Nhiều diễn biến mới trên thương mại điện tử, Bộ Công Thương quản thế nào?

Thứ ba, 08/10/2024, 08:49 AM

Bộ Công Thương tiếp tục rà soát pháp luật về thương mại điện tử, bổ sung quy định cụ thể về hoạt động thương mại điện tử qua biên giới

Mới đây, Báo Người Lao Động thông tin sàn thương mại điện tử 1688 (chuyên buôn hàng sỉ hàng đầu của Trung Quốc và do tập đoàn Alibaba quản lý) - phiên bản trên iOS - đã hỗ trợ thêm ngôn ngữ tiếng Việt.

Bộ Công Thương tính tới câu chuyện xây dựng khung khổ pháp lý chuẩn bị cho sự ra đời và đưa vào sử dụng đồng tiền điện tử. Ảnh: Minh họa

Bộ Công Thương tính tới câu chuyện xây dựng khung khổ pháp lý chuẩn bị cho sự ra đời và đưa vào sử dụng đồng tiền điện tử. Ảnh: Minh họa

Ở màn hình chính, 1688 đề xuất các sản phẩm bằng tiếng Việt, chẳng hạn: Dép cross, thời trang nữ, mỹ phẩm, dép da, máy tính....

Các danh mục khác như thanh toán, khuyến mãi, sắc đẹp... cũng thể hiện tiếng Việt, giúp người dùng tìm kiếm ngành hàng muốn mua dễ hơn, tương tự như tìm kiếm trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam.

Trước đó, từ tháng 8, Taobao - nền tảng thương mại điện tử của Alibaba - cũng đã cho ra mắt chương trình giao hàng quốc tế miễn phí đối với các sản phẩm thời trang. Tại Việt Nam, ứng dụng Taobao chưa hỗ trợ tiếng Việt, tuy nhiên đã cho phép vận chuyển đến địa chỉ của người dùng tại Việt Nam.

Hãng tin Reuters cũng thông tin YouTube Shopping đã hoạt động tại Hàn Quốc, Mỹ và có kế hoạch mở rộng sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam...

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về Chiến lược phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đáng chú ý, về phát triển thương mại điện tử, sàn giao dịch điện tử từ nay đến 2030, Bộ Công Thương cho biết tiếp tục rà soát pháp luật về thương mại điện tử (lưu ý bổ sung quy định cụ thể về hoạt động thương mại điện tử qua biên giới đang có xu hướng ngày càng phổ biến và khó kiểm soát).

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận hành nền tảng công nghệ phát triển các mô hình, giải pháp và dịch vụ thương mại điện tử. Đẩy mạnh phát triển các dịch vụ công phục vụ cho thương mại điện tử.

Xây dựng thị trường thương mại mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cho biết mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử.

Đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia có thị trường thương mại điện tử phát triển thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

Tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Công Thương xây dựng khung khổ pháp lý chuẩn bị cho sự ra đời và đưa vào sử dụng đồng tiền điện tử nhằm hỗ trợ cho các giao dịch thương mại trên môi trường trực tuyến, đặc biệt là trong các giao dịch thông qua thương mại điện tử.

    

Theo Lê Thúy (Người lao động)

largeer