Phải trình CMND khi mua thuốc cho con: “Thế nào cũng được, rồi rút kinh nghiệm sau”

Thứ hai, 05/03/2018, 15:29 PM

Cho rằng quy định bố mẹ phải trình chứng minh thư nhân dân khi mua thuốc cho con là không có tác dụng gì, một bác sĩ hài hước “cứ làm đi, làm thế nào cũng được, rồi rút kinh nghiệm sau”.

Thông tư số 52/2017/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 29/12/2017 quy định bố mẹ phải có Chứng minh thư nhân dân khi mua thuốc cho con kể từ 1/3/2018.

Cụ thể, theo đơn thuốc mẫu được quy định trong phụ lục Thông tư 52 của Bộ Y tế ký ngày 29/12/2017 về kê đơn thuốc ngoại trú, đơn thuốc ngoại trú cho trẻ dưới 72 tháng tuổi được yêu cầu bao gồm các thông tin về họ tên, tuổi của trẻ; họ tên, tuổi cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ; số CMND/thẻ căn cước của cha mẹ, người giám hộ và địa chỉ gia đình, sau đó mới đến các thông tin như số thẻ bảo hiểm y tế, chẩn đoán, các thuốc được kê và lời dặn dò với gia đình.

Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Cao Hưng Thái cho biết, quy định trên cần được hiểu rõ là ngay khi đến các cơ sở khám chữa bệnh, cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ dưới 72 tháng tuổi phải đem theo CMND/căn cước công dân để khi kê đơn các bác sĩ điền đầy đủ những thông tin trên. 

Quy định phải ghi CMND của bố mẹ trong đơn thuốc bị đánh giá là

Quy định phải ghi CMND của bố mẹ trong đơn thuốc bị đánh giá là "không nhìn xa trông rộng" và gây phiền hà cho người dân.

Nghĩa là không có chuyện bố mẹ phải trình CMND khi đi mua thuốc cho con. Thông tin CMND chỉ cần điền lúc bác sĩ kê đơn thuốc.

Theo khảo sát của phóng viên, hôm nay (5/3), 4 ngày sau khi Thông tư 52 có hiệu lực, tại một số nhà thuốc ở Hà Nội, tình hình chưa có gì thay đổi. Chị Huyền, nhân viên một nhà thuốc ở quận Hoàng Mai cho biết chị vẫn bán thuốc bình thường. Các đơn thuốc vẫn chỉ ghi tên thuốc, liều dùng.

“Nếu là đơn của bác sĩ trong bệnh viện thì có họ tên, địa chỉ bố mẹ nhưng nếu là đơn của phòng khám tư thì chỉ có tên bệnh nhi, tên thuốc và liều dùng. Tôi chưa từng thấy đơn nào có ghi số CMND của bố mẹ”, chị Huyền cho hay.

Trong khi đó, chị Lê Huyền Thanh, một phụ huynh có con vừa khám ở Bệnh viện Thanh Nhàn chia sẻ: “Con tôi vừa mới cấp cứu. Khi đưa con vào viện, cuống quá, chỉ nhớ là phải cầm tiền, còn lại ai quan tâm gì tới CMND. Thế mà bây giờ bệnh viện đòi CMND thì tôi lấy đâu ra. Tôi nghĩ quy định này chỉ mang lại phiền hà cho người dân mà thôi”.

Chia sẻ với phóng viên, một bác sĩ Khoa Nhi (xin được giấu tên) cho biết ông không hiểu ý đồ lắm của Thông tư này nhưng thông qua báo chí, ông thấy những người có liên quan khẳng định một trong những điểm Thông tư hướng tới là đơn thuốc phải có tính pháp lý.

Tuy nhiên, vị bác sĩ này phản biện Thông tư không hề mang lại tính pháp lý. Ông nói: “Đơn thuốc có tên tuổi, có chữ ký của bác sĩ, địa chỉ bệnh viện và được lưu hồ sơ. Nếu có sai sót gì, bác sĩ, bệnh viện sẵn sang nhận mà không cần có CMND của bố mẹ. Đơn mà chỉ ghi CMND của bố mẹ cũng không có cơ sở pháp lý. Nếu có phải đóng dấu của bệnh vào. Bệnh viện đó phải có ủy quyền cho người bác sĩ được kê đơn. Pháp lý phải như thế. Giấy tờ không có dấu đỏ thì chưa có cơ sở pháp lý. Nước ngoài chỉ cần chữ ký. Nước mình cần dấu. Nhưng có vấn đề ở đây chính là bệnh nhân khám ban đêm, làm gì có nhân viên hành chính nào mà đóng dấu. Vì thế, từ xưa đến nay, đơn đó vẫn có cơ sở pháp lý. Vì vậy, viết thêm CMND vào không để làm gì”.

Vị bác sĩ này khẳng định một lần nữa việc viết thêm CMND của bố mẹ vào đơn thuốc không có ý nghĩa gì. Viết tên, điện thoại, địa chỉ là đúng và đủ vì đôi khi bệnh viện cũng cần tương tác với phụ huynh, nhắc nhở phụ huynh về kế hoạch chăm sóc con cái.

Phản biện cho ý kiến quy định này giúp kiểm soát tình trạng sử dụng kháng sinh quá liều ở Việt Nam, bác sĩ này khẳng định không phải đơn nào cũng có thuốc kháng sinh. Ví dụ như thế, Thông tư lại phải phân chia đơn nào có thuốc kháng sinh, đơn nào không có hay đơn không có thuốc kháng sinh cũng phải tuân thủ Thông tư như đơn có kháng sinh.

“Tôi nghĩ các chuyên gia xin đừng cứ ngồi nghĩ rồi viết ra như vậy. Hiện nay, Thủ tướng kêu gọi đơn giản hóa thủ tục hành chính. Cái gì không cần thiết, gây rắc rối thì đừng làm. Việc ghi thêm CMND của bố mẹ vào đơn thuốc chỉ gây thêm rắc rối, không có tác dụng gì cả. Đặc biệt trong hoàn cảnh thầy thuốc đang rất quá tải, đặc biệt ở các bệnh viện Trung ương. Nếu ghi thêm 1 số CMND thì không sao nhưng 1 ngày bác sĩ khám cho cả trăm bệnh nhi, thời gian lãng phí thêm rất nhiều. Đó còn chưa kể đến tốn kém về mặt kinh tế. Bây giờ nếu thực hiện Thông tư, đơn thuốc phải thiết kế lại, in lại, rất tốn kém, phức tạp thêm”, vị bác sĩ này phân tích.

Vị bác sĩ này nhận xét Thông tư này áp dụng cho cả nước, chứ không chỉ cho riêng thành phố. Ở nông thôn, người dân không có thói quen mang CMND theo mình. Chẳng lẽ như vậy thì không kê đơn thuốc cho bệnh nhi?

“Không nhìn xa trông rộng chút nào! Thôi thì Thông tư đưa ra rồi, cứ thực hiện đi. Thực hiện thế nào cũng được, rồi rút kinh nghiệm sau”, vị bác sĩ này bày tỏ quan điểm.

Theo Bảo Linh-NTD

theo Bảo Linh NTD

largeer