Nếu đánh thuế tài sản, người giàu có thể bị đánh thuế 10%

Thứ hai, 02/07/2018, 14:05 PM

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật Basico cho rằng, thuế tài sản cần phải linh động, thấp nhất có thể 0,1% nhưng với người có nhiều tài sản thì có thể đánh tới 10%.

Ảnh minh họa của: Tuấn Nguyễn

Ảnh minh họa của: Tuấn Nguyễn

Chiều 26/6, Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo “Thuế tài sản – Một số gợi ý chính sách”.

 Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Cố vấn RED, về mặt truyền thông, cần hiểu thuế tài sản là loại thuế tài sản nào, vì tài sản ở Việt Nam và trên thế giới được hiểu cũng rất khác nhau.

 Đơn cử, về bất động sản, không chỉ là nhà đất, mà cả những thứ khác, thậm chí máy bay… Do đó, cách tính thuế nguồn nào miễn giảm, nguồn nào chịu thuế, đánh thuế vào đối tượng nào… là những vấn đề cần được làm rõ.

 Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật Basico, việc đánh thuế tài sản là cần thiết, nhưng trước tiên cơ quan soạn thảo cần định danh chính xác đánh loại thuế gì.

 “Nếu là thuế tài sản thì phải tiếp cận từ khía cạnh toàn bộ tài sản, rồi loại trừ những tài sản nào không phải đánh thuế. Còn nếu chỉ đánh trên thuế nhà và thuế đất thì nên gọi đúng là Thuế bất động sản và quyền sử dụng đất”, ông Đức chia sẻ.

 Vị luật sư cũng cho rằng, thuế tài sản phải đánh vào người có nguồn thu, tức người giàu và có thể đánh lũy tiến. Mức thuế thấp nhất có thể là 0,1%, nhưng với người có nhiều tài sản có thể đánh tới 10%. Hơn nữa, phải làm sao tránh tình trạng thuế chồng thuế.

 “Ví dụ, một căn nhà 10 tỷ thì đánh thuế. Nhưng nếu có hai căn nhà 1 tỷ, một ở một cho thuê thì chả có lý do gì để đánh. Đặc biệt khi cái nhà cho thuê đã phải nộp nhiều loại thuế như thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập...” – vị luật sư nêu quan điểm.

  Luật sư Trương Thanh Đức lo ngại đến số nhà nhiều khi còn không quản lý được số ngược, số xuôi, số chẵn, số lẻ, do đó rất khó quản lý được tài sản. “Chúng ta chưa quản lý, thống kê được nhà đó của ai, giá trị bao nhiêu thì không thể đánh thuế được, phải quản lý được dữ liệu thì mới tính đến việc xử lý nó như thế nào” – ông Đức lập luận.

 Theo bà Lê Thị Mai Liên, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính, thuế tài sản đang được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều tên gọi khác nhau như: thuế bất động sản, thuế chuyển nhượng tài sản, thuế đăng kí tài sản, thuế thừa kế, thuế quà tặng...

 Bà Liên cho hay, hầu hết các quốc gia không ban hành một sắc thuế tài sản riêng biệt bao quát tất cả các loại thuế liên quan đến tài sản, cũng như không có một khuôn mẫu chung thống nhất về thuế tài sản.

 Cũng theo đại diện Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, hầu hết các nước trên thế giới chỉ đánh thuế tài sản đối với bất động sản. Chỉ có một vài nước đánh thuế đối với động sản (ô tô, tàu bay, du thuyền) như Hàn Quốc, Kyzgystan, Bungari, Ác-hen-ti-na.

 “Theo thống kê của World Bank, hiện có 174/193 nước áp dụng thuế tài sản/thuế bất động sản/thuế nhà đất” – bà Liên thông tin.

TUẤN NGUYỄN

Theo Báo Tiền Phong