở lại phải được tính toán thật kỹ.
Chiều 25-2, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch TP.HCM đã tổ chức cuộc họp về phòng chống Covid-19. Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch TP đã mời Thường trực Thành ủy TP.HCM cùng dự cuộc họp.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP, cho biết dịch Covid-19 không còn ở phạm vi Trung Quốc mà đã lây lan nhanh, mạnh sang Hàn Quốc, Nhật Bản…
"Đây là những nước có mối quan hệ nhiều mặt về kinh tế - xã hội rất lớn với Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Do đó, TP cần lên phương án đối phó với dịch bệnh, nhất là có những kế hoạch cụ thể đối với việc học tập của học sinh, sinh viên trên địa bàn" – Chủ tịch UBND TP nói.\
Chủ tịch UBND TP nhìn nhận thế giới đang lo ngại khi dịch bệnh Covid-19 lây lan rất nhanh. Theo Tổ chức Y tế thế giới, cánh cửa kiểm soát dịch bệnh Covid-19 càng khép lại, đỉnh dịch có thể cuối tháng 4. Có những trường hợp phát tán dịch bệnh hết sức vô thức như trường hợp "bệnh nhân thứ 31" của Hàn Quốc.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng số người Hàn Quốc tại TP cũng lớn, số người Việt Nam ở Hàn Quốc cũng rất lớn nên nguy cơ lây nhiễm là rất cao. Chúng ta cần phải có biện pháp quyết liệt hơn nữa; không lơ là, chủ quan và "ngủ quên" trên kết quả bước đầu; phải có kịch bản ứng phó cụ thể.
Đề cập việc đi học lại của học sinh, sinh viên trên địa bàn, ông Nguyễn Thành Phong cho biết theo tính toán, nếu TP.HCM cho học sinh đi học lại, mỗi em sử dụng 3 khẩu trang/ngày thì mỗi ngày TP phải cung cấp 3 triệu khẩu trang mới đáp ứng đủ nhu cầu. Chủ tịch UBND TP cho rằng điều này là bất khả thi. Trường hợp quy định một nửa học sinh đeo, một nửa không đeo thì càng không ổn. "Bài toán đặt ra rất lớn, phải đưa ra giải pháp như thế nào. Việc cho học sinh đi học lại phải được tính toán thật kỹ" – ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Báo cáo tóm tắt tình hình phòng chống dịch bệnh Covid-19, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết đến 15 giờ hôm nay 25-2, tại TP có 3 trường hợp nhiễm Covid-19 và đã được chữa khỏi, 35 trường hợp tiếp xúc gần cũng đã xác định âm tính. TP chưa ghi nhận trường hợp lây lan Covid-19 trong cộng đồng. Hiện nay, Trung tâm y tế cách ly ở Củ Chi đã tiếp nhận 100 trường hợp, có hơn 20 người là người Hàn Quốc. Tại sân bay Tân Sơn Nhất cũng đã có một khu cách ly tạm thời những người đến từ vùng dịch.
Ông Bỉnh đánh giá do chủ động, quyết liệt, không chủ quan nhưng không lo lắng quá mức; công tác chỉ đạo, điều hành từ TP đến quận – huyện, phường – xã – thị trấn ngay từ đầu khi dịch bệnh mới xảy ra tại Việt Nam nên bước đầu TP kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. "Dù TP đã khống chế được dịch Covid-19 giai đoạn đầu nhưng trong thời gian tới, TP không chủ quan mà chủ động, quyết liệt chống dịch" – ông Bỉnh nêu rõ.
Theo ông Bỉnh, đặc điểm dịch tễ cho thấy người nhiễm bệnh có khi không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng. "Điều này rất nguy hiểm" – ông Bỉnh nhìn nhận. Hơn nữa, hoạt động giao thương, đi lại giữa TP.HCM và các nước dẫn đến nguy cơ xâm nhập từ vùng dịch, đặc biệt là những quốc gia châu Á đang có số ca nhiễm bệnh cao nhưng vẫn được phép đến Việt Nam. Những ngày gần đây, Hàn Quốc có số ca nhiễm Covid-19 tăng rất nhanh.
Hơn nữa, TP.HCM có dân số và mật độ cao; số lượng và mật độ học sinh trong các cơ sở giáo dục cũng cao nên nguy cơ tạo điều kiện lây nhiễm trong cộng đồng. Khả năng kiểm dịch đối với ca xâm nhập từ ổ dịch sẽ rất khó khăn, nhiều phương tiện đi lại, nhiều hướng xâm nhập. Nguy cơ phát thành dịch nếu không giám sát, phát hiện kịp thời các ca mới mắc trong trường học, trong các cơ sở tập trung đông người.
Với tình hình dịch bệnh diễn biến rất nhanh như trường hợp ở Hàn Quốc – đây là bài học của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP HCM, làm sao phát hiện bệnh càng sớm càng tốt.
Về phương án đi học lại trong thời gian tới, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn cho biết nhằm giảm bớt áp lực từ gần 2 triệu học sinh đồng loạt nhập học, sở kiến nghị khối mầm non tiếp tục nghỉ đến hết ngày 15-3; từ ngày 16-3 thì lớp lá bắt đầu đi học nhưng không tổ chức ăn sáng đầu giờ. Các lớp khác tùy theo tình hình dịch bệnh sẽ có thông báo sau.
Ở khối tiểu học, học sinh nghỉ đến hết ngày 15-3; lớp 5 sẽ đi học lại từ ngày 16-3 nhưng không tổ chức bán trú.
Ở bậc THCS, ngày 2-3 học sinh lớp 9 đi học lại, không học bán trú. Ngày 16-3, các khối còn lại sẽ đi học bình thường.
Ở bậc THPT, giáo dục thường xuyên, học sinh khối 12 đi học lại từ ngày 2-3 nhưng chỉ một buổi, không tổ chức bán trú. Ngày 16-3, tất cả các khối còn lại sẽ đi học lại.
Với các trung tâm kỹ năng sống, ngoại ngữ, dạy thêm, đề xuất đi học lại từ ngày 16-3.
Ông Lê Hồng Sơn kiến nghị UBND TP HCM có văn bản gửi Bộ GD-ĐT kiến nghị đối với những trường hợp học sinh cá biệt, nghi ngờ mà phải cách ly thì thời gian nghỉ, theo dõi cách ly không tính vào thời gian nghỉ học.
Phan Anh - Nguyễn Thuận; ảnh: Nguyễn Phan
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội