Rút ngắn thủ tục là chìa khóa để TP.HCM đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội

Thứ ba, 20/02/2024, 09:52 AM

Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ ban hành quy trình, giải pháp cụ thể nhằm rút ngắn thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư nhà ở xã hội.

TP.HCM 'khát' các dự án NƠXH - Ảnh: Internet

TP.HCM 'khát' các dự án NƠXH - Ảnh: Internet

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương tổ chức hội nghị toàn quốc về nhà ở xã hội (NƠXH) trong tháng 2.2024. Đây có lẽ là hội nghị mà TP.HCM mong muốn được tổ chức để bàn bạc và giải quyết các khúc mắc trong bài toán hoàn thành chỉ tiêu.

Trong đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP.HCM được giao chỉ tiêu 69.700 căn.

Kết quả từ năm 2021 đến 2023, TP.HCM mới hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 dự án NƠXH (chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020) với quy mô 623 căn hộ. Trước thực tế trên, UBND TP.HCM đã điều chỉnh hạ chỉ tiêu phát triển NƠXH giai đoạn 2021-2025 từ 2,5 triệu m2 sàn xuống còn 1,15 triệu m2 sàn (giảm còn khoảng 46% so với mục tiêu ban đầu).

Bà Nguyễn Thị Thanh Vân - Trưởng ban Đô thị HĐND TP.HCM cho rằng tỷ lệ hoàn thành các chỉ tiêu nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng của TP.HCM là rất thấp. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2020 chỉ có 20/93 dự án hoàn thành (chiếm tỷ lệ 21,5%); còn tính đến hết quý 3/2023 toàn thành phố mới chỉ có 2/91 dự án hoàn thành (chiếm tỷ lệ 2,39% cả giai đoạn 2021-2025). Do vậy, ngay cả sau khi điều chỉnh diện tích sàn xuống còn khoảng 46% so với mục tiêu ban đầu thì cũng không dễ hoàn thành.

Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này thì có nhiều. Trong bài viết "TP.HCM khẩn trương khơi thông điểm nghẽn nhà ở xã hội trong năm 2024" đã đề cập những khó khăn khiến chính quyền lúng túng như việc Sở Xây dựng xác định vấn đề căn cơ cho NƠXH chính là vấn đề phân bố quỹ đất xây dựng.

Do đó, sở cho rằng cần điều chỉnh các quỹ đất xây NƠXH trước đây theo hướng phân bổ đồng đều, đáp ứng các tiện ích của cư dân thì sẽ làm nổi bật tinh thần an cư cho người dân.

Nhưng điều chỉnh này chỉ là một phần của vấn đề. Phần khác quan trọng không kém đến từ khó khăn của phía doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp phát triển NƠXH, nhà ở cho người thu nhập thấp cho rằng vẫn gặp không ít khó khăn từ pháp lý, nguồn vốn và các thủ tục hành chính.

Ông Mai Thanh Tùng, Phó phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng) thừa nhận việc phát triển NƠXH tại TP.HCM chưa thật sự hiệu quả như mong muốn, chưa đảm bảo tiến độ đã đặt ra do còn gặp nhiều khó khăn.

Trong số đó, khó khăn chủ yếu là do các bước thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp, ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, ký quỹ như nhà ở thương mại, các dự án NƠXH còn phải thực hiện thêm các thủ tục như thẩm định giá bán NƠXH, xác nhận đối tượng mua, thuê mua NƠXH, kiểm toán chi phí để xác định lợi nhuận định mức… mất nhiều thời gian nên chưa đạt được tiến độ như mong muốn.

Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ ban hành quy trình, giải pháp cụ thể nhằm rút ngắn thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở, dự án xây dựng NƠXH, nhà ở công nhân theo quy định của pháp luật; cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản tham gia và triển khai đầu tư xây dựng dự án NƠXH, nhà ở công nhân, tạo nguồn cung cho thị trường; lập, phê duyệt và công bố công khai danh mục dự án đầu tư xây dựng NƠXH độc lập; lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu để các doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, đề xuất tham gia.

Trong cuộc họp HĐND TP.HCM hồi tháng 12.2023, ông Trần Hoàng Quân - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, ngay sau khi Nghị quyết 98 có hiệu lực, lãnh đạo UBND TP.HCM đã liên tục họp với các sở ngành, địa phương về chuyên đề NƠXH và phân định 5 nhóm vướng mắc trọng tâm cần giải quyết:

"Thứ nhất là tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thứ hai là trình tự thủ tục để thực hiện đầu tư NƠXH, thứ ba là quy trình xác nhận hoàn thành nghĩa vụ NƠXH đối với dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất dưới 10ha. Thứ tư là thúc đẩy đầu tư công để thực hiện các dự án NƠXH bằng vốn ngân sách và cuối cùng là phân công trách nhiệm theo dõi, giải quyết thủ tục đầu tư các dự án NƠXH cho các đơn vị liên quan".

Theo 1thegioi.vn

largeer