Những “bông hoa” giữ đường nơi biên giới

Thứ ba, 01/09/2020, 17:27 PM

Quá nửa trong số họ là nữ giới, người nhiều tuổi nhất ngoài tứ tuần, ít tuổi nhất cũng đã 34, ai cũng khắc khổ, vất vả trong bộ quần áo bạc màu.

Những nữ công nhân duy tu của Hạt QLĐB Quế Phong hót dọn mương rãnh và phát quang tầm nhìn trên QL48

Những nữ công nhân duy tu của Hạt QLĐB Quế Phong hót dọn mương rãnh và phát quang tầm nhìn trên QL48

Thời chiến tranh, các mẹ, các chị bám cầu, bám đường để những chuyến xe chở quân và vũ khí chi viện cho miền Nam ruột thịt luôn được thông suốt. Giờ đây, những nữ công nhân Hạt Quản lý giao thông Quế Phong (Nghệ An) vẫn bám cầu, bám đường để những chuyến hàng bon bon, phát triển kinh tế nơi biên cương.

Vượt khó khăn, quyết giữ đường an toàn, thông suốt

15h chiều một ngày cuối tháng 7/2020, trời Quế Phong (Nghệ An) vẫn nắng chang chang. Dù bốn bề là rừng núi nhưng mặt đường QL48 vẫn hầm hập như lò sấy. Tại Km 107+500, một nhóm công nhân của Hạt Quản lý giao thông (QLGT) Quế Phong vẫn cặm cụi vét dọn đất đá dưới rãnh thoát nước và phát quang cây cỏ bên đường.

Quá nửa trong số họ là nữ giới, người nhiều tuổi nhất đã ngoài tứ tuần, người ít tuổi nhất cũng đã 34, ai cũng khắc khổ, vất vả trong bộ quần áo công nhân bạc màu.

Vừa chạy tới chạy lui chỉ đạo, thi thoảng chị Võ Thị Lan Hương, Hạt trưởng Hạt QLGT Quế Phong lại nhìn về phía mấy ngọn núi đằng xa vẻ đăm chiêu. Chị Hương ví von: Thời tiết miền núi mùa này như cô gái đang yêu, sáng nắng chiều mưa, giữa trưa nổi gió. Có khi đang nắng chang chang nhưng mưa bất chợt kéo về xối xả.

Lấy ống tay áo gạt những giọt mồ hôi lăn dài trên trán, chị Hương cho biết, hạt có 12 cán bộ, công nhân viên, trong đó có 7 nam, 5 nữ nhưng quản lý đến 62km (gồm 53km QL48 và 9km đường tỉnh 544B). Đây đều là các tuyến đường miền núi, gần biên giới với nước bạn Lào.

Công tác quản lý, duy tu và sửa chữa những cung đường miền núi gặp rất nhiều khó khăn, bởi hầu hết đã được xây dựng từ nhiều năm trước, nhiều tuyến chưa được vào cấp. Chưa kể, thời tiết miền núi rất khắc nghiệt, dễ xảy ra sạt lở. Đời sống người dân còn khó khăn, nhận thức hạn chế hay vi phạm hành lang, làm lấp mương, bồi rãnh. Trong khi đó, kinh phí cấp cho công tác duy tu còn rất thấp so với nhu cầu thực tiễn.

“Nói vậy không có nghĩa là khó mình không làm. Vượt qua mọi khó khăn, anh em cán bộ, công nhân viên của hạt vẫn luôn nêu cao tinh thần tất cả vì tuyến đường thông suốt, an toàn”, chị Hương cười.

Nói về những nữ công nhân, chị Hương bảo, các chị em mỗi người một tuổi, một hoàn cảnh nhưng đều chung một tình yêu dành cho những con đường nơi biên cương Tổ quốc.

“Công việc duy tu, bảo dưỡng đường yêu cầu phải tỉ mỉ, kỹ lưỡng nên cũng phù hợp với chị em phụ nữ. Dù có đôi chút vất vả nhưng trước đây có biết bao người mẹ, người chị đã tham gia mở đường, nay mình được bước tiếp chặng đường của họ thì còn gì bằng”, chị Hương nói.

Vừa giúp chị em trong hạt phát quang cây cối, chị Hương cho biết, chị sinh năm 1978 ở huyện Diễn Châu, Nghệ An. Từ năm 1996 - 1998, sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Kinh tế Nghệ An (nay là Đại học Kinh tế Nghệ An), chị xin về Đoạn Quản lý đường bộ thuộc Sở GTVT Nghệ An làm nhân viên thu phí cầu Thái Hòa.

Làm được 6 tháng, đơn vị điều chị lên làm kế toán cho Hạt Giao thông Quế Phong. Từ một cô gái tuổi đôi mươi quen với cuộc sống phố thị giờ phải làm quen với bốn bề rừng núi, quanh năm mây mù bao phủ những tưởng chị sẽ bỏ cuộc. Thế nhưng, với tình yêu dành cho những cung đường, mọi gian khó đã phải lùi lại phía sau.

Chị Hương kể, năm 1999, QL16 chỉ mới là đường mòn, lởm chởm đất đá, quanh năm mây phủ. Một hôm, chị nhận được lệnh tiếp tế lương thực cho các công nhân mở đường trên dốc Chuối.

Chẳng suy nghĩ, chị cứ thế vác ba lô ra thị trấn Kim Sơn rồi thuê một bác xe ôm có chiếc xe 2 lốp quấn xích (nhằm tăng độ bám đường, chống trơn trượt - PV) chở lên dốc Chuối.

“Hơn nửa ngày vật lộn, cuối cùng mình cũng lên đến đỉnh dốc. Vừa đặt chân xuống thì thấy một nấm mộ bên đường. Hỏi bác tài thì được biết đó là mộ một cô giáo cắm bản, trong lúc đi đường ngã chết. Thế là mình bắt đầu hoảng, chân tay bủn rủn, rụng rời, nhìn về thị trấn Kim Sơn thì xa vời vợi. Nghĩ dại, chuyến đi này cũng có thể “một đi không về” như cô giáo xấu số kia. Vừa khóc, mình vừa bảo bác xe ôm chờ tí, rồi lấy giấy bút ra viết mấy dòng gửi bố mẹ dưới quê... Ấy thế mà mình vẫn sống. Thoắt cái đã hai mươi năm có lẻ. QL16 giờ cũng đã được láng nhựa phẳng lỳ rồi. Ô tô, xe máy cứ thế mà bon bon thôi”, chị Hương nhớ lại.

“Mẹ có ra đường nữa không?”

Không quản mưa nắng, những nữ công nhân duy tu vẫn bám cầu, bám đường, giữ các tuyến đường vùng biên luôn thông suốt

Không quản mưa nắng, những nữ công nhân duy tu vẫn bám cầu, bám đường, giữ các tuyến đường vùng biên luôn thông suốt

Khác với chị Hương, chị Vi Thị Anh (SN 1986, người dân tộc Thái) lại sinh ra và lớn lên ở ngay xã Tiền Phong, huyện Quế Phong. Sau khi tốt nghiệp THPT, vì không có điều kiện học lên, chị Anh ở nhà làm lụng giúp đỡ bố mẹ.

Năm 2017, chị quyết định xin vào Hạt QLGT Quế Phong làm công nhân duy tu. “Chăm sóc, bảo dưỡng những con đường bằng phẳng, êm thuận không chỉ là nhiệm vụ của người công nhân với công ty mà còn là trách nhiệm của một người con với quê hương. Phương tiện lưu thông dễ dàng, nhanh chóng, buôn bán tiện lợi, kinh tế quê mình phát triển”, chị Anh nói.

Chị Anh tâm sự, nghề duy tu bảo dưỡng đường cũng đối mặt với nhiều hiểm nguy, nhất là với chị em phụ nữ. Đơn giản nhất là trong khi phát quang bụi rậm bị rắn rết cắn, hay leo núi phát quang cây cối bị trượt ngã.

“Cuối năm 2019, tôi leo lên vách núi để phát quang tại điểm cua Km107 QL48. Trong lúc đang chặt cây thì trượt chân ngã lăn nhào xuống đường, may mắn chỉ bị xây xước nhẹ”, chị Anh kể lại.

Nghe chị Anh nói vậy, chị Lương Thị Hảo (SN 1979, trú xã Tiền Phong, huyện Quế Phong) cười kể: “Một lần đang phát cây ở Km121 thì mình bị một bầy ong vàng lao vào đốt. Dù rất đau nhưng cũng gắng gượng làm cho xong việc. Tối đến mặt mày sưng húp, toàn thân đau mỏi đến mức không thể ăn cơm”.

Nói về nghề, chị Anh bảo, nghề duy tu phải thường xuyên ra đường, nhất là lúc mưa gió, bão bùng nhưng với chị em công việc vất vả không đáng ngại bằng việc phải thu xếp việc gia đình, con cái và tìm sự cảm thông, chia sẻ từ người thân.

“Mình có 2 con, đứa đầu học lớp 5, đứa thứ mới học lớp 1. Nhiều hôm chuẩn bị đi làm thì con nhỏ chạy đến ôm hỏi hôm nay mẹ có phải ra đường nữa không. Lúc đó chỉ biết lừa con đi chỗ khác chơi rồi quay mặt khóc”, chị Anh kể.

 20 năm bám đường, 3 năm làm Hạt trưởng, chị Hương gặp không biết bao nhiêu buồn vui với những cung đường. Chị kể, tháng 8/2018, sau nhiều ngày mưa kéo dài, khu vực biên giới Thông Thụ trở nắng nóng gay gắt. Thế nhưng bất ngờ, đúng 13h30 hàng nghìn khối đất đá sạt xuống theo cây cối chặn ngang QL48 đoạn Km 138 khiến giao thông bị tê liệt hoàn toàn. “Do lượng đất đá sạt xuống quá lớn, nên mãi tận 4h sáng hôm sau mới thông đường, còn sức lực anh em công nhân như bị vắt kiệt”, chị Hương kể và bảo: “Nghề này nó thế, mưa bão, mọi người ngồi trong nhà tránh trú thì mình lại chạy ra đường để phân luồng, cảnh báo, cắt dọn, thông đường…”.

    Văn Thanh - Sỹ Hòa

Theo baogiaothong.vn