Nóng “đầu cơ” thương hiệu bất động sản
Khi bàn về thương hiệu bất động sản (BĐS), nhiều chuyên gia trong ngành còn tỏ ra băn khoăn, lo lắng trước sự nhiễu loạn bởi hàng trăm tên miền, thương hiệu na ná nhau. Chuyên gia còn thế thì người mua nhà khác nào lạc trong ma trận? Dù cố ý hay chủ ý, tình trạng mạnh ai nấy “chạy” thương hiệu đang tạo tiền lệ xấu và sự cạnh tranh thiếu lành mạnh.
Ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng Giám đốc Eurowindow, cho biết thương hiệu Eurowindow cũng bị các doanh nghiệp, nhà sản xuất khác sử dụng từ Euro, dù sau đó thêm các từ viết tắt khác hoặc các hình ảnh..., nhưng cũng dẫn đến sự nhầm lẫn về thương hiệu của doanh nghiệp. Việc bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu trong các luật, văn bản pháp lý hiện nay chưa có bảo vệ thương hiệu mà chỉ mới dừng lại ở việc bảo hộ. Ngoài ra, việc thực thi các chế tài xử lý nhầm lẫn thương hiệu thường chậm, khó đưa ra tòa để giải quyết, thường thì sẽ tự thỏa thuận để giải quyết.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch HĐQT DTJ Group, cho biết: "Là đơn vị phân phối BĐS, chúng tôi nhận thấy thực trạng chủ đầu tư của nhãn hiệu dự án lớn bị vi phạm khá nhiều. Nổi cộm ở vấn đề tên miền. Lĩnh vực này xảy ra vi phạm làm ảnh hưởng hình ảnh tới những doanh nghiệp làm ăn thực chất. Một tên miền dự án có đuôi .vn, .com là tên miền chính thức của doanh nghiệp hay dự án. Song, ngay sau đó xuất hiện nhiều tên miền "nhái" khiến doanh nghiệp làm ăn khó khăn, người tiêu dùng cũng khó nhận biết, dẫn đến không phân biệt được các trang web thật, giả".
Vẫn theo ông Khánh, tên doanh nghiệp đã được lựa chọn kỹ nhưng tên miền khi đăng kí sở hữu nhãn hiệu rồi lại phải mua các tên miền bao vây để tránh những đơn vị khác “đầu cơ” tên miền. Điều này khiến doanh nghiệp dễ bị tổn thương, ảnh hưởng đến chi phí, tên tuổi của doanh nghiệp.
Ở góc độ pháp lý, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SLAW, phân tích không chỉ doanh nghiệp BĐS mà các ngành khác cũng tương tự. Khi lựa chọn được tên hay, tên đẹp nhưng không thể đăng ký được tên thương hiệu đó. Bởi, những cái tên ưng ý như vậy thường có doanh nghiệp đăng ký rồi hoặc các nhà đầu cơ thương hiệu đã “xí chỗ” trước.
Vị luật sự này chia sẻ thêm, có một thực tế hiện nay, một số doanh nghiệp mới lập, hoặc startup sau này, khi đăng ký tên doanh nghiệp thường lấy những tên giống các doanh nghiệp lâu đời, nối tiếng hoặc thành công... và thêm các chữ cái khác hoặc chỉ có sự thay đổi một chút. Chính điều này đã là sự “cố ý” tạo ra sự nhầm lẫn thương hiệu.
Được biết, hiện nay, cơ quan đăng ký kinh doanh chưa có kết nối với Cục Sở hữu trí tuệ. Vì vậy, đơn vị đăng ký kinh doanh khó có thể tìm kiếm và xác nhận được thông tin mà chỉ đơn thuần là search Google nếu không trùng với tên một doanh nghiệp nào đó cho doanh nghiệp đăng ký.
Ngoài ra, ông Hà cũng cho biết, pháp luật yêu cầu các doanh nghiệp tự bảo vệ mình, trong những trường hợp bị nhầm lẫn thương hiệu, Nhà nước sẽ không thay thế doanh nghiệp trong việc bảo hộ thương hiệu. Nếu phát hiện ra việc bị “nhái” thương hiệu nên áp dụng biện pháp hành chính, dân sự để bảo vệ... bởi nhà nước không thể đủ nguồn lực để bảo vệ doanh nghiệp.
Vân Hằng
-
Thị trường đất nền sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại
-
Giải bài toán mất cân đối cung – cầu để kéo giảm giá nhà
-
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
“Siết” phân lô, bán nền, giá đất nền vùng ven rục rịch tăng
-
Bước sang 2025, chung cư không còn là ‘ngôi sao’ của thị trường BĐS
-
Condotel thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư Hà Nội