Quy hoạch chắc chắn sẽ 'vỡ trận' nếu condotel được cấp sổ đỏ
Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, TS Đào Ngọc Nghiêm về giả định "đất thương mại, du lịch, dịch vụ được sử dụng lâu dài như đất ở".
* Ông có thể nói về sự khác biệt cơ bản giữa đất ở và đất thương mại, du lịch, dịch vụ?
- Điểm khác nhau giữa hai loại đất này là ở quyền của chủ sử dụng và thời hạn sử dụng. Người chủ đất ở có 7 quyền sở hữu nhà ở còn với đất dịch vụ, du lịch, thương mại, người sở hữu chỉ có quyền với thời gian lưu trú giới hạn theo hành lang pháp lý. Cụ thể, quyền chuyển nhượng không phải thỏa thuận dân sự giữa hai bên mà phải có điều kiện bởi đây là đất thuê. Sau thời hạn đó, Nhà nước có thể thu hồi để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đó là chưa tính các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật để khống chế mật độ xây dựng khác nhau. Yếu tố quan trọng là hệ số sử dụng đất, tổng diện sàn trên diện tích đất, chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật. Chẳng hạn, với đất dịch vụ, thương mại, du lịch, khoảng 2-4 căn hộ mới có một chỗ đỗ xe. Trong khi đó, một căn hộ chung cư có thể có 2 chỗ đỗ xe. Mức độ tác động đến hạ tầng kỹ thuật sẽ khác nhau với cách tính khác nhau.
Vấn đề lớn nhất hiện nay là tính thời hạn cho loại đất dịch vụ, du lịch, thương mại thế nào? Có đề xuất thời hạn lên đến 99 năm. Nhưng nếu cho thuê quá dài như thế sẽ rất khó dự báo tốc độ phát triển kinh tế - xã hội để điều tiết. Trong Luật Đất đai từ năm 1993-2003 đến nay, thời hạn sử dụng đất dịch vụ, thương mại, du lịch đều trong khoảng 30, 50 hoặc 70 năm tùy vào độ bền vững của công trình. Theo tôi, đây là thời gian tương đối hợp lý.
* Ông suy nghĩ thế nào về đề xuất đất du lịch được sử dụng lâu dài như đất ở, tức được cấp sổ đỏ?
- Nếu như thế, quy hoạch khu dân cư hiện hữu chắc chắn vỡ trận. Khi phát triển đô thị, vấn đề dân số, không gian kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật phải được quản lý chặt chẽ. Về dân số phải tính toán dân số tạm trú, dân số ổn định và khách vãng lai. Sức chịu tối đa của hạ tầng kỹ thuật sẽ được tính toán dựa theo dân số được quy đổi từ khách vãng lai, tạm trú. Nhưng nếu đất du lịch được sử dụng như đất ở, có quyền chuyển nhượng thừa kế, hạ tầng sẽ không thể kham nổi khi dân lưu trú biến thành dân số ổn định. Thậm chí, điều này còn tác động đến nhiều luật khác.
* Vậy theo ông, các cấp quản lý Nhà nước nên hỗ trợ thế nào với dòng sản phẩm đặc thù này?
- Thị trường BĐS đang ghi nhận sự chuyển hóa của condotel. Dưới góc độ quản lý Nhà nước, đây được xem là giải pháp huy động vốn từ nguồn lực xã hội để phát triển (thay vì dựa vào nguồn vốn ngân hàng). Tuy nhiên không nên thay đổi cả bộ máy luật chỉ vì nó mà chỉ nên tạo điều kiện cho các chủ sở hữu condotel bằng việc rà soát, bổ sung một số điều tại Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh BĐS.
Nhiều chủ đầu tư quảng cáo các sản phẩm BĐS trên đất này được cấp sổ đỏ, điều này là không đúng. Theo quy định hiện tại, nếu hợp đồng mua - bán ghi rõ căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, văn phòng được lưu trú mà được cấp sổ đỏ, tức là cơ quan cấp sổ làm trái luật. Dạng BĐS nghỉ dưỡng này chỉ được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng với thời hạn hoặc 30, 50 năm, hoặc tối đa là 70 năm, nhưng số này rất ít. Chỉ căn hộ nhà ở mới được sở hữu lâu dài, được cấp sổ đỏ.
* Xin cảm ơn ông!
-
Sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại
-
Giải bài toán mất cân đối cung – cầu để kéo giảm giá nhà
-
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
“Siết” phân lô, bán nền, giá đất nền vùng ven rục rịch tăng
-
Bước sang 2025, chung cư không còn là ‘ngôi sao’ của thị trường BĐS
-
Condotel thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư Hà Nội