Người Việt béo phì: đâu chỉ vì nước ngọt.

Thứ tư, 30/05/2018, 06:09 AM

Theo dự thảo sửa đổi 5 luật thuế , Bộ Tài chính đề xuất các mặt hàng nước giải khát có đường (trừ sữa) sẽ phải chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) 10%, đồng thời nâng thuế giá trị gia tăng (GTGT) thêm 2%, áp dụng từ năm 2019. Lý do được Bộ Tài chính viện dẫn cho đề xuất này là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt nhằm giảm tình trạng người dân thừa cân, béo phì và mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, lý do này được đánh giá là quá khiên cưỡng và chưa thấu đáo với cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng

photo1524476921172-152447692117359558336

Ngoại chen chân, nội ép cái?

Thị trường Nước giải khát của Việt Nam có nhiều tiềm năng và vẫn còn nhiều chỗ trống. Theo báo cáo của công ty khảo sát thị trường quốc tế Business Monitor International (BMI), dự đoán giai đoạn 2017-2019 doanh thu sẽ tăng đến 10,9%. Những thương hiệu lâu năm là Coca Cola, Pepsi đang chiếm lĩnh gần như tuyệt đối thị phần với số thị phần tương ứng là 41,3% và 22,7%, trong khi Tân Hiệp Phát là 25,5%, số còn lại khoảng 10,5% thuộc về các cơ sở nhỏ lẻ khác. Thời gian gần đây, các ông lớn như Masan, Kido, TH đang chuẩn bị ráo riết để tham gia vào ngành hàng hấp dẫn này. Có thể thấy thương hiệu Việt chỉ có Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp có chỗ đứng lâu năm lẫn thị phần lớn trong biểu đồ ngành nước giải khát Việt Nam

Biểu đồ thị phần nước giải khát Việt Nam

Biểu đồ thị phần nước giải khát Việt Nam

Khi còn đang đương đầu với những doanh nghiệp lớn cũng như sự thay đổi trong chọn lựa của người tiêu dùng thì ngành nước giải khát lại đối diện với khó khăn mới mang tên “thuế tiêu thụ đặc biệt”. Nếu đề xuất áp thuế TTĐB đối với nước ngọt có đường được chấp thuận và ban hành sẽ ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp ngành nước giải khát, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Giá các sản phẩm nước giải khát trên thị trường sẽ tăng khoảng 12%, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm, đồng thời, chi phí sản xuất sẽ tăng lên do mức tăng thuế suất giá trị gia tăng áp dụng cho đường.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các quốc gia áp dụng thuế TTĐB ở khu vực châu Á Thái Bình Dương vẫn có tỉ lệ béo phì tăng liên tục trong những năm qua. Các chuyên gia về thuế hay về sức khỏe cũng không bảo đảm được rằng việc tăng thuế đối với nước ngọt sẽ làm giảm tỉ lệ người béo phì hay tiểu đường, vì có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến các bệnh này. Ngoài ra, việc tăng thuế chưa chắc đã dẫn đến giảm tiêu thụ nước ngọt ở khu vực thành thị, nơi tập trung nhiều người có thu nhập cao hoặc trung bình và có khả năng chi trả cho các sản phẩm phổ thông như nước ngọt dù giá có tăng lên.

Tất cả các yếu tố này có thể sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng tiêu thụ sản phẩm, giảm doanh số, kéo theo giảm quy mô sản xuất, giảm lao động, và đặc biệt, giá bán cao còn có khả năng dẫn đến nguy cơ hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng gia tăng, gây khó cho doanh nghiệp.

Trăm dâu đổ đầu tằm?

Tại Việt Nam, thói quen ăn uống và lối sống đang thay đổi nhanh chóng trong vài năm trở lại đây. Điều này được phản ánh rõ nét qua kết quả điều tra của Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia qua các năm. Theo đó, hàng thực phẩm chế biến sẵn ngày càng được ưa chuộng và có tốc độ phát triển rất nhanh. Người Việt chọn đồ ăn đặt yếu tố tiện lợi lên trước yếu tố dinh dưỡng. Trong các cuộc phỏng vấn gần 400 người tiêu dùng Việt Nam, có đến 35% người ăn tại quán hơn 3 lần/tuần (TP HCM: 51,4%, Hà Nội 18,6%); 50% người cho biết họ ăn lặt vặt suốt cả ngày thay vì trước đây chỉ ăn 3 bữa ăn chính. Trong khi đó đến 70% trẻ em cũng ăn uống không điều độ.

Một điều tra về tiêu thụ lương thực, thực phẩm và tình trạng dinh dưỡng của người Việt Nam trong 20 năm qua được Viện Dinh dưỡng công bố - đã làm rõ sự thật: Người VN đã có "một bữa no" đến quá mức. Lượng tiêu thụ thịt, chất béo ở người trưởng thành đã tăng lên rất nhanh, năm 1987 chỉ là 24,4 g/người/ngày đã lên tới 62 g/người/ngày năm 2005. Dầu mỡ cũng tăng từ 3 g/người/ngày lên 15,2 g/người/ngày...

1_58574

Mặt khác, nghiên cứu cho thấy quy mô thị trường đồ ăn vặt, cụ thể là Snack tại Việt Nam ước khoảng 518 triệu USD vào năm 2015, trong đó, các loại snack chế biến chiếm tỉ trọng 33%, các loại hạt 30% và khoai tây chiên là 24%, theo Thống kê có tên "Savory Snacks Market in Vietnam Databook to 2020". Người Việt đang đốt tiền cho thức ăn vặt thay vì những thức ăn có lợi cho sức khỏe khác.

Ăn nhiều chất béo xấu, chất béo không bão hòa. Kết hợp thói quen ăn tinh bột và thiếu rau xanh của người Việt dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì ngày càng gia tăng. Mặt khác, do điều kiện sống thay đổi, điều kiện đi lại, điều kiện làm việc… Tất cả đã làm gia tăng tỷ lệ béo phì trong thời gian qua. Trẻ em với cường độ học cao không thể vận động thường xuyên, lại thường phải ăn vặt khi đói trong giờ giải lao. Nhân viên văn phòng thiếu vận động, ăn uống nhanh chóng tại hàng quán. Tất cả đã góp phần tạo nên một tương lai béo phì. Và đây là một hệ quả từ nhiều yếu tố chứ không riêng gì do “nước giải khát” tạo thành.

Một đề xuất thiếu nghiên cứu khoa học thuyết phục lại gây ảnh hưởng trực tiếp đến hai ngành hàng đang gặp khó khăn của Việt Nam. Dường như doanh nghiệp Việt đang cheo leo và bị hất cẳng ngay trên sân nhà vốn dĩ phải được ưu tiên của chính mình. Nơi mà người dân có vẻ dễ béo phì chỉ vì “uống nước ngọt”.

Hoài Viễn

Theo NTD

largeer