Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp biến động sau kiểm toán
Trong khi lợi nhuận nhiều doanh nghiệp “bốc hơi” sau kiểm toán, một số doanh nghiệp khác lại ghi nhận lợi nhuận cao hơn sau soát xét BCTC.
Bức tranh kinh doanh nửa đầu năm của các doanh nghiệp dần lộ diện khi các báo cáo tài chính (BCTC) bán niên 2019 đã được các doanh nghiệp công bố đầy đủ. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là không ít báo cáo có sự chênh lệch sau kiểm toán, soát xét.
Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (UpCom: BSR) vừa công bố báo cáo tài chính sau soát xét với lợi nhuận sau thuế giảm mạnh từ 906,3 tỷ đồng về 729,4 tỷ đồng, chênh hơn 170 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.
Giải trình về sự biến động này, BSR cho biết chênh lệch là do việc trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại BCTC sau soát xét tăng 119,7 tỷ đồng so với báo cáo tự lập do giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho (dầu thô, thành phẩm) tại thời điểm kiểm toán thấp hơn so với thời điểm công ty tự lập báo cáo.
Kết quả này khiến các nhà đầu tư khá thất vọng. Do đó, giá cổ phiếu của doanh nghiệp này cũng giảm sút nặng nề. Hiện nay cổ phiếu này đang giao dịch ở dưới mệnh giá, giảm 50% so với thời điểm IPO.
Tương tự, báo cáo tài chính sau soát xét của CTCP Kosy (mã chứng khoán KOS) cũng có sự biến động khi lợi nhuận sau thuế giảm tới 25% so với báo cáo tự công bố.
Cụ thể, sau kiểm toán, doanh thu không có nhiều thay đổi, đạt 569,2 tỷ đồng, tăng 77,13% so với nửa đầu năm ngoái. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính tăng lần lượt 11% và 58% so với báo cáo tự công bố. Kết quả, lợi nhuận sau thuế bị điều chỉnh giảm từ mức 17,9 tỷ đồng xuống còn 13,4 tỷ đồng, giảm hơn 25% so với báo cáo tự công bố và giảm 37,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Với trường hợp của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HoSE: HVN), sau kiểm toán công ty còn lãi thêm.
Theo báo cáo tài chính HVN công bố, trong sáu tháng đầu năm 2019 Vietnam Airlines cho biết doanh thu hợp nhất đạt 50.115 tỷ đồng, tăng 4,5% cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.381 tỷ đồng.
Kiểm toán cho rằng ghi nhận trước chi phí lỗ chênh lệch tỷ giá là không phù hợp. Cụ thể, trong kỳ hoạt động 6 tháng kết thúc ngày 30/06/2019, Tổng Công ty đã trích lập chi phí phải trả lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái với số tiền khoảng 170 tỷ đồng dựa trên những ước tính của Ban Giám đốc về sự suy giảm giá trị của Đồng Việt Nam so với các ngoại tệ đến cuối năm 2019.
Việc ghi nhận chi phí phải trả lỗ chênh tỷ giá dự kiến phát sinh trong tương lai là chưa phù hợp với Chuẩn mực Kế toán Việt Nam số 10. Nếu Tổng Công ty ghi nhận chênh lệch tỷ giá theo các quy định hiện hành, tính đến ngày 30/06, khoản phí phải trả ngắn hạn giảm 170 tỷ đồng và lợi nhuận chưa phân phối tăng 136 tỷ đồng.
Hà Linh
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường