Ngành thương mại điện tử Việt Nam hướng tới mục tiêu xanh hóa
Báo cáo Chỉ số của ngành thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam 2023 chỉ ra, lĩnh vực bán lẻ trực tuyến có hai khâu chính tác động xấu tới môi trường, bao gồm khâu giao hàng liên quan đến khí thải carbon của phương tiện và khâu đóng gói hàng hóa có sử dụng hộp carton, bao bì nilon,...
Theo báo cáo của Cục Thương mại Điện tử (TMĐT) và Kinh tế số (Bộ Công Thương) trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu TMĐT bán lẻ tại Việt Nam ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tuy TMĐT tăng trưởng nhanh nhưng đã và đang bộc lộ nhiều yếu tố chưa bền vững, đặc biệt là tác động xấu tới môi trường. Bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết: “Trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, khâu giao hàng như: Xe cộ chạy trên đường, thải lượng lớn khí carbon; hay khâu đóng gói hộp carton, bao bì ni lông, hộp xốp, đồ nhựa dùng một lần,… đã tác động không nhỏ tới môi trường”.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, thành viên Hội đồng tư vấn cấp cao về TMĐT (VECOM) nhận xét, hiện nay các chính sách về kinh tế số và TMĐT phần lớn vẫn tập trung vào các giải pháp cho phát triển nhanh. Chính vì vậy, đã đến lúc cần thiết phải có các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số và TMĐT một cách bền vững, thân thiện môi trường. Trong đó, người tiêu dùng trực tuyến và các DN TMĐT cũng như logistics là những đối tượng nòng cốt thực thi các giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững. “Sự phát triển của TMĐT sẽ tạo ra công cụ hữu ích góp phần bảo vệ môi trường, thông qua các hoạt động mua bán trực tuyến các sản phẩm, dịch vụ gắn với thu gom, tái chế rác thải. Cần thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện kinh tế tuần hoàn trong các hoạt động sản xuất kinh doanh và tối ưu hóa hoạt động logistics. DN, tổ chức sẽ thuận lợi hơn khi thực hiện trao đổi, mua bán tín chỉ carbon trên quy mô quốc gia và toàn cầu”, ông Hưng nhìn nhận.
Để TMĐT phát triển bền vững và thân thiện hơn với môi trường, đồng thời trở thành một công cụ quan trọng hướng tới nền kinh tế xanh và trung hòa carbon, các bên liên quan, bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, DN, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo, các tổ chức xã hội nghề nghiệp cần phối hợp chặt chẽ và triển khai các hoạt động phù hợp. Trong Báo cáo logistics Việt Nam, chi phí logistics tại các DN bán lẻ chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá thành, dao động từ 10% - 20%. Còn trong chi phí logistics, chi phí vận chuyển có tỷ lệ cao nhất chiếm từ 60% - 80%. Chính vì vậy, việc tối ưu hoá chi phí vận chuyển không những giúp DN cắt giảm chi phí mà còn đóng góp đáng kể vào việc giảm lượng phát thải từ hoạt động vận chuyển.
Nghiên cứu của Google, Temasek và Bain & Company cũng cho thấy, việc tối ưu hóa hoạt động vận chuyển trong TMĐT như giảm quãng đường di chuyển của các phương tiện giao nhận, sử dụng các vật liệu tái chế, thân thiện để đóng gói hàng hóa… sẽ góp phần cắt giảm được 30% - 40% lượng khí phát thải trong lĩnh vực này.
Phối hợp chặt chẽ và triển khai phù hợp hướng tới mục tiêu xanh hóa
Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) khẳng định, khi tiêu dùng xanh trở thành xu hướng, TMĐT cũng bắt buộc phải chuyển mình, hướng tới nền TMĐT xanh. Người dùng đang có xu hướng ngừng mua các sản phẩm, dịch vụ có tác động xấu tới môi trường và xã hội. Đó là lúc TMĐT phải thay đổi không chỉ từ những gói hàng mà ngay cả hành trình của nó từ người bán tới người mua cũng cần phải xanh hơn, bền vững hơn.
“Trên thực tế, rác thải bỏ đi khi mua sắm trực tuyến cao gấp 7 lần so với rác thải bỏ đi khi mua sắm tại cửa hàng. Số liệu thống kê về yêu cầu của người tiêu dùng đối với bao bì từ Tập đoàn thiết bị đóng gói Shorr cho thấy, có khoảng 86% người tiêu dùng cho biết có nhiều khả năng mua hàng từ các nhà bán lẻ hơn nếu bao bì bền vững; đồng thời 77% người tiêu dùng mong đợi nhiều thương hiệu cung cấp bao bì bền vững 100% trong tương lai”, bà Việt Anh dẫn chứng.
Để giảm tác động ảnh hưởng của TMĐT đối với môi trường, bà Lại Việt Anh đề xuất khâu bán hàng cần sử dụng phương tiện giao hàng thân thiện với môi trường; xây dựng logistics thông minh, tối ưu hóa vận chuyển và giao hàng. Bên cạnh đó, khâu đóng gói cần khuyến khích sử dụng bao bì tái chế, đồng thời giảm số lượng bao bì đóng gói tại các khâu. Các nhà bán lẻ cần có những giải pháp thay đổi thói quen tiêu dùng hướng tới giao hàng xanh.
Những năm gần đây, nhiều DN TMĐT tại Việt Nam đã dần chuyển đổi hướng tới giảm bớt phát thải carbon. Từ năm 2019, 1 thương hiệu giao hàng đã quy định bộ đồ ăn nhựa dùng 1 lần sẽ không còn được mặc định cung cấp khi khách gọi thức ăn. Nếu muốn dùng muỗng nĩa nhựa, khách hàng phải yêu cầu riêng. Cũng có đơn vị thúc đẩy việc sử dụng xe điện để giao hàng từ năm 2017, đồng thời còn áp dụng công nghệ tái chế giấy, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, giảm lượng vật liệu nhựa...
KHÁNH MAI
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường
-
Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn giảm thêm nửa triệu đồng