Né cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Nhiều công ty Trung Quốc dời hãng xưởng ra nước ngoài
Các doanh nghiệp Trung Quốc đang theo bước các công ty nước ngoài: Tìm kiếm nơi mở hãng xưởng bên ngoài Trung Quốc để tránh bớt các thiệt hại do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài gây ra.
Kể từ tháng 6/2019, theo số liệu của tờ Nikkei Asian Review có được từ hai thị trường chứng khoán chủ yếu của Trung Quốc, 33 công ty đang niêm yết đã công bố kế hoạch thành lập hay mở rộng cơ xưởng sản xuất ở nước ngoài. Gần 70% công ty trong số 33 công ty trên đã chọn Việt Nam là đích đến được ưa chuộng nhất, số còn lại chọn Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ, Malaysia, Mexico và Serbia.
Jinhua Chunguang - một công ty ở Triết Giang chuyên sản xuất ống nhựa trong máy hút bụi vốn chịu ảnh hưởng nặng của đợt thuế cuối năm 2018 mà Tổng thống Donald Trump áp lên hàng nhập từ Trung Quốc. Cuối tháng 7 vừa rồi, họ đã công bố dự án 4,35 triệu USD để mở thêm một xưởng tại Việt Nam, bên cạnh ba nhà máy khác đang hoạt động tại Malaysia và Trung Quốc. Công ty nói rằng khoản đầu tư mới là đáp ứng “các thay đổi của môi trường quốc tế” cũng như một phần mở rộng hãng xưởng toàn cầu của công ty.
Zhejang Henglin Chair Industry cũng để mắt đến Việt Nam sau khi đã mua lại một hãng thuộc sở hữu của Đài Loan vốn là một phần trong kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất 48 triệu USD của hãng. “Chúng tôi sẽ bắt đầu sản xuất vào cuối năm nay” - một lãnh đạo của hãng nói. Henglin nói hãng nội thất Ikea của Thụy Điển và hãng sản xuất đồ gỗ Nittori của Nhật Bản là hai khách hàng tiêu biểu của hãng. Ikea vẫn đang lên kế hoạch mở cửa hàng tại Việt Nam, còn Nittori đang hoạt động tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Các công ty dệt may cũng đã quyết định tăng cường hoạt động sản xuất tại Việt Nam, cho dù lo lắng ngày càng tăng của các công ty may mặc đang hoạt động tại đây.
Hãng sản xuất sợi Huafu Fashion công bố cuối năm ngoái rằng họ đang đầu tư 362 triệu USD để lập hãng mới tại Việt Nam nhằm “sử dụng nguồn nguyên liệu rẻ, giảm chi phí nhân công và tránh được hàng rào thuế quan của Hoa Kỳ”.
Theo các số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế, mức lương trung bình tại Trung Quốc đã tăng 44% trong 5 năm qua và đạt mức 6.193 tệ (khoảng 885 USD) mỗi tháng vào cuối năm 2017. Đó là mức cao so với tỷ lệ tăng 30% tại Việt Nam, 28% ở Malaysia và 11% tại Mexico trong cùng giai đoạn.
Các nhà phân tích nói chi phí gia tăng buộc các công ty đại lục dời hãng xưởng ra nước ngoài, thậm chí trước khi chiến tranh thương mại nổ ra. Chuyển động này bắt đầu từ năm 2001, nhưng vào thời điểm đó rất ít công ty cảm thấy “có nhu cầu khẩn cấp” bởi họ có thị trường khổng lồ ngay tại quê nhà. “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện thúc đẩy xu hướng này ngày càng mạnh hơn trong mục tiêu ngắn hạn, mang lại lợi ích cho các nước như Việt Nam, Malaysia và Thái Lan” - nhà phân tích rủi ro Darren Tay thuộc Fitch Solutions nói.
Mức lương cạnh tranh không chỉ là yếu tố duy nhất thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến các nước trên. “Lực lượng lao động có học thức và kỹ năng, cơ sở hạ tầng tốt và nhiều hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký với Asean và Liên hiệp châu Âu (EU) là những yếu tố hấp dẫn khác” - nhà kinh tế Rajiv Biswas thuộc hãng HIS Markit có trụ sở tại Singapore nhận định.
Trong khi các nước chào đón nguồn đầu tư từ Trung Quốc, họ cũng lo ngại xu hướng “rửa nguồn” khi các công ty Trung Quốc muốn xóa xuất xứ hàng hóa để tránh đợt thuế mới ông Trump công bố cuối tháng 7 vừa rồi. Việt Nam đi đầu trong các nỗ lực này.
“Các cơ quan chức năng cần đầy mạnh biện pháp ngăn chận hàng Trung Quốc chạy sang Việt Nam để xóa xuất xứ và trốn thuế khi xuất sang Hoa Kỳ” - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang phát biểu.
Ở các quốc gia khác, sự chuyển dịch hãng xưởng cùng dòng vốn đầu tư được chào đón nồng nhiệt sau khi các dự án cơ sở hạ tầng “Một vành đai, một con đường” bộc lộ tật xấu hay ý đồ của Bắc Kinh.
Jiangsu Xinquan Automotive Trim công bố, trong tháng 5 vừa rồi rằng họ đang đầu tư 15 triệu USD vào Malaysia. Dự án mới nhằm hỗ trợ cho khách hàng chính của hãng - Zhejiang Geely Holdings - vốn hợp tác với hãng Proton Holdings của Malaysia nhằm sản xuất xe bán ra thị trường Đông Nam Á. “Malaysia luôn chào đón nhà đầu tư Trung Quốc muốn chuyển giao công nghệ, sử dụng nhân lực địa phương, nhưng hoàn toàn không mong muốn công nhân Trung Quốc nhập cư ồ ạt” - một quan chức Bộ Thương mại phát biểu.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad từng mạnh mẽ phê phán các dự án đầu tư của Trung Quốc do vị thủ tướng tiền nhiệm phê chuẩn. Tháng 8/2018, khi gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh, ông thẳng thừng nói rằng Malaysia sẽ không cho phép “hình thức mới của chủ nghĩa thuộc địa” tồn tại trong tâm thức các nhà đầu tư Trung Quốc đang đầu tư vào các dự án xây dựng hạ tầng tại Malaysia.
Nhưng đang có sự chuyển hướng của các nhà đầu tư Trung Quốc: Từ việc chỉ chăm chăm giành phần bánh ngon trong cơ sở hạ tầng hay chú trọng khai thác tài nguyên, họ đang chuyển dần sang sản xuất. Điều này được các nước đang phát triển hoan nghênh.
“Nhiều quốc gia đang phát triển hiện phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng hóa và chính phủ các nước này đang ưu tiên xây dựng các lĩnh vực sản xuất và tạo ra thêm công ăn việc làm ở nước họ” - nhà tư vấn Biswas của HIS nhận xét.
93% công ty Trung Quốc đang muốn thay nhà cung cấp
Kết quả cuộc khảo sát 600 tập đoàn, công ty đa quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương do hãng luật Baker McKenzie công bố tháng 4/2019 vừa rồi cho thấy: Họ đang chuẩn bị các kế hoạch dự phòng để đối phó với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Xu hướng “dứt áo ra đi” của các công ty đại lục rất rõ ràng: Trong số 150 hãng Trung Quốc tham gia khảo sát, có tới 93% đang lên kế hoạch và đang thực hiện thay đổi với mạng lưới cung ứng của họ. Trong số này, 18% đang xem xét thay đổi toàn bộ mạng lưới cung ứng và kế hoạch sản xuất, 58% có những thay đổi lớn hay chính yếu, 17% đang có điều chỉnh nhỏ. Chỉ có 7% không động đậy gì cả.
Tuy nhiên, South China Morning Post cũng ghi nhận tâm lý “không thân thiện với dự án đầu tư từ Trung Quốc” của người Việt Nam. Yếu tố khác là giá thuê bất động sản tại Việt Nam đang gia tăng theo từng đợt đánh thuế của Hoa Kỳ. Báo này nói một nhà đầu tư Trung Quốc than phiền chỉ trong tháng 5 vừa rồi giá thuê 1m2 nhà xưởng ở Bình Dương đã tăng từ 22 tệ lên 28 tệ mỗi tháng, tăng hơn 27%.
Ricky Hồ
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường