Những người trẻ từ chối sự ổn định, thích ‘sống thử’ nay đây mai đó
Ngọc Hà không thích cuộc sống “ở cao ốc, ngồi máy lạnh”, sáng xách xe đi, chiều xách xe về như một guồng quay. Cô thấy mình còn trẻ và vẫn muốn xê dịch.
Tốt nghiệp trường đại học có tiếng tại Hà Nội, giống như nhiều sinh viên mới ra trường, Hoàng Ngọc Hà (22 tuổi, quê Phú Thọ) được bố mẹ kỳ vọng có công ăn việc làm ổn định, ở lại thành phố lớn phát triển.
Bạn bè đồng trang lứa cô cũng sớm định hướng làm ở doanh nghiệp này, công ty kia.
“Thế nhưng, đó không phải cuộc sống tôi mong muốn ở hiện tại”, cô chia sẻ.
Hà thấy mình không phù hợp làm công việc văn phòng, sáng xách xe đi, chiều xách xe về, ngày nào cũng như ngày nào. Bởi vậy, cô làm trái lời gia đình, chọn xê dịch nay đây mai đó.
Không ít người trẻ cũng có chung suy nghĩ với Hà.
Không ở yên một chỗ
Sau lần mắc Covid-19 vào tháng 4/2022, chỉ trong một đêm, Hà quyết định tới Gia Lai để dành thời gian cho mình và cải thiện sức khỏe. Cô dành ra 3-4 tiếng một ngày làm vườn, chăm chút cây cối và hòa mình vào thiên nhiên.
Rời khỏi Tây Nguyên đầy nắng và gió, Hà đến Tà Xùa (Sơn La) sống nửa năm, rồi đặt chân tới Đà Lạt cách đây một tháng. Cô đã trải nghiệm cả 2 hình thức, làm tình nguyện viên (TNV) và du lịch tự do.
Với Hà, sống ở một nơi lâu giúp cô có thời gian khám phá, tìm hiểu về con người, đời sống, thói quen, văn hóa địa phương và tạo được nhiều mối quan hệ mới.
Nhưng cùng với đó, Hà nhiều lần mâu thuẫn với gia đình vì cha mẹ cô lo con gái chỉ có một mình sống ở nơi hẻo lánh, không an toàn, khó phát triển được về mọi thứ.
Trước khi thoát khỏi vòng an toàn để trải nghiệm cuộc sống xa nhà, Đinh Lê Thảo Nguyên (27 tuổi, quê Đà Lạt) cũng từng ôm nhiều nỗi lo lắng tương tự.
Năm 2022, Nguyên quyết tâm một mình ra Bắc “lang thang” gần 2 tháng theo hình thức TNV: bỏ sức phụ việc nhà, làm vườn để đổi lấy nơi ăn, chốn ở tại các homestay.
Sau chuyến đi ngắn xả hơi, cô tiếp tục có 50 ngày làm TNV bảo tồn rùa biển, nhặt và xử lý rác, đi tàu tuần tra trên biển,... tại một số khu du lịch ở miền Nam.
Trở về nhà sau hơn 3 tháng, Nguyên tăng 8 kg. Cha mẹ cũng yên tâm khi thấy con gái trưởng thành, vui vẻ và học hỏi được nhiều điều.
Càng lúc, Nguyên lại càng muốn đặt chân tới những nơi xa xôi hơn để thử thách bản thân, từ làm nông dân trồng tỏi ở đảo Lý Sơn đến khám phá mô hình sản xuất lúa ở Quảng Nam.
Dù có sự chuẩn bị khá kỹ càng và dự trù tình huống xấu xảy ra trước mỗi chuyến đi, Nguyên đôi lúc vẫn bối rối vì các farmstay thường ở nơi xa, hoang sơ. Nếu không tính toán tốt thời gian di chuyển, cô có thể đến nơi khi đã rất muộn, cảm giác thiếu an toàn.
Cách đi du lịch hay
Sau nhiều năm làm nhân viên văn phòng ở TP.HCM, Mạnh Nguyễn (29 tuổi, quê Đồng Tháp) cảm thấy bị tù túng, gò bó và cuốn theo guồng quay hối hả của đô thị.
Trải qua đợt dịch nặng nề, cộng thêm chứng trầm cảm trong thời gian dài, anh quyết định tạm dừng công việc, dọn đồ về quê để sống chậm lại.
Nhận ra mình chỉ đang tồn tại trên đời chứ không phải là sống, Mạnh muốn dành nhiều thời gian hơn để khám phá bản thân, trải nghiệm cuộc sống, văn hóa của nhiều vùng miền và mở ra những cơ hội mới trong công việc. Anh sẽ dừng lại hành trình khi nào cảm thấy đủ.
Lý Sơn, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Sa Pa, Hà Nội, TP.HCM, Bình Định, Phú Yên,... Quãng thời gian lên rừng ra đảo, vào Nam ra Bắc hơn một năm qua cho Mạnh nhiều kỹ năng sống mà khó có được khi còn ở thành phố.
Đó là cách nhóm lửa, nấu bếp củi, phòng tránh các loại côn trùng,,.. khi lên rừng. Còn lúc ra đảo, anh biết phân biệt loài sinh vật nào ăn được, vùng biển nào có nguy hiểm hay không.
Có cơ hội gặp gỡ nhiều người, Mạnh tự tin hơn trong giao tiếp, tinh thần cũng trở nên lạc quan và vui tươi hơn.
Sức khỏe của chàng trai cũng tốt lên trông thấy, ít bị bệnh vặt, quen với nhiều kiểu thời tiết khác nhau.
Mạnh còn thử sức, có thêm thu nhập với một số công việc mới như làm hướng dẫn viên địa phương và chụp ảnh cho du khách.
Cùng với đó, Mạnh vui vẻ chấp nhận nhiều “khuyến mãi” đi kèm của cuộc sống nay đây mai đó như phải thích nghi việc gõ máy tính chuyển sang lao động chân tay, nhiều đêm chập chờn khó ngủ vì chưa kịp thích ứng với thời tiết, bị cước trong cái lạnh 0 độ C ở Sa Pa,...
Từ kinh nghiệm của mình, Mạnh cho rằng nếu muốn xê dịch theo kiểu TNV, mọi người nên có sự chuẩn bị nhất định.
Đầu tiên, cần chủ động sắp xếp thời gian. Những nơi tiếp nhận TNV thường sẽ yêu cầu ít nhất 10 ngày đến 1 tháng. Nếu có công việc online, nên thỏa thuận thời gian với chủ/quản lý nơi đó trước khi đến.
Sức khỏe cũng cần ở mức ổn mới đi được dài ngày. Thêm vào đó, nên trang bị các loại thuốc cơ bản và kem chống nắng.
Về ăn uống, tốt hơn hết là nên dễ dàng thích nghi. Có thể tự mang theo các loại ngũ cốc, thực phẩm riêng biệt nếu đang có chế độ ăn uống đặc biệt.
Tiếp đó, nên chuẩn bị sẵn một khoản để phòng thân và chỉ cần một chút tiền mặt khi cần. Có thể vừa đi vừa làm online hoặc đến nơi thấy công việc hợp thì làm thêm.
Khi cuộc sống quay về với thiên nhiên, cần chuẩn bị tinh thần một số nơi không có sóng điện thoại, Wi-Fi chập chờn. Có nơi sử dụng bếp củi nấu ăn, nước sinh hoạt sẽ là giếng hoặc suối,…
Mang những vật dụng cá nhân cần thiết theo số ngày đi vì có nơi rất xa khu dân cư, lâu mới đi mua được.
Thảo Nguyên đồng tình rằng với những bạn trẻ thích xê dịch theo kiểu tiết kiệm và gần gũi cuộc sống địa phương, đăng ký làm TNV ở các homestay, farmstay là cách khá hay, nhất là khi hiện nay, nhiều nơi rộng mở đón mọi người đến trải nghiệm.
Còn với Ngọc Hà, xê dịch theo kiểu TNV hay đi tự do tùy thuộc vào suy nghĩ, sở thích, kinh tế, mục tiêu của mỗi người. Xu hướng sống ở mỗi nơi vài tuần hoặc vài tháng cũng ngày càng phổ biến, nhất là khi nhiều công việc có thể làm từ xa, theo hình thức freelance (tự do).
Hà cho rằng nếu có thời gian, sức khỏe, kinh tế, mọi người nên đi và trải nghiệm khi có thể vì “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, đi để hiểu mình, hiểu người, biết mình cần phải học hỏi nhiều điều.
“Đôi lúc cũng là để nhận ra đâu là ‘miền đất hứa’, là nơi phù hợp mà mình muốn gắn bó lâu dài”, cô nói.
THIÊN NHI