Ông Lê Thái Hỷ: Cơ sở khoa học nào để không bảo tồn Dinh Thượng Thơ?

Chủ nhật, 06/05/2018, 13:16 PM

Ngày 2.5.2018, qua báo chí, được biết TP.HCM sẽ không bảo tồn Dinh Thượng Thơ vì “không nằm trong danh mục kiểm kê di tích”, ông Lê Thái Hỷ (nguyên Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM) đã có văn bản gửi lãnh đạo thành phố, sở Quy hoạch - Kiến trúc góp ý về đầu tư xây dựng và phương án thiết kế mở rộng, nâng cấp công trình trụ sở HĐND và UBND thành phố, trong đó ông tiếp tục đề nghị TP.HCM xem xét bảo tồn khu nhà 59-61 Lý Tự Trọng (trước đây là Dinh Thượng Thơ, hiện là trụ sở của sở Thông tin và Truyền thông, sở Công thương). Người Đô Thị đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thái Hỷ.

Dinh Thượng Thơ được thiết kế với hình chữ U, mặt hướng ra đường Lý Tự Trọng, mang đậm nét kiến trúc Pháp. Công trình này đã hơn 130 năm tuổi và trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử Sài Gòn. Ảnh: Chí Hữu/Soha

Dinh Thượng Thơ được thiết kế với hình chữ U, mặt hướng ra đường Lý Tự Trọng, mang đậm nét kiến trúc Pháp. Công trình này đã hơn 130 năm tuổi và trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử Sài Gòn. Ảnh: Chí Hữu/Soha

Nói ông Hỷ “tiếp tục đề nghị” là vì trước đó, ngày 23.5.2014, khi đang là Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, ông Hỷ đã từng ký văn bản số 722/STTTT-VP gửi UBND TP.HCM đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng, các Hội nghề nghiệp khảo sát, đánh giá, trên cơ sở đó xem xét, chấp thuận bảo tồn và đưa việc bảo tồn khu nhà 59-61 Lý Tự Trọng vào bộ tiêu chí thi kiến trúc tổng thể khu trung tâm hành chính.  

Theo văn bản 722, khu nhà 59-61 Lý Tự Trọng (trước đây là Dinh Thượng Thơ, hiện là trụ sở của Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương, Ban Quản lý đổi mới doanh nghiệp thành phố) là một công trình được xây dựng từ lâu, có kiến trúc Pháp, khá đẹp, hiện có một khu tầng hầm chưa được khảo sát.

Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho rằng đây là địa chỉ cần được xem xét và bảo tồn trong quá trình quy hoạch xây dựng khu vực này (trục đường Đồng Khởi, Lý Tự Trọng, Pasteur) thành khu trung tâm hành chính mới của TP.HCM. Theo đó, có thể làm khu tiếp công dân hay tiếp khách trong và ngoài nước của các cơ quan làm việc trong trung tâm hành chính mới. Đồng thời, việc bảo tồn khu nhà này trong phương án kiến trúc tổng thể một cách hợp lý sẽ tạo một biểu tượng về ý thức bảo tồn giá trị văn hóa của “Sài Gòn xưa” trong khu hành chính hiện đại của TP.HCM ngày nay.  

Dinh Thượng Thơ khởi công xây dựng vào những năm 1860. Ảnh sưu tầm của Tim Doling

Dinh Thượng Thơ khởi công xây dựng vào những năm 1860. Ảnh sưu tầm của Tim Doling

Đã từng một lần kiến nghị TP.HCM bảo tồn khu nhà 59-61 Lý Tự Trọng, điều gì thôi thúc ông tiếp tục một lần nữa gửi kiến nghị bảo tồn khu nhà trước đây từng là Dinh Thượng Thơ?

Trước hết, tôi ủng hộ việc mở rộng, nâng cấp trụ sở HĐND và UBND thành phố, bao gồm cả trụ sở hiện hữu của các sở ban ngành phía sau. Tuy nhiên, vấn đề là thực hiện dự án này như thế nào? Sau khi tham quan triển lãm phương án thiết kế, tôi mong muốn lãnh đạo TP.HCM, sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM một lần nữa xem xét lại thận trọng, khách quan công tác bảo tồn các công trình hiện hữu trong phương án thiết kế mở rộng, nâng cấp công trình trụ sở HĐND và UBND thành phố.  

Trước đây, UBND TP.HCM (nhiệm kỳ 2011-2016) đã có công văn số 5297/UBND-ĐTMT ngày 14.10.2014 về nội dung khảo sát các công trình hiện hữu trong khu trung tâm hành chính thành phố làm tài liệu tham khảo cho đơn vị tham gia thi tuyển. Vậy kết quả khảo sát theo chỉ đạo của UBND TP.HCM đã được thực hiện chưa và kết quả đó có đưa vào hồ sơ (nhiệm vụ thiết kế) để các đơn vị thiết kế tham khảo? Và quan trọng hơn là việc xem xét bảo tồn hay không bảo tồn các công trình hiện hữu thuộc khu vực lõi trung tâm thành phố gắn với trụ sở HĐND và UBND thành phố, nhà hát lớn, bảo tàng thành phố,…đã được lấy ý kiến chuyên gia và nhân dân chưa? Trong thời gian tôi công tác tại Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM (từ 2011-2016), sở Thông tin và Truyền thông chưa từng được lấy ý kiến và nhìn thấy danh mục các công trình hiện hữu cần bảo tồn và không cần bảo tồn.   

Tuy nhiên, tại một hội thảo “Bảo tồn di sản và phát triển bền vững” do Viện nghiên cứu Phát triển TP.HCM tổ chức đã có nhiều số liệu, đánh giá của các nhà khoa học, quản lý về tốc độ biến mất của những biệt thự, công trình nhà có giá trị di sản tại khu vực quận 1, quận 3 và sự cần thiết phải bảo tồn những công trình này trong quá trình quy hoạch, phát triển của thành phố.

Trước thực trạng đó, ngày 23.5.2014, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã có công văn số 722/STTTT-VP gửi UBND TP.HCM về xem xét, bảo tồn khu nhà 59-61 Lý Tự Trọng, phường Bến Thành, quận 1.   

Hiện nay Dinh Thượng Thơ trở thành tòa nhà trụ sở Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Sở Công Thương TP.HCM,... Ảnh: Hoàng Triều/Người Lao Động

Hiện nay Dinh Thượng Thơ trở thành tòa nhà trụ sở Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Sở Công Thương TP.HCM,... Ảnh: Hoàng Triều/Người Lao Động

Theo ý kiến cá nhân tôi, việc thành phố lấy đất của khu đồi trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, phá đi để xây dựng công trình trung tâm thương mại như ngày nay là đã phá vỡ quy hoạch kiến trúc của khu ô vuông Đồng Khởi, Lý Tự Trọng, Hai Bà Trưng, Lê Thánh Tôn thuộc khu vực lõi trung tâm thành phố. Nếu thành phố tiếp tục đối xử với các công trình hiện hữu như với trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, tôi ngờ rằng khi đó công trình trụ sở HĐND và UBND thành phố hiện hữu sẽ đứng lẻ loi trong một tổng thể kiến trúc với các tòa nhà kính có thể là hiện đại nhưng không mang hơi thở của bảo tồn văn hóa!   

"Đập công trình cũ, xây công trình mới đều lấy tiền của nhân dân, vậy khi thông tin cho người dân cũng nên có trách nhiệm, tránh gây bức xúc trong nhân dân..."

Lê Thái Hỷ

Bảo tồn văn hóa là vấn đề nhạy cảm, do đó các cơ quan và cá nhân có thẩm quyền khi trả lời trên báo chí cần dựa trên cơ sở vững chắc, minh bạch, tránh nói chung chung, trả lời mang tính lấy được như “công trình 59-61 Lý Tự Trọng không nằm trong danh mục bảo tồn” – vậy sao không công khai danh mục đó, cùng quyết định ban hành, cơ sở khoa học nào để không bảo tồn, thành phố có lấy ý kiến chuyên gia, hội nghề nghiệp và người dân trước khi quyết định? Đập công trình cũ, xây công trình mới đều lấy tiền của nhân dân, vậy khi thông tin cho người dân cũng nên có trách nhiệm, tránh gây bức xúc trong nhân dân. 

Theo quan điểm của tôi, phương án thiết kế chỉ là một thành phần trong cả dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp công trình trụ sở HĐND và UBND thành phố. Sau khi tham quan triển lãm đồ án thiết kế công trình nêu trên tại Trung tâm Trưng bày triển lãm TP.HCM, xem thông tin trên báo chí, tôi thấy mình có trách nhiệm phải đóng góp một số ý kiến cá nhân với tư cách là công dân thành phố, một công chức đã làm việc trong các cơ quan của thành phố.

Ô thông gió cùng với mái ngói đỏ của Dinh Thượng Thơ tồn tại đã hơn 130 năm. Ảnh: Hữu Khoa/Tuổi Trẻ

Ô thông gió cùng với mái ngói đỏ của Dinh Thượng Thơ tồn tại đã hơn 130 năm. Ảnh: Hữu Khoa/Tuổi Trẻ

Bằng trải nghiệm của “một công chức đã làm việc trong các cơ quan của thành phố”, theo ông, dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp công trình trụ sở HĐND và UBND thành phố cần dựa trên những tiêu chí nào?

Tôi cho rằng, cải cách hành chính, tinh giảm biên chế và xây dựng đô thị thông minh mới là vấn đề cần ưu tiên của TP.HCM. “Xây dựng trụ sở cơ quan hành chính nhà nước địa phương hiện đại” là một trong những giải pháp của nhiệm vụ “Hiện đại hóa hành chính” trong Chương trình cải cách hành chính của Chính phủ giai đoạn 2011-2020.

Theo thông tin từ báo chí thì công trình này sẽ là trụ sở làm việc của 8 cơ quan với 1.700 công chức. Vậy những số liệu của 8 cơ quan này đựơc lấy từ đâu? Có phải từ Đề án cải cách hành chính đến năm 2020 của 8 cơ quan này đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và Đề án tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức theo Nghị Quyết 39 của Ban chấp hành Trung ương, ban hành ngày 17.4.2015?

Cả hai đề án này không thể không gắn với Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Đây là những vấn đề quan trọng có liên quan đến nhau và không thể không tính đến khi lập dự án công trình cũng như xây dựng đầu bài (nhiệm vụ) thiết kế công trình.  

Phối cảnh tổng thể công trình xây dựng mở rộng, nâng cấp trụ sở HĐND, UBND TP.HCM: Theo phương án của Công ty GENSLER (đề xuất từ đầu tháng 11.2017 và được chọn), diện tích khuôn viên dự án mở rộng và nâng cấp trụ sở HĐND, UBND thành phố rộng hơn 18.000 m2, bốn phía là mặt tiền đường Lê Thánh Tôn - Pasteur - Lý Tự Trọng - Đồng Khởi. Ảnh: TL

Phối cảnh tổng thể công trình xây dựng mở rộng, nâng cấp trụ sở HĐND, UBND TP.HCM: Theo phương án của Công ty GENSLER (đề xuất từ đầu tháng 11.2017 và được chọn), diện tích khuôn viên dự án mở rộng và nâng cấp trụ sở HĐND, UBND thành phố rộng hơn 18.000 m2, bốn phía là mặt tiền đường Lê Thánh Tôn - Pasteur - Lý Tự Trọng - Đồng Khởi. Ảnh: TL

Với kiến thức, kinh nghiệm của một công chức từng làm trong cơ quan nhà nước có liên quan đến cải cách hành chính, chính quyền điện tử, đề án vị trí việc làm, xây dựng đô thị thông minh, tôi cho rằng nếu các cơ quan dự kiến sẽ làm việc trong trụ sở công trình thực thi nghiêm túc các đề án cải cách hành chính, tinh giảm biên chế, cơ cấu lại cán bộ công chức gắn với xây dựng đô thị thông minh thì khi đưa công trình vào hoạt động – giả sử là sau 5 năm nữa, con số cán bộ công chức của các cơ quan này không thể là 1.700 người. Chắc chắn phải ít hơn nhiều. Khi đó, trụ sở HĐND và UBND thành phố thực sự là một không gian làm việc hiện đại, sáng tạo với đội ngũ cán bộ công chức đủ tâm và tầm thực hiện tham mưu kiến tạo phát triển thành phố bền vững và hội nhập.

TP.HCM cũng cần xem xét thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng đất, công trình hiện hữu. Xung quanh trụ sở HĐND và UBND thành phố hiện nay có một số trụ sở làm việc của các sở ban ngành. Do đó, khi sắp xếp một số sở ban ngành làm việc trong công trình sau khi mở rộng, nâng cấp thì thành phố cũng nên đồng thời xem xét kế hoạch sử dụng hay nâng cấp các trụ sở khác xung quanh một cách hợp lý.

Thêm nữa, việc thành phố đã đầu tư xây dựng khu Hội trường thành phố tại 111 Bà Huyện Thanh Quan và 172 Võ Thị Sáu (quận 3) thì có cần thiết phải đầu tư xây dựng một hội trường 300 chỗ hiện đại khi mở rộng nâng cấp công trình HĐND và UBND thành phố? Theo tôi, như thế là chưa tiết kiệm tiền của nhân dân.

Những vấn đề trên cần được thành phố xem xét, đưa vào hồ sơ dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp trụ sở HĐND và UBND thành phố, cũng như nhiệm vụ thiết kế công trình để làm tài liệu tham khảo cho các đơn vị thiết kế.

Mặc cho sự phát triển của thành phố, Dinh Thượng Thơ vẫn mang một nét đẹp cổ xưa. Ảnh: Hữu Khoa/Tuổi Trẻ

Mặc cho sự phát triển của thành phố, Dinh Thượng Thơ vẫn mang một nét đẹp cổ xưa. Ảnh: Hữu Khoa/Tuổi Trẻ

Ông đánh giá thế nào về phương án thiết kế trụ sở HĐND và UBND thành phố?

"Với những ý kiến trái chiều về phương án thiết kế được triển lãm, tôi nghĩ thành phố xem xét, tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các sở ngành chuyên môn và chuyên gia phản biện, cơ quan báo đài…"

Lê Thái Hỷ

Hình thức kiến trúc trong phương án thiết kế của công ty tư vấn kiến trúc Gensler không phù hợp với các công trình hiện hữu, trừ tòa nhà Trung tâm thương mại Vincom (tôi còn e rằng người dân khi tham quan khu vực này, có khi lại nhầm khu nhà làm việc phía sau trụ sở HĐND và UBND thành phố là một “trung tâm thương mại Vincom” C hay D!).

Về công năng sử dụng, tôi không rõ phương án thiết kế có đáp ứng quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc đối với cơ quan nhà nước được Chính phủ quy định tại Nghị định số 152/2017/NĐ-CP ngày 27.12.2017 không…

Theo tôi, TP.HCM nên ưu tiên xem xét chọn phương án thiết kế hài hòa với kiến trúc các công trình cần tôn tạo trong lõi trung tâm như trụ sở HĐND và UBND, bảo tàng, thư viện, tòa án, các khu chung cư Đồng Khởi - Lý Tự Trọng; đồng thời đảm bảo mảng xanh giữa các tòa nhà.

Dinh Thượng Thơ được bao bọc bằng dãy hành lang rộng, thoáng mát. Ảnh: Hoàng Triều/Người Lao Động

Dinh Thượng Thơ được bao bọc bằng dãy hành lang rộng, thoáng mát. Ảnh: Hoàng Triều/Người Lao Động

Nhiều người cho rằng cách thức TP.HCM tổ chức cho nhân dân góp ý phương án thiết kế mở rộng, nâng cấp công trình trụ sở HĐND và UBND thành phố nhưng chỉ triển lãm một phương án không có Dinh Thượng Thơ, tức là muốn đặt dư luận vào chuyện đã rồi. Trước những dư luận trái chiều, theo ông, lãnh đạo TP.HCM nên có cách ứng xử như thế nào cho phù hợp?  

Khi tôi đến Trung tâm Trưng bày triển lãm TP.HCM thì có hai chuyên viên trực. Tôi có hỏi về các tài liệu liên quan đến sản phẩm như: Nhiệm vụ thiết kế (đầu bài), ý kiến của Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch thành phố về đồ án thiết kế,… thì được họ thông báo là không biết. Trong quá trình tham quan, khi hỏi không gian xanh kết nối trụ sở HĐND và UBND (cần bảo tồn) và khu làm việc phía sau (xây mới) có cho người dân vào tự do không thì họ nói không phải tác giả nên không trả lời được. Nói chung hai chuyên viên này chỉ làm nhiệm vụ nhận phiếu góp ý.

Theo tôi, tổ chức triển lãm cho người dân đến xem cần thực chất, nên có đủ thông tin và bố trí người chuyên môn nắm được ý tưởng của tác giả để thuyết minh, trả lời câu hỏi của người tham quan. Như thế người tham quan mới có cơ sở để góp ý. Tôi không rõ triển lãm này có một version (phiên bản) nào trên mạng để thuận tiện cho người dân, giới chuyên môn “ghé qua” xem chi tiết, cũng như tham khảo các tài liệu kèm theo?    

Với những ý kiến trái chiều về phương án thiết kế được triển lãm, tôi nghĩ thành phố xem xét, tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các sở ngành chuyên môn và chuyên gia phản biện, cơ quan báo đài, nhằm cung cấp thêm thông tin và làm rõ những điểm còn khác biệt để HĐND và UBND thành phố có thêm cơ sở xem xét quyết định.

Song Nguyễn (thực hiện)

Theo NĐT

largeer