Ngân hàng diện kiểm soát đặc biệt được bảo lãnh dự án nhà trong tương lai?

Thứ tư, 29/09/2021, 10:32 AM

Ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt hoặc trong giai đoạn áp dụng can thiệp sớm theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng sẽ không bị cấm thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

Ngân hàng Nhà nước cho biết đang lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 07/2015 ngày 25/6/2015 và Thông tư 13/2017 ngày 29/9/2017 quy định về bảo lãnh ngân hàng.

Theo dự thảo Thông tư, bảo lãnh ngân hàng là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên bảo lãnh là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh; bên được bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho bên bảo lãnh theo thỏa thuận đã ký.

Đối với việc bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai, dự thảo quy định ngân hàng thương mại được thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai là ngân hàng thương mại, trong giấy phép thành lập và hoạt động hoặc tại văn bản sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại có quy định nội dung hoạt động bảo lãnh ngân hàng.

Dự thảo nêu rõ "không bị cấm thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trong giai đoạn bị kiểm soát đặc biệt hoặc trong giai đoạn áp dụng can thiệp sớm đối với ngân hàng thương mại theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng".

Không ít khách hàng rơi vào tình cảnh

Không ít khách hàng rơi vào tình cảnh "dở khóc dở cười" vì mua nhà hình thành trong tương lai (Ảnh minh họa: Đỗ Quân).

Ngoài ra, ngân hàng thương mại xem xét, quyết định cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư khi chủ đầu tư có đủ các điều kiện quy định (trừ trường hợp ngân hàng thương mại bảo lãnh cho chủ đầu tư trên cơ sở bảo lãnh đối ứng); dự án của chủ đầu tư đáp ứng đủ các điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh theo quy định tại Điều 55 Luật kinh doanh bất động sản.

Ngân hàng thương mại và chủ đầu tư ký hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định tại Điều 56 Luật kinh doanh bất động sản và quy định tại khoản 14 Điều 3, Điều 15 Thông tư này, trong đó có nội dung quy định nghĩa vụ bảo lãnh của ngân hàng thương mại đối với bên mua chỉ phát sinh sau khi bên mua nhận được cam kết bảo lãnh do ngân hàng thương mại phát hành cho bên mua...

Về bảo lãnh NOHTTTL, Điều 13 của dự thảo sửa đổi khoản bổ sung trường hợp ngân hàng thương mại (NHTM) được thực hiện bảo lãnh là NHTM không trong giai đoạn áp dụng biện pháp can thiệp sớm đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Điều 130a Luật các TCTD.

Sửa đổi khoản 3(b) bổ sung quy định Hợp đồng bảo lãnh ký giữa NHTM và chủ đầu tư phải có nội dung quy định nghĩa vụ bảo lãnh của NHTM đối với bên mua chỉ phát sinh sau khi bên mua nhận được cam kết bảo lãnh của NHTM. Quy định này nhằm giúp người mua nhà nắm rõ quyền lợi thụ hưởng bảo lãnh của mình chỉ được đảm bảo khi nhận được cam kết bảo lãnh của NHTM, trên cơ sở đó sẽ yêu cầu chủ đầu tư cung cấp cam kết bảo lãnh của NHTM (ngoài Hợp đồng bảo lãnh đã cung cấp trước khi ký hợp đồng mua bán nhà ở).

Điều 35 của dự thảo cũng bổ sung khoản 2 quy định chuyển tiếp đối với trường hợp NHTM bị ngừng thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai do bị NHNN loại khỏi danh sách NHTM đủ điều kiện thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

Theo lý giải từ Ngân hàng Nhà nước, việc ban hành Thông tư thay thế Thông tư 07 và Thông tư 13 giúp hoàn thiện hơn nữa cơ sở pháp lý về bảo lãnh ngân hàng nhằm phản ánh đầy đủ thực tế hoạt động bảo lãnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng (TCTD), tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện hoạt động bảo lãnh ngân hàng an toàn, hiệu quả.

Nguyễn Hiền

Theo dantri.com.vn