Ngành ngân hàng: nhìn đâu cũng thấy "thất thoát"

Thứ ba, 10/04/2018, 04:48 AM

Năm 2018 trở thành năm biến động của ngành Ngân hàng khi hàng loạt các sai phạm xảy ra làm thiệt hại nghiêm trọng tài sản của khách hàng. Tuy nhiên, những vụ việc như vậy đã từng xảy ra một thời gian dài cho đến khi đẩy lên mức báo động như hiện nay.

Vụ việc  bà Chu Thị Bình bị mất 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm gửi tại Eximbank và quá trình khiếu kiện “không hồi kết” sau đó khiến dư luận xôn xao. Được biết, toàn bộ các giao dịch với bà Bình tại ngân hàng này đều do ông Lê Nguyễn Hưng, Phó giám đốc Eximbank TP.HCM, trực tiếp thực hiện. Lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình, ông Hưng đã chỉ đạo nhân viên lập chứng từ giả để rút tiền từ tài khoản chưa đến hạn tất toán của bà Bình rồi gửi vào tài khoản đã đến hạn tất toán.

Bà Chu Thị Bình bức xúc vì Eximbank né trách nhiệm trong vụ việc

Bà Chu Thị Bình bức xúc vì Eximbank né trách nhiệm trong vụ việc "bốc hơi" 245 tỷ đồng trong tài khoản của bà (Ảnh: Quốc Hải)

Trước đó đã có nhiều vụ mất tiền trong tài khoản ngân hàng đã xảy ra. Nguyên nhân thường đến từ sự cả tin của khách hàng và sự câu kết lừa đảo khi nắm rõ luật của nhân viên ngân hàng.

Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank

Tháng 3/2015, Bà Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty Quang Huân có trụ sở ở huyện Củ Chi, TP HCM mở tài khoản cho công ty tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank.

Toàn bộ số tiền khách hàng mua bán nông sản với công ty đã giao dịch qua tài khoản là 26 tỷ đồng. Tháng 7/2015, bà Xuân đến ngân hàng rút tiền mới biết toàn bộ tiền trong tài khoản đã biến mất, chỉ còn vài trăm nghìn đồng.

Bà Xuân đã khiếu nại lên VPBank cũng như làm đơn tố giác lên Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP HCM từ tháng 9/2015. Tuy nhiên đến nay vụ việc vẫn chưa có kết quả. Được biết bà sẽ làm đơn kiện lên tòa án trong thời gian tới.

Bà Trần Thị Thanh Xuân đưa ra các chứng từ chứng minh có sự khác biệt giữa các chữ ký, Ảnh: Tuổi Trẻ.

Bà Trần Thị Thanh Xuân đưa ra các chứng từ chứng minh có sự khác biệt giữa các chữ ký, Ảnh: Tuổi Trẻ.

Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB)

Bà Nguyễn Bạch Mai (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội), chủ một tài khoản ngân hàng NCB cho biết từ năm 2012 đến 6/1/2016, bà đã gửi tại Phòng giao dịch số 14, chi nhánh Hà Nội, Ngân hàng NCB khoản tiền cả gốc và lãi gần 9 tỷ đồng. Ban đầu khoản tiền này được gửi dưới hình thức sổ tiết kiệm. Nhưng sau đó, do quá tin tưởng Trưởng phòng giao dịch tư vấn khi đó là bà Nguyễn Thị Thu Hà, bà Mai đồng ý chuyển sang hình thức gửi bảo lãnh ngân hàng dành cho khách vip với mức lãi suất 13%/năm. Bà Mai không biết rằng đây hoàn toàn là các chứng từ giao dịch cũng như bảng kê tiền gửi không có trong sản phẩm và mẫu biểu của NCB.

Phía Ngân hàng NCB cho biết không có sản phẩm bảo lãnh này cũng như bất cứ sản phẩm huy động nào có mức lãi suất 13%/năm như thể hiện trên bảng kê. Qua kiểm tra, ngân hàng cho rằng bà Hà đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình ký, đóng dấu trên các tờ bảng kê tiền gửi để vờ khiến bà Mai yên tâm.

Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương - Ocean Bank

Cuối tháng 8 và đầu tháng 9 năm 2017, một số khách hàng của OceanBank chi nhánh Hải Phòng đến chi nhánh để rút tiền trong sổ tiết kiệm nhưng nhận được câu trả lời là sổ tiết kiệm không có trong hệ thống. Nhiều khách hàng có khoản tiền rất lớn, tổng cộng hơn 20 khách hàng có số dư tới 400 tỷ đồng. Liên quan đến vụ việc, đã có ba cán bộ của Ocean Bank chi nhánh Hải Phòng bị khởi tố vì đã lừa đảo khách hàng mở sổ tiết kiệm với tổng số tiền hơn 400 tỷ đồng nhưng số tiền này không có trong hệ thống ngân hàng. Được biết sai phạm này đã bắt đầu từ năm 2012 nhưng đến 2017 mới phát hiện.

Hiện khách hàng của OceanBank vẫn đang đợi tiền về “nhỏ giọt” trong vô vọng.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)

Từ năm 2012 đến 2016, Nguyễn Thị Lam (31 tuổi, nguyên nhân viên Phòng giao dịch huyện Đô Lương, Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Vinh, Nghệ An) đã lợi dụng lòng tin của khách hàng, lừa dối khách hàng ký các lệnh chi, ký khống ủy nhiệm chi, bảng kê chi tiền. Mỗi lần cần chữ ký của khách hàng, Lam dùng thủ đoạn như trả lãi suất, tiền thưởng cho khách hàng và trộn lẫn các thủ tục này là các chứng từ như lệnh chi, bảng kê tiền, ủy nhiệm chi để khách hàng ký khống.

Chân dung hotgirl lừa đảo Nguyễn Thị Lam.

Chân dung hotgirl lừa đảo Nguyễn Thị Lam.

Sau đó, Lam cầm về hợp thức hóa rút tiền hoặc chuyển tiền. Cũng có nhiều trường hợp Lam giả mạo chữ ký của khách hàng sau đó cầm đưa đến cho nhân viên ngân hàng nói dối là rút, chuyển tiền hộ cho khách hàng. Do tin tưởng Lam, do sự chỉ đạo, quản lý lỏng lẻo của Đặng Đình Hồng, giám đốc Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương, các nhân viên ngân hàng đã làm thủ tục cho Lam rút, chuyển tiền mặc dù sổ tiết kiệm khách hàng đang giữ, khách hàng không có mặt. Bằng các thủ đoạn trên, Lam đã rút tiền gửi của sáu khách hàng trong hệ thống Ngân hàng Eximbank với tổng số tiền hơn 50 tỉ đồng.

Hiện các bị cáo đã bị bắt để tiến hành công tác điều tra, khởi tố trước pháp luật.

Hoài Viễn (T/H)

Theo NTD

largeer