Nước mắt nông dân thời phân lô bán nền

Thứ sáu, 14/08/2020, 14:33 PM

Chiếc máy múc rồ ga quần thảo đám ruộng, những vạt lúa non xanh mơn mởn ngã rạp dưới bánh xích xe... Sợ mất bằng chứng nếu cái máy múc chạy đi, ông Tâm nằm canh trong bãi ruộng mấy đêm ròng, mặc cho muỗi cắn.

 Lời tòa soạn: Người nông dân ở Quảng Ngãi chết trân trên đồng khi ruộng của mình bị nhà đầu tư san lấp phân lô rồi đền bù với giá rẻ mạt, để họ phải mòn chân đội đơn đi kiện. Cũng người nông dân đó, ở Nghệ An, lại... bĩu môi với lời đề nghị cho thuê đất “bờ xôi, ruộng mật” dài hạn để “công nghiệp hóa nông nghiệp”, vì thu nhập từ nghề khác có thể bảo đảm cuộc sống, nên đất để đó ngó chơi, mặc cho cỏ mọc thành rừng. Hững hờ quay mặt hay tha thiết cháy lòng với đất, đều là câu chuyện nông dân ở ngã ba đường, không có quyền chọn lựa, hay có chọn lựa cũng chỉ là hình thức, bởi giá trị và lợi ích từ đất với họ, gần như không. Một lần nữa, trong cơn đại dịch này, những xung đột lợi ích kinh tế giữa buổi khốn khó áo cơm, hẳn sẽ thêm vết hằn trên ruộng. Vết dầu loang gây bao hệ lụy khi ruộng đồng than khóc, vẫn tiếp tục, khi chính quyền và các cơ quan chức năng chưa thực sự xem đất đai trong tay nông dân là máu thịt của họ...

Ông Lê Minh Tâm xót xa bên ruộng lúa bị càn không thương tiếc

Ông Lê Minh Tâm xót xa bên ruộng lúa bị càn không thương tiếc

Những cuộc san lấp ồ ạt

Giữa trưa tháng Bảy nắng cháy da, đang nằm nghỉ mệt, ông Lê Minh Tâm (phường Trương Quang Trọng, TP. Quảng Ngãi) nghe báo tin có chiếc máy múc đang càn lấp đám lúa non của mình ở đầu xã nên hớt hải chạy ra. Tới nơi, ông hỡi ôi khi thấy mấy sào lúa của mình đã bị băm nát dưới bánh xích xe. Ruộng lúa của ông Tâm nằm trong khu quy hoạch dự án bất động sản, nhà đầu tư là Công ty TNHH MTV Đất Xanh Quảng Ngãi.

Ông Tâm kể lại: “Khi tôi chạy ra thì thấy máy càn gần 2.000m2 lúa của tôi. Quá bức xúc, tôi yêu cầu lái máy lên bờ và giữ lại chiếc máy múc bên chân ruộng chờ công ty xuống giải quyết. Nếu tôi không ra kịp thì cả mấy sào lúa bên kia của tôi cũng bị càn sạch”.

Xót đám lúa non bị tàn phá, hai ba đêm liền mặc cho muỗi đốt, ông Tâm vẫn ra chân ruộng nằm ngủ canh cái máy múc làm bằng chứng vì sợ người khác đưa đi mất, “Ruộng này tôi thuê của người khác trồng lúa. Nghe đâu bên Công ty Đất Xanh đã đền bù cho họ nhưng từ trước Tết đến nay không thấy làm. Lúa của tôi nay đã được 45 ngày, sắp trổ đòng rồi. Vậy mà phía công ty cho máy ra càn không hề báo tôi một tiếng. Nếu họ nói thì tôi ra cắt về cho trâu bò ăn cũng được. Đằng này lúa mơn mởn vậy mà nỡ lòng nào họ càn phá”, ông Tâm rơm rớm nói.

Không riêng gì ông Tâm, nhiều hộ dân ở thôn Trường Thọ Đông A cả tháng nay ăn ngủ không yên vì đất lúa bị thu hồi. Bà Nguyễn Thị Lợi, kể: “Nhà tôi có hơn 3 sào ruộng, đã giao hết cho Công ty Đất Xanh, vậy là trắng tay, không còn đất sản xuất”. Khoảng hơn chục người như bà Lợi đã giao đất và nhận tiền đền bù của chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau khi nhận thấy có nhiều bất thường trong việc bồi thường, người dân đã phản ứng bằng cách chặn xe không cho công ty san lấp đất đang trồng lúa.

 “Những người nào chấp hành trước được bồi thường 119 triệu đồng/sào. Tuy nhiên những người sau thì họ lại đền bù cao hơn, có người nhận 200 triệu đồng một sào hoặc hơn. Chúng tôi thấy quá bất bình đẳng nên đã đâm đơn ra xã, ra công ty yêu cầu họ giải quyết đền bù một cách công khai, minh bạch”, bà Lợi nói.

Dù người dân bức xúc, bất bình nhưng những ruộng lúa vẫn bị Công ty Đất Xanh đổ đất san lấp. Đến lúc người dân phản ứng dữ dội, chính quyền đứng ra giải quyết thì mới phát hiện chủ đầu tư chưa có giấy phép xây dựng, chưa có quyết định giao đất. Lúc này, việc san lấp mới tạm dừng. 

Cách TP. Quảng Ngãi khoảng 15km về phía bắc, bãi bồi màu mỡ ven sông Trà Bồng thuộc huyện Bình Sơn cũng đang được san lấp để làm dự án bất động sản bán thương mại. Dự án khu dân cư kè bắc sông Trà Bồng với tổng diện tích khoảng 40ha, chủ yếu là đất bãi bồi trồng hoa màu thuộc xã Bình Trung được chính quyền tỉnh Quảng Ngãi cấp cho Liên danh công ty TNHH xây dựng thương mại Phú Đại Phát và Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng 501 làm chủ đầu tư.

Điều đáng nói là dù chưa đền bù nhưng chủ đầu tư vẫn cho san lấp hết ruộng bắp của người dân. Những đám bắp đang mơn mởn bị xâu xé bởi các cuộc san lấp đất nền, ngắc ngoải, khô héo dần trong nỗi uất ức của người dân. Những Cồn Mẹo, Mẫu Tám, Bãi Muống, Cồn Banh… nơi người dân canh tác bạt ngàn màu xanh giờ đã là dĩ vãng.

Ông Lê Minh Tâm canh giữ

Ông Lê Minh Tâm canh giữ "thủ phạm" cày xéo ruộng lúa của mình

Đất mất, dân tắc kế mưu sinh

Xế trưa, ông Trần Văn Phương đang loay hoay cho mấy con bò ăn cỏ chờ vợ đi chợ về. Vợ ông bán bắp ở dưới chợ Bình Thuận thuộc khu công nghiệp Dung Quất. Đó là “vòng kinh tế” của gia đình ông từ mấy chục năm qua. Giờ nhịp sống - mưu sinh có nguy cơ gãy gánh.

Ông chia sẻ: “Nhà tôi có 1.500m2 đất trồng bắp ở Bãi Sặc và Cồn Mẹo, nằm trong dự án khu dân cư kè bắc sông Trà Bồng. Chủ đầu tư đền bù khoảng 105 triệu đồng/sào nhưng tôi chưa nhận vì quá thấp. Đất ở đây tốt lắm, canh tác quanh năm. Đầu năm trồng ớt, giữa năm trồng dưa, trồng bắp. Họ làm ớt nếu trúng thì một mùa thu về khoảng 30 triệu đồng một sào. Nhà tôi chuyên trồng bắp, một sào bình quân một vụ thu hoạch khoảng 5 triệu đồng, ít nhưng bền vững hơn”.

Sau một lúc trầm tư, ông Phương bộc bạch: “Bắp thu về lại luộc lên cho vợ tôi đi bán dưới Dung Quất, cây lá thì cho bò, cho gà ăn, còn hạt giống ươm gối đầu cho vụ sau. Cứ thế, hai vợ chồng tôi nuôi con ăn học, xây dựng nhà cửa từ những đám đất ven sông đó. Mọi thứ đều xuất phát từ đất hết. Không có đất thì chịu chết!”.

Dù có đất rộng mênh mông nhưng chỉ được tính là đất bãi bồi - tiền đền bù thấp nên ông Phương không khỏi lo lắng: “Mình là dân thuần nông thì phải có ruộng chứ cầm 100 triệu đồng mà không biết dùng thì vài bữa cũng hết. Còn ruộng thì hết đời tôi còn con tôi làm rồi đời con nó. Chứ hết ruộng rồi biết làm gì. Tôi thì tuổi già, làm bảo vệ họ cũng không tuyển chứ đừng nói phụ hồ”. 

Cùng chung nỗi niềm, bà Lợi cũng rầu rĩ: “Nhà cô có 6 người, chủ yếu sống dựa vào 3 sào ruộng nhưng giờ bị thu hồi hết, coi như trắng tay rồi. Nay thì đi kiếm cỏ chăn con bò, kiếm mớ củi, chiều thì đi rửa bát. Chồng cô già rồi không biết làm nghề chi để sống”.

Những ghi nhận trên chưa nói hết cảnh tình ở Quảng Ngãi khi dự án bất động sản mọc lên như nấm với hơn 100 dự án lớn nhỏ. Các dự án cấp đất loạn xạ đến nỗi, từ năm 2018, trong cuộc giám sát thực hiện các dự án khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ ra hàng loạt sai phạm và đề nghị chấn chỉnh.

HĐND tỉnh cũng yêu cầu thực hiện việc bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, có giải pháp giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị thu hồi đất, nhất là những trường hợp không còn đất sản xuất nông nghiệp… Thế nhưng, các dự án lấy đất nông nghiệp, phân lô bán liên tục được phê duyệt. 

Ngay cả “Xứ đồng Vàng” bên dòng sông Trà khúc (TP. Quảng Ngãi) với tên gọi gắn với sự màu mỡ của vùng đất, được xem là vựa rau, vựa hoa lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi cũng bị quy hoạch làm dự án bất động sản.

Ông Nguyễn Thanh Sang (thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà, TP. Quảng Ngãi), một trong những người bị thu hồi đất tâm tư: “Một sào ruộng họ đền bù 65 triệu đồng. Nhà tôi có 6 người được cấp 2 sào rưỡi đất, doanh nghiệp đền bù tổng cộng 213 triệu đồng. Trong lúc đó, một năm một sào ruộng này chúng tôi có thể thu hoạch khoảng năm chục triệu từ trồng rau màu là bình thường. Giá bồi thường rẻ quá nên gia đình tôi không chấp nhận”.

Ông Trần Thanh Trạng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà cho biết, toàn xã có hơn 300 hộ có đất sản xuất nằm trong quy hoạch dự án Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh và dự án Khu đô thị Nghĩa Hà - Nghĩa Phú. Ông chia sẻ thêm: “Người dân chấp hành tốt việc kiểm đếm nhưng giá đền bù rẻ quá, họ không chấp nhận”.

Nhiều mảnh đất nông nghiệp màu mỡ bị dự án phân lô bán nền

Nhiều mảnh đất nông nghiệp màu mỡ bị dự án phân lô bán nền "xâm chiếm''

Chiều xuống, đi qua những ruộng rau xanh ngút ngàn bờ nam sông Trà Khúc, nghĩ đến cảnh nơi này rồi cũng sẽ bị phân lô bán nền, tôi không khỏi chạnh lòng khi nhớ tới câu trả lời gọn lỏn của một ông bạn “Xứ đồng Vàng” khi hỏi chuyện hết ruộng rồi thì người dân nơi đây sẽ làm gì để sống: “Thì vô Sài Gòn bán vé số, phụ hồ, chạy xe ôm...”. 

Phải tạo sinh kế cho dân trước khi thu hồi đất

Theo báo cáo giám sát của HĐND tỉnh Quảng Ngãi, trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2018, toàn tỉnh có hơn 810 dự án thu hồi đất. Tổng diện tích đất đã thu hồi hơn 3.434ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp hơn 2.862ha, diện tích đất phi nông nghiệp khoảng 608ha. Số hộ dân và cá nhân bị thu hồi đất hơn 36.990 trường hợp. 

Theo đánh giá của HĐND tỉnh Quảng Ngãi, việc chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp sang mục đích sử dụng khác đã thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Song, cùng với hàng trăm dự án - công trình hình thành là những diện tích đất sản xuất nông nghiệp rộng lớn cũng mất dần, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. Vì thế, HĐND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị các cấp chính quyền địa phương ở tỉnh cần thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người lao động trước khi thu hồi đất.

Lê Đình Dũng 

Theo phunuonline.com.vn

largeer