Nữ sinh Hà Nội tâm sự cay đắng chuyện bị lừa liên hoàn mất gần 1 tỷ đồng
Chủ nhật, 18/05/2025 13:03 (GMT+7)
Một nữ sinh năm nhất tại Hà Nội đã trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo tinh vi, mất gần 1 tỷ đồng sau khi bị các đối tượng mạo danh công an và giảng viên đại học dẫn dắt qua nhiều kịch bản liên hoàn, từ cáo buộc liên quan đến ma túy đến suất học bổng du học Hàn Quốc.
Bị đe dọa "liên quan đến vụ án ma túy"
Nạn nhân là Đ.T.N. (sinh năm 2006), hiện là sinh viên năm nhất của một trường đại học tại Hà Nội. N. cho biết vài ngày trước đã nhận được cuộc gọi từ một người đàn ông tự xưng là Nung Văn Đức, cán bộ Cục Phòng chống tội phạm về ma túy, Bộ Công an. Người này thông báo rằng N. đang là nghi can trong một vụ án liên quan đến ma túy và rửa tiền phi pháp.
Theo lời kể của nữ sinh, người đàn ông này yêu cầu cô phải phối hợp điều tra, bao gồm việc kê khai tài sản, cung cấp thông tin dòng tiền để xác minh không có liên quan đến hoạt động bất hợp pháp. Đối tượng liên tục đe dọa nếu không hợp tác, N. sẽ bị thu giữ tài sản, bắt tạm giam 37 ngày và thông báo vụ việc tới nhà trường – điều có thể ảnh hưởng đến việc học tập và cơ hội xin việc sau này.
Đối tượng lừa đảo còn làm giả lệnh bắt giữ hình sự gửi cho N.
Vì đang trong lịch học và thi, N. không thể đến cơ quan công an, nên được yêu cầu cài đặt một phần mềm để “tham gia điều tra từ xa”. Qua phần mềm này, các đối tượng tổ chức một cuộc họp trực tuyến, mở camera cho N. xem tang vật là ma túy, đô la Mỹ cùng các hình ảnh giả mạo trụ sở, cán bộ mặc sắc phục.
Để dễ dàng thao túng tâm lý nạn nhân, nhóm đối tượng yêu cầu N. không được liên lạc với bất kỳ ai. Nếu vi phạm, nữ sinh sẽ bị phạt tù từ 2-7 năm kèm 100 triệu đồng. Ngoài ra, N. còn phải chia sẻ màn hình điện thoại và máy tính trong suốt thời gian này.
Nhằm khiến N. hoàn toàn tin tưởng và làm theo các yêu cầu của chúng, các đối tượng lừa đảo đã tổ chức đọc lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can và yêu cầu N. "chứng minh mình trong sạch" bằng cách chuyển 300 triệu đồng vào một tài khoản "phục vụ điều tra".
Lo sợ và hoảng loạn, N. đã gọi điện vay mượn người thân và thậm chí nhờ bố mẹ gom tiền với lý do "trường yêu cầu đóng toàn bộ học phí 4 năm".
Sau khi chuyển tiền, nhóm đối tượng tiếp tục thông báo rằng Cục Quản lý Giám sát Ngân hàng đã xác nhận khoản tiền của N. không liên quan đến hoạt động phi pháp. Thậm chí, chúng còn nói rằng vì N. hợp tác tốt trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng sẽ gửi công văn biểu dương đến nhà trường.
Giả danh giảng viên, đưa vào "danh sách du học Hàn Quốc"
Sau khi cuỗm mất 300 triệu đồng từ nạn nhân, nhóm lừa đảo này tiếp tục dựng lên một kịch bản thứ hai để lừa N. Nữ sinh cho biết cô nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là giảng viên trường đại học, thông báo cô nằm trong top 15 sinh viên được chọn tham gia chương trình trao đổi 2 tháng tại Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc, vì có điểm số cao.
Để tạo sự tin tưởng, người này đọc đúng tên một số sinh viên cùng lớp, sau đó có một người khác đóng giả bạn học gọi điện “rủ đi du học cho vui”. Vì học theo tín chỉ, người bạn này lại không chơi thân, N. chỉ cảm thấy giọng "nghe hơi giống bạn cùng lớp" nên đã tin là thật.
Sau đó, N. nhận được thông báo trúng tuyển với đầy đủ dấu đỏ, chữ ký của hiệu trưởng. Đáng chú ý, thông báo yêu cầu nữ sinh phải chứng minh năng lực tài chính. Đối tượng lừa đảo cho biết rằng năng lực tài chính càng mạnh, học bổng hỗ trợ càng cao. Việc du học cũng có thể kéo dài trong 4 năm thay vì 2 tháng như thông tin ban đầu.
Thông báo giả mạo về chương trình du học.
Tin tưởng con gái sắp được đi du học, gia đình N. tiếp tục vay nóng thêm 600 triệu đồng để chuyển khoản "chứng minh năng lực tài chính", với dự định sẽ lấy lại ngay khi hoàn tất thủ tục.
Tuy nhiên, ngay sau khi hoàn tất chuyển khoản, bố của N. bất ngờ nhận được một cuộc gọi từ chính các đối tượng lừa đảo, thông báo: “Con gái anh bị lừa”, rồi nhanh chóng cúp máy. Đến lúc này, gia đình mới bàng hoàng nhận ra toàn bộ sự việc chỉ là một cú lừa tinh vi.
Chia sẻ với báo chí, nữ sinh Đ.T.N mong rằng đây sẽ là lời cảnh tỉnh tới các bạn sinh viên và phụ huynh. “Em hy vọng câu chuyện của mình sẽ giúp nhiều người cảnh giác, không rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo tinh vi như em đã từng”, N. nói.
Vụ việc hiện đang được cơ quan công an điều tra, làm rõ.
Các đối tượng làm giả mạo văn bản của Công an tỉnh Quảng Nam về việc "Cập nhật số căn cước công dân, số định danh cá nhân để tích hợp thông tin vào sổ hộ khẩu điện tử" nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo thông tin cảnh báo từ Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), các tin nhắn được gửi qua SMS, Zalo hoặc Messenger với nội dung: “Thanh toán đơn hàng còn thiếu tiền, nếu không sẽ bị hoàn về kho” kèm theo mã QR hoặc đường link có thể khiến người dân bị mất hết tiền nếu truy cập theo hướng dẫn.
Giữa bối cảnh suy giảm dân số nghiêm trọng ở nông thôn, các nhà ga không người và bất động sản bỏ hoang tại Nhật Bản đang được tái sinh thành nơi lưu trú độc đáo, mang lại sức sống mới cho cộng đồng địa phương.
Có nên bật điều hòa trong phòng kín khi ngủ? Một bài viết trên mạng xã hội đang gây tranh cãi khi cảnh báo về tình trạng thiếu oxy, mệt mỏi do khí CO₂ tích tụ. Chuyên gia ngành nhiệt lạnh đã lên tiếng khuyến cáo người dân cần cẩn trọng với cách dùng điều hòa thiếu lưu thông khí.
Nhà sáng tạo nội dung YouTube nổi tiếng nhất thế giới hiện đối mặt với vụ kiện do chính quyền Mexico đệ trình, liên quan đến cáo buộc quay phim trái phép tại các khu di tích khảo cổ quốc gia.
Jenny Huỳnh - nhà sáng tạo nội dung sinh năm 2005, là nữ sinh Việt duy nhất lọt vào danh sách Forbes 30 Under 30 Asia 2025 vì những dấu ấn nổi bật ở lĩnh vực mạng xã hội.
Công an Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc đã ra thông báo chính thức, cho biết nữ hot girl này vẫn còn sống và toàn bộ sự việc chỉ là do cô tự biên tự diễn.