Nhà thầu xây dựng "chóng cả mặt" khi giá thép lại tăng
Lý giải từ phía công ty thép, giá thép bán ra tăng do giá phôi thép, giá chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng. Trong khi đó các doanh nghiệp xây dựng "lo sốt vó".
Giá thép tăng liên tục, nhà thầu "vã mồ hôi"
Theo thông báo từ phía Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên tại Bình Dương, giá các loại thép như thép cây, thép cuộn điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tấn (chưa bao gồm VAT) từ ngày 21/2. Theo lý giải từ phía công ty thép, giá thép bán ra tăng do giá phôi thép, giá chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng. Thông báo điều chỉnh này được áp dụng ở khu vực miền Nam.
Ở khu vực miền Bắc, công ty này điều chỉnh tăng giá áp dụng sớm hơn, từ ngày 18/2 với mức tăng tương tự là 300.000 đồng/tấn. Các công ty thép khác cũng thực hiện việc tăng giá bán. Sau điều chỉnh, giá bán các loại thép của Tisco (chưa bao gồm VAT) cũng dao động 17.600 - 17.900 đồng/kg.
Có thể thấy giá thép tăng liên tục từ đầu năm. Hôm 12/2, các công ty cũng đồng loạt điều chỉnh tăng lên 300.000 đồng/tấn. Cuối tháng trước cũng có đợt tăng giá thép.
Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng ở Hà Nội cho biết từ sau Tết, giá thép lại vào guồng quay tăng nóng, "chóng cả mặt". "Có công trình thi công với hợp đồng giá cũ lúc hơn 13.000 đồng/kg mà giờ khoảng gần 19.000 đồng thì có thể thấy doanh nghiệp lỗ thế nào rồi, chết dở", vị này buồn rầu chia sẻ và lo ngại giá thép sẽ tiếp tục tăng.
Trong khi đó, giữa năm ngoái, nhiều doanh nghiệp xây dựng đã phải lên tiếng "kêu cứu" sau một thời gian chịu áp lực khi giá nguyên liệu đầu vào nhảy múa, trong đó riêng giá thép tăng tới mức 40-50%.
Tính trong tổng giá trị công trình thì chi phí vật liệu đầu vào chiếm 60%, chi phí nhân công chiếm 20%. Do đó, đối với các công trình xây dựng dân dụng và hạ tầng với giá trị khoảng 10 tỷ đồng thì có thể bù lỗ nhiều trăm triệu đồng.
Còn đối với các công trình thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, hợp đồng trọn gói, đơn giá cố định, giá cả thị trường của các loại vật liệu tăng cao khiến cho các doanh nghiệp xây dựng thực sự gặp rất nhiều khó khăn, rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, làm thì lỗ, không làm thì vi phạm hợp đồng đã ký với chủ đầu tư. Vì vậy, thời điểm năm ngoái, nhiều doanh nghiệp phải tạm giãn tiến độ thi công để nghe ngóng thị trường.
Giá thép tăng "đẩy" giá nhà tăng
Giá thép tăng kỷ lục cũng sẽ đẩy giá nhà lên mức mới, bởi đây là nguyên liệu chiếm rất lớn trong cấu phần chi phí xây dựng. Nhiều báo cáo của các công ty bất động sản công bố thời gian qua cũng chỉ ra một trong các yếu tố đẩy giá nhà lên là do thép tăng giá. Trong khi đó, giá chung cư ở một số thành phố lớn được đánh giá đã ở mức đắt đỏ, xa tầm tay người lao động.
Trao đổi với Dân trí, ông Phạm Đức Toản, tổng giám đốc một công ty bất động sản, cho biết, mỗi công trình khác nhau thì tỷ lệ xây lắp sẽ chiếm tỷ lệ khác nhau. Thông thường dự án cao tầng thì có thể chiếm 60% giá trị là xây lắp.
Do vậy, khi chi phí xây dựng tăng lên, giá nhà ở, đặc biệt nhà chung cư sẽ tăng. Bởi ở các công trình chung cư, giá trị xây lắp chiếm tỷ lệ lớn, trong đó phần thép có thể lên tới 50% tiền vật liệu xây dựng. Khi giá thép tăng sẽ ảnh hưởng đến đơn giá xây lắp, ảnh hưởng đến mức đầu tư. Chủ đầu tư tăng giá thì khách hàng sẽ "gánh". Tuy nhiên, khi khách hàng thấy giá quá cao, không mua được thì sẽ tác động trở lại chủ đầu tư. Thị trường khó hấp thụ thì tồn kho cao, doanh nghiệp lo ngại.
Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản khác ở Hà Nội cũng cho biết, trước tình hình giá vật liệu xây dựng đầu vào tăng thì phía nhà thầu cùng với chủ đầu tư sẽ bàn thảo các phương án chia sẻ khó khăn.
"Nhìn chung, giá vật liệu xây dựng tăng hiển nhiên giá xây dựng sẽ cao hơn. Điều này khiến chúng tôi phải xem xét việc điều chỉnh giá nhà và sẽ phải giải trình cho khách hàng hiểu. Tùy từng kết cấu công trình, giá nhà sẽ có mức tăng khác nhau", vị này chia sẻ.
Nguyễn Mạnh
-
Thị trường đất nền sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại
-
Giải bài toán mất cân đối cung – cầu để kéo giảm giá nhà
-
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
“Siết” phân lô, bán nền, giá đất nền vùng ven rục rịch tăng
-
Bước sang 2025, chung cư không còn là ‘ngôi sao’ của thị trường BĐS
-
Condotel thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư Hà Nội