Người tiêu dùng Đông Nam Á giảm chi tiêu bia rượu, hàng điện tử

Thứ tư, 11/10/2023, 14:18 PM

Ngay cả khi niềm tin của người tiêu dùng ở Đông Nam Á đang trên đà phục hồi ở hầu hết các thị trường, ngày càng nhiều người trong khu vực đang chi tiêu dè sẻn hơn.

Bia rượu và hàng điện tử nằm trong số những mặt hàng mà người tiêu dùng Đông Nam Á cắt giảm mua sắm nhiều nhất, theo một báo cáo của Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook), Công ty tư vấn quản lý Bain & Company và Công ty đầu tư mạo hiểm DSG Consumer Partners công bố hôm 10-10.

Đối với người tiêu dùng ở Đông Nam Á, những thứ được xem là “mong muốn” trước đây như đi ăn ngoài mỗi tuần, đi du lịch trong nước hàng năm, mua những đồ dùng công nghệ mới nhất hoặc quần áo hàng hiệu giờ đây trở thành “nhu cầu mới”. Ảnh: Whatech.com

Đối với người tiêu dùng ở Đông Nam Á, những thứ được xem là “mong muốn” trước đây như đi ăn ngoài mỗi tuần, đi du lịch trong nước hàng năm, mua những đồ dùng công nghệ mới nhất hoặc quần áo hàng hiệu giờ đây trở thành “nhu cầu mới”. Ảnh: Whatech.com

Giảm chi tiêu vì bất ổn kinh tế, chi phí sinh hoạt cao

Báo cáo cho biết khoảng 4 trong số 10 người được hỏi (tương đương 40%) ở Singapore, Malaysia và Thái Lan cho biết họ đã giảm chi tiêu trong năm 2023 so với năm 2022. Tỷ lệ này tăng từ mức 32% trong cuộc khảo sát hồi năm ngoái.

Tại Indonesia, Philippines và Việt Nam, 38% số người được hỏi cho biết chi tiêu ít hơn trong 2023 so với năm 2022, tăng nhẹ so với mức 36% trả lời như vậy hồi năm ngoái.

Những người tham gia cuộc khảo sát dẫn ra mối lo ngại về bất  ổn kinh tế (63%) và chi phí sinh hoạt cao hơn (58%) như là những lý do hàng đầu khiến họ chi tiêu dè sẻn. Báo cáo lưu ý, người tiêu dùng Đông Nam Á giảm chi tiêu mạnh nhất đối với bia rượu, đồ điện tử và kỳ nghỉ. Trong khi đó, sức mua của họ đối với thực phẩm, sản phẩm chăm sóc cá nhân và sức khỏe vẫn ổn định.

Cuộc khảo sát, được tiến hành trực tuyến, nhằm tìm hiểu các xu hướng mới nổi ở Đông Nam Á, có sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao tại các công ty hàng tiêu dùng hàng đầu, cũng như 9.000 người tiêu dùng.

Các xu hướng đáng chú ý khác mà báo cáo chỉ ra bao gồm cách người tiêu dùng trong khu vực xem xét lại những thứ họ xem là “nhu cầu” (cần mua và sử dụng) hoặc “mong muốn” (có thể mua hoặc không)

Đối với họ, mạng xã hội được coi là hạng mục thiết yếu hàng đầu, trong khi phát sóng trực tuyến được liệt vào hạng mục thiết yếu đang gia tăng. Những thứ được xem là “mong muốn” trước đây như đi ăn ngoài mỗi tuần, đi du lịch trong nước hàng năm, mua những đồ dùng công nghệ mới nhất hoặc quần áo hàng hiệu giờ đây được coi là “nhu cầu mới”.

Sự trỗi dậy của hộ gia đình độc thân

Theo báo cáo của Meta Platforms, Bain & Company và DSG Consumer Partners, khi các thị trường đạt đến điểm bão hòa, phân khúc người tiêu dùng trong khu vực đang phát triển và các hộ gia đình độc thân (hộ gia đình chỉ một người) đang nổi lên như động lực tiêu dùng chính.

Trong khi các hộ gia đình độc thân chỉ chiếm 12% tổng số hộ gia đình trong khu vực Đông Nam Á, phân khúc này dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 2,4% trong giai đoạn 2023-2030.

Số hộ gia đình gồm hai hoặc ba thành viên, đang chiếm 38% tổng số gia đình trong khu vực, dự kiến tăng trưởng 1,2%, trong khi số hộ gia đình có từ 4 người trở lên (chiếm 50%) dự kiến sẽ tăng ở mức 0,6% trong cùng giai đoạn.

Đặc biệt, Thái Lan, Singapore và Philippines dự báo tỷ lệ hộ gia đình độc thân tăng thêm 20% vào năm 2030.

Theo báo cáo, có 3 yếu tố nhân khẩu học chính thúc đẩy sự phát triển của các hộ gia đình độc thân trong khu vực: những người độc thân lớn tuổi như phụ nữ đã ly hôn hoặc góa bụa, những chuyên gia trẻ đầy tham vọng trì hoãn kết hôn để tập trung vào sự nghiệp, và những người di cư trẻ ở thành thị, chủ yếu là nam giới làm các công việc chân tay hoặc dịch vụ.

Báo cáo nhận định sự trỗi dậy của nền kinh tế của những người độc thân đang thúc đẩy các xu hướng như số lượng thú cưng tăng lên, sự xuất hiện của các sản phẩm và bữa ăn đóng gói phục vụ một người, cũng như sự gia tăng các hoạt động giải trí như phòng hát karaoke một mình.

Báo cáo cũng cho biết Đông Nam Á “rất phù hợp để trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển nhanh chóng”. Các nhà tiếp thị hiện tận dụng AI để giải quyết các thách thức riêng biệt hoặc mang tính khu vực, chủ yếu là tự động hóa các tương tác với khách hàng, tích hợp và xử lý dữ liệu, cá nhân hóa hành trình của khách hàng trên các kênh bán hàng, kết nối trải nghiệm trực tuyến và ngoại tuyến.

Benjamin Joe, Phó chủ tịch phụ trách khu vực Đông Nam Á và các thị trường mới nổi của Meta Platfoms, ghi nhận AI đang mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người tiêu dùng đồng thời tạo ra kết quả kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp.

“Với các công cụ mới có khả năng tạo ra tác động lớn, không có gì ngạc nhiên khi các nhà tiếp thị trên khắp Đông Nam Á đã bắt đầu dựa vào AI để thúc đẩy mức độ tương tác và hiệu suất có tác động lớn hơn”, ông nói,

Báo cáo kết luận rằng, để thúc đẩy tăng trưởng ở Đông Nam Á, các doanh nghiệp cần quan tâm đến người tiêu dùng, phát triển mô hình kinh doanh và sự gắn kết với người tiêu dùng, đồng thời áp dụng tư duy đột phá và đổi mới.

Theo thesaigontimes.vn

largeer