Diễn biến mới trong thương mại điện tử Việt Nam

Thứ tư, 02/10/2024, 11:32 AM

Ở màn hình chính, sàn thương mại điện tử 1688 đề xuất các sản phẩm bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, nhiều người dùng cho biết họ gặp khó khi mua hàng do nền tảng này chỉ mới hỗ trợ 1 phần tiếng Việt.

Sàn 1688 cảnh báo bằng tiếng Trung, người dùng không biết nội dung là gì

Sàn 1688 cảnh báo bằng tiếng Trung, người dùng không biết nội dung là gì

Mới đây, sàn thương mại điện tử 1688 (chuyên buôn hàng sỉ hàng đầu của Trung Quốc và do tập đoàn Alibaba quản lý) - phiên bản trên iOS - đã hỗ trợ thêm ngôn ngữ tiếng Việt.

Cụ thể, khi truy cập vào ứng dụng 1688, ở phần màn hình đăng nhập thể hiện ngôn ngữ tiếng Việt, bao gồm phần đăng ký tài khoản, điều khoản, xác minh thông tin....Do đó, người dùng dễ dàng truy cập hoặc đăng ký tài khoản cá nhân/bán hàng của mình.

Ở màn hình chính, 1688 đề xuất các sản phẩm bằng tiếng Việt, chẳng hạn: Dép cross, thời trang nữ, mỹ phẩm, dép da, máy tính....

Các danh mục khác như thanh toán, khuyến mãi, sắc đẹp...cũng thể hiện tiếng Việt, giúp người dùng tìm kiếm ngành hàng muốn mua dễ hơn, tương tự như tìm kiếm trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều người dùng cho biết gặp khó khi mua hàng do nền tảng này chỉ mới hỗ trợ 1 phần tiếng Việt, còn đến công đoạn chọn sản phẩm, chốt đơn đang hoàn toàn bằng tiếng Trung nên chưa biết cách chốt đơn thế nào và hiện thanh toán chưa hỗ trợ loại tiền VNĐ.

Nếu nền tảng 1688 hỗ trợ toàn bộ bằng tiếng Việt và thanh toán dễ dàng hơn nữa, thương mại điện tử ở Việt Nam sẽ tiếp tục có sự biến động lớn và cuộc chiến giữa các sàn sẽ càng khốc liệt hơn khi ngày càng có thêm nền tảng tham gia cuộc chơi này.

Trước đó, hãng tin Reuters đã thông tin người dùng Indonesia sắp tới có thể mua hàng trên YouTube thông qua các đường link Shopee gắn kèm. YouTube Shopping đã hoạt động tại Hàn Quốc, Mỹ và có kế hoạch mở rộng sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Tính năng này hoạt động tương tự hình thức gắn giỏ hàng của TikTok Shop nhưng chỉ chấp nhận sản phẩm từ sàn Shopee.

Tính đến nay, tại Việt Nam đang có 4 sàn thương mại điện tử lớn, gồm Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki.

Báo cáo của Công ty Phân tích tư vấn và phát triển kênh TMĐT YouNet ECI cho thấy trong quý II/2024, Shopee giữ ngôi vương khi chiếm tới 71,4% thị phần, xếp sau là TikTok Shop chiếm 22% thị phần. Phần ít ỏi còn lại thuộc về Lazada và Tiki.

Tính chung, Shopee và TikTok Shop nắm 93,4% thị phần trong quý II/2024, tăng so với mức 91,25% hồi quý I. Hiện tại, cuộc đua song mã trên thị trường chỉ dành cho TikTok Shop và Shopee.

Theo Lê Tỉnh (Người lao động)

largeer