Quản chặt dịch vụ đòi nợ thuê
Nhiều chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý cần thanh tra, kiểm tra chặt chẽ khâu tuyển chọn người lao động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ để lấy ý kiến. Bộ Tài chính cho rằng dịch vụ đòi nợ vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt còn xảy ra các vi phạm về an ninh, trật tự.
Đòi nợ kiểu côn đồ
Theo Bộ Tài chính, dịch vụ đòi nợ sử dụng nhân viên không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; hoạt động không đúng địa chỉ, nội dung ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; thậm chí một số công ty đòi nợ có hành vi khủng bố, nhân viên có cấu kết với các đối tượng xã hội đen bắt cóc, tống tiền để đòi nợ...
Theo tìm hiểu của phóng viên, khi lên mạng tìm từ khóa "dịch vụ đòi nợ" thì sẽ có gần 8 triệu kết quả. Các công ty này tràn lan trên mạng với đầy đủ thông tin, biểu phí kèm theo những dòng quảng cáo như: "Đòi nợ uy tín, nhanh chóng" hay "Đã nợ phải đòi - Đòi phải trả". Thậm chí một vài công ty còn đưa ra hứa hẹn đòi được tiền ngay cả khi con nợ đã bỏ trốn hoặc có gia thế "khủng". Chi phí đòi nợ hiện nay được các dịch vụ tính theo phần trăm trên tổng số tiền nợ phải đòi, từ 15-50% tùy trường hợp.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định kinh doanh đòi nợ ở Việt Nam đã biến tướng, có sự tham gia của xã hội đen, nhân viên hành xử kiểu côn đồ, bắt giữ người trái pháp luật. Cụ thể, ngày 9/8, một nhóm người thuộc công ty đòi nợ khi đến nhà con nợ (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) đã đập phá đồ đạc, hành xử kiểu côn đồ. Trước đó, tại Hà Giang, 5 đối tượng bị khởi tố về tội "Cưỡng đoạt tài sản" khi nhóm này ép một con nợ lên xe đi theo chúng và yêu cầu người nhà mang tiền đến chuộc mới thả người. Thực tế này đặt ra những hệ lụy khó kiểm soát trong hoạt động kinh doanh đòi nợ.
Trong dự thảo vừa được công bố nêu rõ Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ việc quản lý nhà nước về an ninh, trật tự đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ với kỳ vọng sẽ đưa hoạt động này vào nề nếp. Theo đó, Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng công an các cấp kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện các quy định tại nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định của Chính phủ cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ này.
Bên cạnh đó, Bộ Công an có trách nhiệm thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với các DN có hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội; tổ chức kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm quy định về an ninh, trật tự trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Bộ này cũng có trách nhiệm phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Siết chặt khâu chọn người
Luật sư (LS) Bùi Đình Ứng (Đoàn LS TP Hà Nội) đánh giá đề xuất giao cho Bộ Công an quản lý chính trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ sẽ góp phần chấn chỉnh những biến tướng của loại hình này thời gian qua. Tuy nhiên, LS Ứng cũng băn khoăn khi Nghị định cho phép Bộ Công an cấp các loại giấy phép con như giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự sẽ dễ nảy sinh tiêu cực. "Nếu công ty đó hoạt động đúng pháp luật thì không sao nhưng nếu có những hành vi đòi nợ kiểu côn đồ, biến tướng thì cơ quan công an đã cấp các loại giấy phép con liệu có bao che hay không" - LS Ứng đặt vấn đề.
Đối với các điều kiện về người lao động trong dịch vụ đòi nợ chưa có tiền án, từng bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích…, LS Ứng cho rằng việc này phải kiểm soát chặt chẽ để nâng cao tính trung thực. "Nếu không có tiền án thì phải có trích lý lịch tư pháp, nếu chưa có tiền sự thì phải có xác nhận của công an phường. Không thể quy định chung chung, khi công ty tuyển dụng không xác minh. Thực tế thời gian qua cho thấy nhiều công ty đòi nợ thuê tuyển những cá nhân có lý lịch bất hảo - LS Ứng nhấn mạnh.
Theo tờ trình của Bộ Tài chính, Nghị định sửa đổi lần này sẽ nâng cao vai trò của lực lượng công an trong việc quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh đòi nợ thuê do chỉ có công an mới có đủ lực lượng, phương tiện và nghiệp vụ để đưa hoạt động này vào nền nếp.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nên giao Bộ Công an quản lý về an ninh trật tự còn lĩnh vực tài chính, thương mại thì phải do Bộ Tài chính làm đầu mối quản lý. Ông Hiếu đề xuất Bộ Tài chính phải có vai trò chính trong việc kiểm soát hoạt động kinh doanh đòi nợ, khi phát hiện dấu hiệu vi phạm an ninh trật tự thì Bộ Công an sẽ vào cuộc điều tra, xử lý. "Phải rạch ròi vai trò của từng bộ để không xảy ra những tiêu cực" - ông Hiếu nhấn mạnh.
Có vi phạm, chủ nợ không vô can
Theo quy định hiện hành, chủ nợ không chịu trách nhiệm liên đới đối với những hành vi mà doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ vi phạm pháp luật. Trong dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định này bởi trên thực tế, một số chủ nợ yêu cầu các DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các hành vi bị cấm như đe dọa, sử dụng vũ lực... gây mất an ninh, trật tự xã hội. Do đó, trong một số trường hợp, chủ nợ phải chịu trách nhiệm liên đới.
Minh Chiến
- Đánh ghen, quay clip tung lên mạng xã hội: Phản cảm và vi phạm pháp luật
- Cần hoàn thiện pháp luật để quản lý hiệu quả hoạt động đầu tư của công ty đa quốc gia
- Doanh nghiệp quốc phòng hoạt động kinh tế đúng pháp luật, bình đẳng với các doanh nghiệp khác
- Đấu giá trực tuyến: Sân chơi mới cần được pháp luật bảo vệ
-
Vụ hộ dân đòi 167 tỉ đồng vì cánh quạt điện gió rơi: Bất ngờ số tiền được nhận
-
Người phụ nữ bị lừa 1 tỷ đồng khi đăng ký giải chạy cho con
-
Mất bản cứng giấy phép lái xe, có thể xuất trình bản tích hợp trên VNeID?
-
Bộ Công an đề xuất cấp tài khoản định danh điện tử cho cả trẻ em dưới 6 tuổi
-
Chuyển 55 vụ khởi tố hình sự về gian lận thương mại, hàng giả
-
Vụ cháy chung cư mini: Công an mời 6 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội quản lý lên làm việc