Quy định diện tích siêu thị để làm gì?
Nghị định cần gắn với quy hoạch phát triển thương mại để doanh nghiệp nhìn vào biết được nhà nước khuyến khích loại hình nào phát triển, từ đó có định hướng đầu tư phù hợp
Nhiều quy định tại Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối (gọi tắt là Dự thảo) do Bộ Công Thương soạn thảo đã can thiệp bất hợp lý vào hoạt động kinh doanh nên không nhận được sự đồng tình từ doanh nghiệp (DN) và chuyên gia kinh tế.
Nguy cơ "đẻ" thêm giấy phép con
Góp ý với Bộ Công Thương về Dự thảo, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lo ngại một số nội dung quy định không rõ mục tiêu quản lý nhà nước và có nguy cơ biến tướng thành điều kiện kinh doanh bất hợp lý. Chẳng hạn, Dự thảo quy định tiêu chuẩn siêu thị có diện tích 250 - 10.000 m2, trung tâm thương mại từ 10.000 m2 trở lên, kèm theo đó là các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy, an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường…
"Việc đưa ra tiêu chí để phân biệt tiêu chí siêu thị, trung tâm thương mại để làm gì? Những cơ sở kinh doanh không đáp ứng tiêu chí này nhưng vẫn gọi là siêu thị, trung tâm thương mại thì những lợi ích công cộng nào bị ảnh hưởng?" - bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, đặt vấn đề.
Theo VCCI, các quy định này có tính chất như một dạng điều kiện kinh doanh trong khi hoạt động siêu thị, trung tâm thương mại không được xem là một dạng ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật Đầu tư. Bên cạnh đó, việc đặt ra nhiều yêu cầu đối với hoạt động siêu thị, trung tâm thương mại trong khi chưa đánh giá một cách cụ thể tác động của các quy định này đối với hoạt động kinh doanh này có thể khiến chính sách chưa phù hợp, cản trở hoạt động kinh doanh của DN. Vì vậy, VCCI đề nghị ban soạn thảo cần lưu ý đến các chính sách có tính chất là điều kiện kinh doanh, cần bảo đảm thống nhất với quy định tại Luật Đầu tư 2014. Song song đó, cần đánh giá tác động một cách kỹ càng, thận trọng đối với các chính sách, nhất là các chính sách có tính chất là nghĩa vụ DN phải thực hiện.
Chỉ được khuyến mãi 3 đợt/năm
Dự thảo còn vấp phải sự phản ứng của các DN bởi một số quy định được cho là can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của DN. Cụ thể, về quản lý điểm kinh doanh tại chợ, Dự thảo quy định đơn vị kinh doanh khai thác phải "lập phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ, trình UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt".
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, quy định này bất hợp lý, can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của DN. Hơn nữa, xét về tính minh bạch, đây được xem là một dạng giấy phép nhưng không rõ về tiêu chí và thủ tục để có được loại giấy phép này.
Đặc biệt, các DN bán lẻ tỏ ra không đồng tình với quy định về giới hạn khuyến mãi tại siêu thị, trung tâm thương mại. Cụ thể, Dự thảo khống chế các siêu thị, trung tâm thương mại mỗi năm chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá, mỗi đợt tối thiểu 30 ngày và phải có ít nhất 70% hàng hóa được bày bán giảm giá.
Các DN cho rằng Bộ Công Thương cần kiểm soát hoạt động quảng bá khuyến mãi theo Luật Cạnh tranh chứ không phải theo các quy định mang tính hành chính, áp đặt. Quy định này không phù hợp với hoạt động thực tiễn và tước mất quyền tự chủ kinh doanh của DN.
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) - chủ quản hệ thống Co.opmart, Co.op Extra, Co.op Food..., dẫn chứng trung bình mỗi siêu thị kinh doanh khoảng 30.000 - 40.000 mặt hàng, nếu 70% trong đó phải tham gia khuyến mãi thì ít nhất 21.000 mặt hàng mỗi đợt. "Con số đó quá lớn và quan trọng hơn, các đợt tổng khuyến mãi như vậy không tạo được bức tranh sinh động cho thị trường" - ông Đức đánh giá.
Cũng theo ông Đức, giảm giá là để kích cầu tiêu dùng nhưng cùng lúc ồ ạt giảm giá thì cung sẽ vượt xa cầu, khó mang lại hiệu quả cao. Mặt khác, mỗi thời điểm DN sản xuất, kinh doanh sẽ có kế hoạch quảng bá khuyến mãi cho từng nhóm mặt hàng khác nhau, nếu bắt buộc phải "đẩy" khuyến mãi số lượng lớn cùng lúc sẽ rất khó cho DN.
Mù mờ và có dấu hiệu trái luật
Nhiều DN lĩnh vực phân phối bán lẻ cho biết đã rất kỳ vọng Dự chỉ ra được định nghĩa cụ thể, rõ ràng về từng loại hình kinh doanh (trung tâm thương mại, đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng tiện lợi…) và có định hướng tập trung phát triển loại hình nào để DN dựa vào đó đưa ra những quyết sách đầu tư.
Tuy nhiên, Dự thảo chưa cung cấp được những thông tin cần thiết đó. "Đọc hết Dự thảo tôi không biết Bộ Công Thương muốn kích thích loại hình phân phối nào phát triển. Nếu làm đúng, nghị định phải gắn liền với quy hoạch phát triển thương mại chung và quy hoạch riêng của từng địa phương để nhìn vào đó thấy rõ nhà nước hướng đến hỗ trợ loại hình nào phát triển" - giám đốc một DN bán lẻ lớn ở TP HCM cho biết.
TS - chuyên gia bán lẻ Đào Xuân Khương cũng chỉ ra nghị định về quản lý và phát triển ngành phân phối nhưng chưa nêu ra được ngành phân phối là ngành gì, bao gồm những ngành nhỏ nào. Quy định chỉ nói về các loại hình cụ thể là chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng mà bỏ qua nhiều loại hình khác như phân phối online, qua môi giới, phân phối trực tiếp... "Thực tế là vừa rồi phát triển chợ truyền thống thành trung tâm thương mại đã thất bại. Dự thảo của Bộ Công Thương chưa chỉ rõ định hướng phát triển loại hình phân phối nào. Ngoài ra, quy định thiên về quản lý ở dạng lượng, chưa thấy quy định quản lý về chất và hoàn toàn không có nội dung nào về phát triển ngành phân phối" - TS Đào Xuân Khương phân tích.
VCCI thì cho rằng nhiều nội dung của Dự thảo đã đi chệch khỏi tinh thần của nghị định dẫn đến sự gượng ép, lúng túng, thậm chí có dấu hiệu trái luật. Theo VCCI, tinh thần của nghị định là điều chỉnh phát triển và quản lý chợ nhưng Dự thảo này đã mở rộng ra phạm vi cả ngành phân phối (bao gồm các cửa hàng, trung tâm đấu giá hàng hóa, siêu thị, trung tâm thương mại…). Vì vậy, VCCI đề nghị ban soạn thảo điều chỉnh lại Dự thảo theo hướng thu gọn lại về phạm vi "quản lý và phát triển chợ"; bỏ các quy định liên quan đến các hình thức phân phối khác không phải là "chợ" (siêu thị, trung tâm thương mại...). Trường hợp muốn nhân cơ hội này để thiết lập chính sách chung cho toàn bộ hệ thống phân phối ở Việt Nam thì cần có nghiên cứu thấu đáo để từ đó đưa ra các định hướng, chính sách phù hợp, thống nhất, nhuần nhuyễn và hiệu quả.
Áp đặt cả thời gian mở cửa
Các DN phân phối bán lẻ góp ý Bộ Công Thương nên bỏ quy định siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10 giờ đến 22 giờ. Theo các DN, đây là vấn đề của thị trường, của từng DN, nhà nước không nên can thiệp hay quản lý. Thị trường Việt Nam không khan hiếm hàng hóa tiêu dùng đến mức bắt buộc phải duy trì các siêu thị, trung tâm thương mại tất cả các ngày. Ngoài ra, các siêu thị, trung tâm thương mại không phải chỉ toàn bán những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu mà chuyên bán sản phẩm chuyên ngành, không nhất thiết phải duy trì hoạt động tất cả các ngày trong tuần.
Thanh Nhân
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm