NÓI THẲNG: Ba Huân - VinaCapital, lấy trứng chọi cá mập!

Thứ sáu, 10/08/2018, 09:08 AM

Trong tiểu thuyết võ hiệp "Tiếu ngạo giang hồ" của Kim Dung có mối tình ngắn ngủi giữa Nhạc Linh San và Lệnh Hồ Xung. Chàng trai họ Lệnh là hào sĩ, kết giao với Linh San là kiều nữ của chưởng môn Hoa Sơn phái Nhạc Bất Quần.

Chưa từng thề non hẹn biển, mới đem lòng yêu và tưởng như sẽ về chung tổ ấm thì bất ngờ, Nhạc Linh San bỏ Lệnh ca ca, bởi thấy ở chàng ta "có nhiều vấn đề", để đến với Lâm Bình Chi. Và sau này, bi kịch xảy đến như thế nào, nhiều độc giả đã biết. Nhạc tiểu thư vì vậy bị người đời trách chê...

Ở đây, tình huống "lật kèo" của Nhạc Linh San với Lệnh Hồ Xung khiến chúng ta dễ liên tưởng đến mối hợp tác giữa Ba Huân và VinaCapital đang là câu chuyện thời sự.

Ba Huân hiện đã thương lượng mua lại phần vốn VinaCapital ứng trước - một động tác quan trọng trong tiến trình hủy kèo. Trước khi nhận được cái gật đầu của VinaCapital, Ba Huân đã đi trước một bước là gửi văn bản lên Thủ tướng Chính phủ nhờ can thiệp.

Làm ăn có thắng, có bại; có đúng đắn, có sai lầm nên cũng khó trách bất kỳ bên nào, nhất là Ba Huân, cho dù hiện nay chưa thể khẳng định mấy nước cờ bà chủ công ty trứng gà vừa đi là sai lầm. Nhưng có thể nhận thấy ngay rằng qua vụ này, Ba Huân bị mất điểm, ở hai chỗ: dừng ngang thương vụ sau khi đã nhận tiền của đối tác để chi xài và cầu cứu Thủ tướng.

Đang làm bạn với nhau mà bất ngờ nghỉ chơi vì thấy bạn không được tốt với mình, vậy thì mình cũng chưa hẳn đã là người tốt. Làm thế còn gây mất niềm tin, những người bạn khác ắt sẽ ngại mình, thậm chí có người nhìn mình bằng con mắt khác. Hẳn Ba Huân cũng hiểu rằng làm thế không hay nhưng buộc phải làm vì nhìn thấy nguy cơ nhãn tiền lớn hơn, đó là có thể mất chính mình (mất bạn ăn thua gì!). Vậy, phải cứu mình trước đã.

Cái dở này nối cái dở kia. Đó là vội gửi văn bản lên Thủ tướng Chính phủ nhờ can thiệp trong khi chưa biết VinaCapital sẽ hành xử ra sao. Văn bản ấy như một sức ép. Hợp tác làm ăn là quan hệ thương mại - dân sự dựa trên các điều khoản pháp lý sẵn có, đâu thể mượn quyền lực hành chính can thiệp vào được. Tư tưởng dựa dẫm là không nên có trong thế giới hội nhập sâu rộng về mọi mặt trong đó kêu gọi thượng tôn sự cạnh tranh bình đẳng. Ai cũng nghĩ vậy, làm vậy thì biết bao giờ doanh nghiệp Việt mới lớn lên được!

Đến giờ, chưa ai rõ vì sao VinaCapital đồng thuận với đề nghị chấm dứt thương vụ của Ba Huân sớm đến vậy, cũng chưa thể tường minh rằng Ba Huân làm thế là do phát hiện nhiều vấn đề bất lợi hay là vì có "kèo" khác "thơm" hơn; song có thể nhận diện thêm một vấn đề mà doanh giới trong nước thường mắc phải, đó là chậm thay đổi tư duy quản trị và tái cấu trúc bộ máy so với tốc độ tăng trưởng và quy mô ngày càng lớn mạnh của doanh nghiệp, thế nên khả năng thành công khi làm ăn lớn thường khá mong manh. Ba Huân là công ty cổ phần, tầm vóc có được hôm nay là từ nền tảng một công ty gia đình. Đem tư duy và kỹ năng quản trị của công ty gia đình để bắt tay với những quỹ tài chính sừng sỏ thường được gọi là "cá mập" có thể thôn tính đối tác/đối thủ bất kỳ lúc nào mà lại kỳ vọng đôi bên cùng thắng (win - win) thì chẳng khác chơi với dao là mấy.

 Nữ hiệp Nhạc Linh San trong tiểu thuyết Kim Dung mạnh mẽ mà mong manh, dễ vỡ và đã vỡ. Những mong "bà hoàng trứng gà" không một lần nữa lấy trứng chọi… "cá mập" để rồi ca thán mình trót lỡ tay!

Dương Quang

NLĐ