Sagoda xây dựng siêu thị Emart2 không có phép!?
Tuy mới được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương xây dựng siêu thị tại số 12/78 đường Phan Huy Ích, P.14, Gò Vấp, nhưng CTCP Da giày Sagoda đã tiến hành xây dựng phần móng và hầm rộng hơn 7.000m2. Việc xây dựng chui khi chưa có giấy phép xây dựng của Sagoda đã bị UBND quận Gò Vấp xử phạt hành chính 40 triệu đồng.
Dễ dãi với Sagoda?
Năm 2018, UBND TP.HCM chấp thuận dự án xây dựng siêu thị của Sagoda trên phần đất có diện tích 25.640m2 tại địa chỉ 12/78 đường Phan Huy Ích (vốn là trụ sở của công ty). Đây là khu đất mặt tiền đường Phan Huy Ích mặc dù mang “một xuyệt”.
Chủ trương này có những chỉ tiêu quy hoạch như đất xây công trình 12.500m2, đất cây xanh 2.538m2, sân bãi 10.500,3m2, mật độ xây dựng 50% và tối đa là bốn tầng. Tháng 5/2018, Sagoda treo bảng công bố xây dựng dự án trung tâm thương mại - siêu thị Emart 2 có diện tích sàn khoảng 35.000m2…
Khi công trình tiến hành thi công phần hầm, cốp pha tầng 1 thì bị UBND Gò Vấp “tuýt còi” và ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền 40 triệu đồng vì chủ đầu tư xây dựng… không phép
Theo quyết định xử phạt, UBND Gò Vấp yêu cầu Sagoda trong vòng 60 ngày liên hệ cơ quan chức năng lập thủ tục đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo quy định. Nếu chủ đầu tư không xuất trình giấy phép xây dựng cho quan có thẩm quyền thì buộc phải tháo dỡ phần công trình vi phạm.
Điều đáng nói, mặc dù quy định chỉ 60 ngày nhưng đến nay đã hơn 6 tháng trôi qua dự án này vẫn ngang nhiên tồn tại. Chủ đầu tư chưa cung cấp được giấy phép xây dựng và địa phương vẫn dung dưỡng cho sai phạm, không hề có biện pháp cưỡng chế tháo dỡ nào theo quyết định xử phạt.
Chính sự bất công này đã khiến nhiều người dân bức xúc. Bà Vân ở cạnh đó cho biết: “Người dân chỉ cần xây lố tấm tường, hay sửa cái nhà mà chưa xin phép là Thanh tra xây dựng đã có mặt lập biên bản, cưỡng chế vi phạm, thế mà công trình này xây hơn 7.000m2 hạng mục thì mới bị phát hiện lập biên bản xử phạt. Chưa kể công trình này không có giấy phép xây dựng nhiều tháng tại sao không cưỡng chế? Liệu có bao che, nuông chiều cho doanh nghiệp sai phạm?
Chẳng có gì để mà cưỡng chế?
CTCP Da giày Sagoda là doanh nghiệp cổ phần hóa từ Công ty Da giày Sagoda (trực thuộc UBND TP.HCM). Khu đất trên đường Phan Huy Ích mà Sagoda xây siêu thị là đất thuộc sở hữu của Nhà nước và được UBND TP.HCM cho thuê làm cơ sở sản xuất giày từ năm 1997.
Đến năm 2001, UBND TP.HCM chấp thuận giao tài sản cố định văn phòng làm việc và nhà xưởng trên đường Phan Huy Ích cho Sagoda để tiến hành cổ phần hóa và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý với vốn điều lệ của công ty cổ phần là 13 tỷ đồng. Nhiều năm sau, chính quyền TP.HCM chấp thuận chủ trương cho công ty này tiến hành đầu tư xây dựng dự án chung cư cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại. Tuy nhiên, Sagoda không có khả năng thực hiện.
Đến năm 2016, công ty này một lần nữa kiến nghị lên thành phố xin chuyển đổi mục đích dự án cũ sang làm trung tâm thương mại, siêu thị và được chấp thuận chủ trương. Theo đó, tổng vốn đầu tư dự án là 270 tỷ đồng và thời hạn hoạt động 50 năm.
Theo quy định, trước khi được cấp giấy phép xây dựng thì Công ty Sagoda phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và một số việc liên quan. Tuy nhiên, khi chưa thực hiện việc này thì công ty đã thi công trái phép với diện tích lớn.
Trao đổi với Báo Người Tiêu Dùng về dự án không phép này, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND Gò Vấp cho biết, Công ty Sagoda đã xây dựng phần hầm, cột không phép, sau khi bị lập biên bản vi phạm thì đã nộp phạt số tiền 40 triệu đồng. Từ khi bị xử phạt đến giờ thì công trình đã được ngưng. Nếu chủ đầu tư chưa có giấy phép mà vẫn tiếp tục thi công thì sẽ có hình thức xử lý tăng nặng. Hiện công ty này đang làm các thủ tục để xin thành phố chuyển mục đích sử dụng đất.
Ông Nghĩa cũng xác nhận rằng, đến nay đã quá hạn nhiều tháng theo yêu cầu xử lý của biên bản xử phạt vi phạm hành chính nhưng công ty này vẫn chưa có giấy phép xây dựng công trình trên.
Ông Nghĩa cũng cho biết dự án này sẽ ngưng xây dựng chứ không hề cho biết bao giờ địa phương sẽ xử lý tháo dỡ công trình vi phạm theo những gì đã đưa ra trong quyết định mà chính tay ông đã đặt bút ký. Ông nói: “Công trình này nếu có cưỡng chế thì cũng chẳng có gì để cưỡng chế?”
Cao Tuấn
-
Thị trường đất nền sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại
-
Giải bài toán mất cân đối cung – cầu để kéo giảm giá nhà
-
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
“Siết” phân lô, bán nền, giá đất nền vùng ven rục rịch tăng
-
Bước sang 2025, chung cư không còn là ‘ngôi sao’ của thị trường BĐS
-
Condotel thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư Hà Nội