Ốp lưng Trung Quốc nghi chứa chất độc bán tại Việt Nam?
Các ốp lưng cho ĐTDĐ có xuất xứ từ Trung Quốc đang bị nghi chứa chất độc có khả năng được bày bán nhiều tại Việt Nam.
Dù chưa có kiểm định chính thức nào về khả năng có các chất độc trong các ốp lưng điện thoại Trung Quốc bán tại Việt Nam song thông tin này vẫn khiến nhiều người dùng lo ngại bị nhiễm các chất độc từ các sản phẩm linh kiện này nhất là khi các linh kiện cho điện thoại hiện có trên thị trường hiện nay đa phần đều đến từ Trung Quốc.
Ốp lưng Trung Quốc lan tràn
Ngày 18-4, các trang tin tức tại Trung Quốc cho hay Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Thâm Quyến (Trung Quốc) đã tiến hành kiểm tra 30 loại ốp lưng của 28 thương hiệu điện thoại phổ biến đang bán trên thị trường, như Apple, Xiaomi, Huawei... và phát hiện ra 7 loại ốp lưng của 5 thương hiệu smartphone, bao gồm Apple, Xiaomi, Tiya, Yuening và Q-Guo có chứa hóa chất độc hại vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép của châu Âu. Các chất độc hại được tìm thấy trên các loại ốp lưng điện thoại chủ yếu là chất hóa dẻo và hợp chất đa vòng thơm ngưng tụ (PAHs - Polycyclic Acromactic Hydrocardbon, loại thường được sử dụng để làm nhựa và thuốc nhuộm). Đây là những chất độc được đánh giá là có thể làm tổn hại các cơ quan trên cơ thể và thậm chí dẫn đến ung thư. Đáng ngại hơn là thông tin cho biết qua kiểm tra chất hóa dẻo trong ốp lưng của Xiaomi lên đến mức 17%, cao gấp 170 lần mức an toàn 0,1% do các nhà quản lý châu Âu quy định, còn lớp vỏ bọc của các ốp lưng cho các điện thoại iPhone của Apple cũng có hàm lượng PAHs cao gấp 50 lần so với tiêu chuẩn an toàn.
Tìm hiểu tại TP HCM trong sáng 18-4, chúng tôi nhận thấy các sản phẩm linh kiện ĐTDĐ như bao da, ốp lưng có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc hầu như chiếm lĩnh thị trường. Tại các cửa hàng bán linh kiện ĐTDĐ trên các con đường như Hùng Vương (Quận 5), Ba Tháng Hai (Quận 10)… có hàng ngàn sản phẩm bao da, ốp lưng cho điện thoại được bày bán. Theo những người bán tại đây, các sản phẩm như bao da, ốp lưng này có giá chỉ từ 30, 40, 50 ngàn đồng, loại tốt hơn thì có giá 100-200 ngàn đồng và đều được nhập về từ Trung Quốc. Trong đó, các sản phẩm có giá dưới 100 ngàn đồng bán chạy nhất. Các sản phẩm này có ghi thương hiệu, nhãn mác đầy đủ nhưng hầu như là nhãn mác lạ hoặc ít người biết đến. Các chủ cửa hàng này cho biết muốn loại nào cũng có, tất cả các loại điện thoại hiện có trên thị trường như iPhone, Samsung, HTC, Xiaomi, Sony… đều có ốp lưng, bao da hỗ trợ đủ màu sắc, đủ kiểu tha hồ lựa chọn. Khi được hỏi muốn mua số lượng nhiều để mang về tỉnh bán thì các chủ cửa hàng này cho biết sẽ lấy giá sỉ, số lượng bao nhiêu, loại nào cũng có, chỉ cần đặt trước, 1 tuần sau hàng sẽ về đầy đủ. Khi được hỏi về nguyên liệu làm ra các loại bao da, ốp lưng này từ đâu mà ra hay có độc hại gì không thì hầu như tất cả đều trả lời là không biết rõ.
Ông Hồng Thanh, chủ một cửa hàng kinh doanh ĐTDĐ, phụ kiện trên đường Hùng Vương Quận 5 TP HCM, cho biết: "đa phần các linh kiện dành cho ĐTDĐ được bày bán có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Các linh kiện này có 2 loại, một là linh kiện do các hãng có tên tuổi rõ ràng sản xuất, gia công cho các mẫu điện thoại của các hãng. Hai là linh kiện dạng trôi nổi do các hãng không tên tuổi, thậm chí không biết của hãng nào sản xuất. Với các hãng có tên tuổi thì đa phần yên tâm hơn, còn các hãng không tên tuổi thì hoàn toàn mù mờ về chất lượng nguyên liệu, xuất xứ. Hiện tại các mặt hàng linh kiện di động như bao da, ốp lưng đa phần được nhập về Việt Nam qua đường xách tay, cửa khẩu đường bộ. Thế nên hầu như không có kiểm tra, kiểm định về các chất có chứa trong các sản phẩm này. Nó có chứa chất độc hại hay không chỉ có trời mà biết được. Bên cạnh đó giá của chúng đa phần đều rất rẻ nên rất được đông đảo người dùng ưa chuộng mà không quan tâm về chất lượng bên trong. Người dùng chỉ quan tâm là nó rẻ, đẹp là mua thôi. Nếu muốn đảm bảo, an toàn thì chỉ có cách mua của các hãng có tên tuổi, tại những nơi bán có uy tín mà thôi".
Chất độc nguy hiểm
Một chuyên gia về viễn thông tại TP HCM cho biế thị trường linh kiện ĐTDĐ tại Việt Nam hiện nay hết sức phức tạp. Các sản phẩm phụ kiện đến từ khắp nơi trên thế giới trong đó đa phần từ Trung Quốc. Chỉ trừ các sản phẩm phụ kiện do chính các hãng sản xuất ĐTDĐ bán ra kèm theo máy là có chất lượng đảm bảo. Ngoài ra, các sản phẩm linh kiện của các hãng nổi tiếng thế giới, đã được chứng nhận… đang bán tại Việt Nam cũng khá yên tâm về chất lượng. Thế nhưng, số còn lại đa phần chất lượng khó đảm bảo và với các sản phẩm này mọi rủi ro xảy ra với người dùng thì người dùng phải tự chịu. Bên cạnh đó hiện với các mặt hàng phụ kiện này ở ta hầu như chưa có quy chuẩn chi tiết về các chất chứa trong nó cũng như kiểm tra các chất này ngay từ khâu nhập khẩu. Nên khả năng các linh kiện này có chứa chất độc hại là hoàn toàn có thể.
Theo các chuyên gia y tế, PAHs (polycyclic aromatic hydrocarbons các hydrocacbon thơm đa vòng) là tên gọi chung dùng để chỉ nhóm gồm hơn 100 chất hóa học khác nhau được thải ra từ việc đốt than, dầu, xăng, rác, thuốc lá, gỗ hoặc các chất hữu cơ khác, ví dụ như việc nướng thịt bằng than củi. Hiện có một số bằng chứng khoa học cho thấy việc phơi nhiễm quá thường xuyên với PAHs, thường là do nghề nghiệp, có thể làm tăng nguy cơ một số loại ung thư.
Theo một nghiên cứu của Đơn vị Dịch tễ học ung thư do môi trường, thuộc Cơ quan nghiên cứu Quốc tế về Ung thư ở Lyon – Pháp công bố từ năm 1997, có bằng chứng cho thấy sự tiếp xúc nghề nghiệp thường xuyên với PAHs trong một số ngành công nghiệp như khai thác mỏ, sản xuất nhôm, khí hóa than, sắt thép, nhựa đường…; tiếp xúc thường xuyên với khí thải diesel trong ngành vận tải, sẽ dẫn đến nguy cơ ung thư. Cụ thể, tỉ lệ ung thư phổi, da và bàng quang tăng ở nhóm phơi nhiễm PAHs thường xuyên. Một số báo cáo nghi ngờ cả nguy cơ ung thư thanh quản và thận nhưng các bằng chứng chưa đủ thuyết phục.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) cũng từng có nghiên cứu liên quan đến PAHs và sức khỏe con người. Do PAHs chứa nhiều trong dầu mỏ nên các vụ tràn dầu sẽ làm hải sản phơi nhiễm với PAHs. Theo nghị định thư mà 2 cơ quan này công bố vào năm 2010, đăng tải công khai trên website của FDA, các khu vực khai thác thủy hải sản được yêu cầu tạm đóng cửa sau sự cố tràn dầu cho đến khi các dấu hiệu dầu tươi không còn được thấy, để bảo đảm an toàn cho sức khỏe người dân.
Mối nguy hiểm hóa học
PAHs được họ gọi là "mối nguy hiểm hóa học". Theo nghị định này, các mẫu hải sản cần vượt qua bài kiểm tra chi tiết về nhiều chất hóa học, trong đó có PAHs trước khi một khu vực khai thác từng bị ảnh hưởng bởi tràn dầu được mở cửa trở lại. PAHs có đủ gây nguy cơ ung thư hay các rủi ro sức khỏe khác không là tùy vào nồng độ chúng được tìm thấy trong sản phẩm.
Chánh Trung - Anh Thư
-
Một vitamin quen thuộc có thể kiểm soát tiểu đường
-
Điều gì sẽ xảy ra nếu bổ sung vitamin quá liều?
-
Viêm tai, điếc… vì đeo tai nghe mọi lúc mọi nơi
-
Viêm hô hấp đang tấn công trẻ em
-
Giải phóng 25.000 hạt vi nhựa trong 15 phút, cốc giấy dùng 1 lần nguy hiểm thế nào?
-
Bệnh dại gia tăng, TP.HCM ra khuyến cáo