Nhân viên hàng không bị đánh: An ninh hàng không được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ nào?
Việc nữ nhân viên của hãng hàng không Vietjet Air bị nhóm thanh niên hành hung giữa sảnh sân bay khiến dư luận "dậy sóng" không chỉ vì sự hung hãn, côn đồ của nhóm thanh niên mà còn bởi phản ứng chậm chạp của những nhân viên an ninh hàng không.
Uy hiếp an ninh hàng không
Chiều 23-11, một nhóm thanh niên đã hành hung 2 nữ nhân viên của hãng hàng không Vietjet Air giữa sảnh sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa). Đây là vụ việc được lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đánh giá mang tính chất rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, uy hiếp đến an ninh hàng không.
Trong khi đó, theo video clip được đẩy lên mạng, sự việc xảy ra trước mặt 3 nhân viên kiểm soát an ninh hàng không nhưng không ai có hành động can ngăn hay khống chế. Khi lực lượng an ninh hàng không có vũ trang được điều động đến thì 1 trong 3 đối tượng còn hung hăng quật ngã một nhân viên an ninh đè xuống đất trong sự lúng túng của những người khác, hầu như chỉ có hành vi can ngăn rồi đẩy nhóm người này ra ngoài khu vực nhà ga.
Nhiều người khi xem đoạn video clip về sự việc tỏ ra bất bình không chỉ vì sự hung hãn, côn đồ của nhóm thanh niên mà còn bởi phản ứng chậm chạp và thiếu chuyên nghiệp của những nhân viên an ninh hàng không. Lẽ ra trong trường hợp này, lực lượng an ninh hàng không phải có động thái trấn áp, khống chế và cách ly ngay đối tượng để ngăn chặn hành vi tiếp diễn.
Theo Thông tư 61/2011/TT-BGTVT của Bộ GTVT, nhân viên an ninh hàng không chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát an ninh hàng không tại các khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay; duy trì vật tư tại khu vực công cộng tại cảng hàng không, sân bay; tuần tra, canh gác bảo vệ vành đai cảng hàng không, sân bay, khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay, tàu bay đỗ tại cảng hàng không, sân bay; bảo đảm an ninh trên chuyến bay và các nhiệm vụ khác theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về an ninh hàng không.
Đây là 1 trong 14 chức danh nhân viên hàng không, phải bảo đảm nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chứng chỉ chuyên môn, huấn luyện, chuyên môn, sức khỏe, độ tuổi, thời gian thực tập nghiệp vụ...
Cũng theo thông tư này, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không phải tổ chức giám sát liên tục đối với hành khách, người, phương tiện hoạt động trong các khu vực hạn chế bằng các biện pháp thích hợp nhằm phát hiện những biểu hiện nghi ngờ, ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm; kiểm tra, xử lý hành lý, đồ vật không xác nhận được chủ và thực hiện các biện pháp an ninh hàng không khác.
An ninh hàng không được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ nào?
Việc quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong an ninh hàng không được quy định tại Điều 102 Thông tư 01/2016/TT-BGTVT quy định chi tiết Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam. Theo đó, nhân viên kiểm soát an ninh hàng không được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ khi làm nhiệm vụ, việc sử dụng phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật.
Đối tượng được trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ là: Nhân viên kiểm soát an ninh hàng không khi đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp xảy ra tại cảng hàng không, sân bay, trên máy bay; nhân viên kiểm soát an ninh hàng không khi làm nhiệm vụ trong thời gian thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không tăng cường cấp độ 2 và cấp độ 3; nhân viên an ninh cơ động, nhân viên kiểm soát an ninh làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác ban đêm; nhân viên an ninh trên không khi thực hiện nhiệm vụ được trang bị súng và đạn phù hợp sử dụng trên tàu bay được trang bị, sử dụng mũ chống đạn, áo chống đạn; lá chắn, găng tay điện; lựu đạn hơi cay; súng bắn hơi cay, súng bắn đạn nhựa, cao su; các loại phương tiện xịt hơi cay, gây mê; roi điện, dùi cui điện, dùi cui cao su, khóa số tám;
Cấp Trưởng, Phó thuộc Trung tâm (Tổ, Đội), nhân viên an ninh kiểm soát khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, canh gác tại các trạm gác thuộc khu vực đường cất hạ cánh, đường lăn, cổng, cửa vào, ra tiếp giáp sân bay, khu vực hạn chế, khu vực công cộng (nhà ga, bãi đỗ xe) được trang bị, sử dụng súng bắn hơi cay, súng bắn đạn nhựa, cao su; roi điện, dùi cui điện, dùi cui cao su, khóa số tám;
Cấp Trưởng, Phó thuộc Trung tâm (Tổ, Đội), nhân viên kiểm soát an ninh hàng không thực hiện nhiệm vụ tăng cường đảm bảo an ninh cho chuyến bay, cưỡng chế, áp giải hành khách gây rối, hành khách bị từ chối nhập cảnh được trang bị, sử dụng súng bắn hơi cay, súng bắn đạn nhựa, cao su; roi điện, dùi cui điện, dùi cui cao su, khóa số tám;
Trưởng ca trực khi thực hiện nhiệm vụ tại điểm kiểm tra an ninh hàng không đối với hành khách, hành lý, hàng hóa được trang bị, sử dụng súng bắn hơi cay; roi điện, dùi cui điện, dùi cui cao su;
Cấp Trưởng, Phó thuộc Trung tâm (Tổ, Đội), nhân viên kiểm soát an ninh hàng không khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, áp tải hàng hóa ngoài phạm vi cảng hàng không, sân bay được trang bị, sử dụng roi điện, dùi cui điện, dùi cui cao su.
Những đối tượng được trang bị, sử dụng vũ khí quân dụng khi làm nhiệm vụ: Nhân viên kiểm soát an ninh hàng không khi đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp xảy ra tại cảng hàng không, sân bay, trên tàu bay; nhân viên kiểm soát an ninh hàng không khi làm nhiệm vụ trong thời gian thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không tăng cường cấp độ 2 và cấp độ 3; cấp Trưởng, Phó thuộc Trung tâm (Tổ, Đội); nhân viên an ninh cơ động, nhân viên kiểm soát an ninh làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác ban đêm; nhân viên an ninh trên không khi thực hiện nhiệm vụ được trang bị súng và đạn phù hợp sử dụng trên máy bay.
Trước đó, báo cáo của Cảng vụ hàng không Thọ Xuân cho biết, khoảng 14 giờ 20 ngày 23-11, Phạm Hữu An (28 tuổi, ngụ tại phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa), Lê Văn Nhị (41 tuổi, ngụ thôn 2, xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) và Lê Trung Dũng (34 tuổi, ngụ tại thôn 10, xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân) đến khu vực nhà ga hành khách của Cảng hàng không Thọ Xuân (huyện Thọ Xuân) để đưa tiễn một người quen đi chuyến bay VN1271 (chặng bay Thanh Hóa - TP HCM) dự kiến cất cánh lúc 15 giờ 5 cùng ngày.
Sau khi người quen làm xong thủ tục, An, Nhị và Dũng nhờ chị Lê Thị G. (nhân viên Hãng hàng không VietJet Air) dùng điện thoại của An chụp ảnh cho cả nhóm ở khu vực sảnh ga đi để lưu niệm. Tiếp đó, nhóm người này đòi chị G. chụp ảnh chung cùng nhóm, nhưng bị từ chối vì lý do đang trong lúc làm việc.
Do không được đáp ứng yêu cầu, cả 3 liền chửi bới thô tục, đồng thời An xông tới dùng điện thoại đập vào đầu và tát vào mặt chị G.. Thấy vậy, bà Lê Thị H. (người đại diện của Hãng hàng không VietJet Air tại sân bay Thọ Xuân) ra can ngăn thì bị Nhị tát vào mặt và đạp vào người, khiến bà này ngã xuống đất. Hai nhân viên kiểm soát an ninh tại vị trí ga đi là Trịnh Ngọc Hoàn và Vũ Quốc Hội đứng gần đó cũng bị Dũng đánh vào mặt và tay. Sau đó, các đối tượng được bàn giao cho Công an huyện Thọ Xuân tiến hành lập hồ sơ xử lý.
Chiều ngày 24-11, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hoá, Công an tỉnh Thanh Hoá, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Công an tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh, có biện pháp thích đáng đối với những đối tượng có hành vi côn đồ trong vụ việc nêu trên. Đồng thời, có các biện pháp tăng cường phối hợp với lực lượng kiểm soát an ninh hàng không tại CHK Thọ Xuân đảm bảo tốt an ninh trật tự, an ninh hàng không, ứng phó xử lý kịp thời các tình huống tương tự.
Được biết, trong ngày 25-11, Cục Hàng không Việt Nam sẽ có văn bản cấm bay 1 năm đối với 3 thanh niên có hành vi côn đồ nói trên, sau thời hạn này là 1 năm kiểm tra an ninh thân thể bắt buộc nếu đi máy bay.
Dương Ngọc
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội