Sản phẩm làm từ da cá sấu Việt Nam: Khó xuất ngoại

Thứ ba, 28/08/2018, 09:54 AM

Nguyên nhân lớn nhất chính là chưa biết cách xây dựng thương hiệu để cạnh tranh với các thương hiệu da lớn mạnh khác trên thế giới. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến với hầu hết sản phẩm Việt.

Sản phẩm da giày từ nguyên liệu da cá sấu của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa

Sản phẩm da giày từ nguyên liệu da cá sấu của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa

Ông Tôn Thất Hưng - Giám đốc Công ty cá sấu Hoa Cà chia sẻ: "khó khăn lớn nhất của chúng tôi là chưa tìm được thị trường. Vấn đề lớn nhất là phải xây dựng được thương hiệu cho cá sấu Việt Nam, đưa nó ra thị trường nước ngoài. Hiện nay chúng tôi xuất khẩu qua một vài nước như Nga, Nhật nhưng ít lắm, chưa tới 10%. Phần lớn là xuất khẩu tại chỗ, tức là các sản phẩm này chỉ được bán tại các trung tâm du lịch ở Việt Nam như Hạ Long, Nha Trang".

Vấn đề đáng bàn nữa là ở Việt Nam hiện nay dù được cho là nơi có điều kiện tự nhiên lý tưởng để nuôi cá sấu nhằm chế biến lấy da làm nguyên liệu sản xuất cho da giày. Tuy nhiên việc đầu tư cho ngành nuôi cá sấu ở nước ta vẫn còn hết sức nhỏ lẻ, manh mún. Các đơn vị, trang trại nuôi cá sấu chủ yếu được hình thành tự phát từ các doanh nghiệp có định hướng cá nhân chứ chưa được quy hoạch theo một thể thống nhất trên diện rộng.

"Hiện nay rất ít các công ty tự nuôi cá sấu được như công ty cá sấu Hoa Cà, Công ty cá sấu Tồn Phát. Doanh nghiệp tự nuôi được chỉ có khoảng 5-7 doanh nghiệp thôi, nên cần phải có chính sách hỗ trợ của nhà nước để nhân rộng". Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hội Da giày TP.HCM, cho biết.

Chính vì nuôi nhỏ lẻ, tự phát nên nhiều doanh nghiệp được cho là gạo cội trong việc nuôi và chế tạo ra sẩn phẩm thuộc dòng nguyên liệu cao cấp này cũng chỉ đủ cung ứng cho việc sản xuất của chính doanh nghiệp chứ chưa cung cấp rộng ra cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu da giày Việt Nam nói gì đến chuyện có khả năng dư nguyên liệu để phục vụ cho xuất khẩu.

“Chúng tôi chỉ sản xuất ra đủ nguyên liệu để tự cung ứng cho mình chứ không cung cấp ra ngoài bởi vì đặc thù của ngành nuôi cá sấu khá lâu và phải chuẩn bị từ 2-3 năm cho 1 nguyên liệu cho nên nếu có dư thì mình cũng không bán ra ngoài”. Ông Tôn Thất Hưng cho biết thêm

Doanh nghiệp Việt chưa xây dựng được thương hiệu cho phân khúc sản phẩm từ da cá sấu trên thị trường quốc tế. Ảnh: minh họa

Doanh nghiệp Việt chưa xây dựng được thương hiệu cho phân khúc sản phẩm từ da cá sấu trên thị trường quốc tế. Ảnh: minh họa

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng dù có đủ nguyên liệu để sản xuất đi nữa thì việc không nâng cao được công nghệ sản xuất cho sản phẩm như: dây nịt, bóp, giày... cũng là vấn đề. Bởi sản phẩm làm từ da cá sấu chủ yếu là gia công chân tay với công nghệ chế biến rất thấp, nên chất lượng sản phẩm không cao so với yêu cầu từ các nước nhập khẩu từ châu Á, châu Âu.

"Đa số hàng da giày làm gia công vì chúng ta chưa có nhà máy lớn cũng như nguồn nguyên liệu vững chắc để chế tạo ra được nguồn nguyên liệu để tự mình chế biến chứ không cần nhập đến 80% như thời gian qua", ông Dũng cho biết thêm.

Trong bối cảnh ngành da giày đang thiếu nguồn nguyên liệu và phải nhập khẩu rất nhiều như hiện nay thì việc gỡ khó và tạo điều kiện phát triển, mở rộng nuôi và sản xuất da cá sấu là vô cùng cần thiết. 

Kim Ngọc

 

Theo NTD

largeer