Nắm rõ quy định xuất xứ hàng hóa để tận dụng cơ hội từ CPTPP

Thứ ba, 19/03/2019, 14:03 PM

Thông tư số 03/2019/TT-BCT về việc quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) do Bộ Công Thương ban hành, có hiệu lực từ ngày 8/3 hứa hẹn sẽ đem đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt khi xuất khẩu hàng hóa sang 10 thị trường trong khối.

Vì vậy, để tận dụng tối đa lợi ích từ CPTPP, nhiều chuyên gia cho rằng, DN cần chủ động tìm hiểu để nắm rõ và tuân thủ các quy định liên quan tới xuất xứ hàng hóa của ngành hàng mình sản xuất, kinh doanh...

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), dung lượng thị trường của 11 thành viên trong CPTPP năm 2017 có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa khoảng 2.445 tỷ USD, trong đó nhập khẩu từ Việt Nam đạt hơn 34 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 1,4%). Nếu tính riêng 7 nước đã phê chuẩn CPTPP (gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada, Australia và Việt Nam), mỗi năm nhập khẩu khoảng 2.142 tỷ USD, nhập khẩu từ Việt Nam đạt gần 29 tỷ USD (chiếm 1,34%).

CPTPP thể hiện cam kết hội nhập sâu và rộng của Việt Nam, lần đầu tiên Việt Nam cam kết cắt giảm gần 100% dòng thuế; cam kết đối với hoạt động mua sắm công; cam kết đối với lĩnh vực doanh nghiệp (DN) Nhà nước; cam kết cho phép người lao động (NLĐ) thành lập tổ chức của NLĐ; cam kết vấn đề môi trường, thương mại điện tử…

Rau quả xuất khẩu sẽ được giảm thuế sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực.

Rau quả xuất khẩu sẽ được giảm thuế sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực.

Thuận lợi do CPTPP mang lại, đó là nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 - 5 năm. Đa số mặt hàng thủy sản có thế mạnh của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực như các mặt hàng cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, cá kiếm, cá tuyết, tôm, cua, ghẹ. Mặt hàng rau quả, cam kết mức thuế 0% vào năm thứ 3 hoặc năm thứ 5. Ngoài ra, rất nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng được hưởng lợi từ CPTPP như dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su...

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì những thách thức mà các DN phải tuân thủ khi vào sân chơi của CPTPP đó là phải tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc xuất xứ hàng hóa. Điển hình như dệt may, đây là một trong những ngành được cho là hưởng lợi nhất khi CPTPP có hiệu lực. Riêng thị trường Canada, 42,9% kim ngạch xuất khẩu dệt may sẽ được hưởng thuế 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực và 100% thuế sẽ được xóa bỏ vào năm thứ 4.

Theo quy định của Hiệp định CPTPP, hàng dệt may phải đảm bảo xuất xứ từ sợi, trong khi các DN trong nước chưa đầu tư được nhiều vào khâu sợi dệt nhuộm. Vì vậy, hiện nay phần lớn nguồn nguyên phụ liệu cung cấp cho ngành dệt may trong nước phải nhập khẩu từ những nước không tham gia CPTPP (như Trung Quốc). Trong khi đó, các thành viên CPTPP khác có ngành sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành may mặc sẽ tận dụng được tối đa ưu đãi, thậm chí có thể còn dùng cơ chế phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất  trong nước, điều này khiến DN may mặc Việt Nam phải đối mặt với áp lực cạnh tranh rất lớn.

Chính vì vậy, để được hưởng ưu đãi thuế từ CPTPP cũng như để cạnh tranh với các thị trường trong khối, các DN cho rằng phải tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh đầu tư các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu để lấy xuất xứ. Để làm được việc này, DN rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về mặt cơ chế, chính sách hỗ trợ DN về quy hoạch, đất đai… để hình thành khu công nghiệp tập trung chuyên ngành nguyên phụ liệu dệt may.

Thực tế cho thấy, mặc dù Hiệp định CPTPP đã được ký kết và có hiệu lực nhưng đa số DN Việt vẫn chưa hiểu rõ những tác động do CPTPP mang lại. DN cũng chưa biết phải trang bị những gì để tận dụng được những ưu đãi về thuế từ CPTPP. Ông Nguyễn Ngọc Thành, chủ DN gia công hàng may mặc (quận Tân Phú) cho rằng, DN chủ yếu sản xuất hàng gia công cho các DN khác xuất khẩu nên chỉ thực hiện đúng yêu cầu của đơn vị đặt gia công, chưa nghĩ đến việc cạnh tranh xuất khẩu từ các thị trường thuộc CPTPP.

Theo Bộ Công Thương, tỷ lệ DN biết đến CPTPP qua các phương tiện truyền thông đại chúng khoảng hơn 86%. Nhưng thực tế, các DN vẫn chưa thực sự sẵn sàng cho hội nhập quốc tế, chưa hiểu cam kết CPTPP sẽ tác động thế nào tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, để được hưởng ưu đãi thuế quan, tăng lượng hàng xuất khẩu vào các thị trường thành viên CPTPP, DN phải nắm chắc, hiểu rõ về các quy định xuất xứ hàng hóa, thực hiện các quá trình đảm bảo về yêu cầu xuất xứ hàng hóa cũng như các hồ sơ, giấy chứng nhận theo quy định của nước nhập khẩu.

“Vì vậy, để hỗ trợ hơn nữa cho DN, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ phối hợp với các bộ, sở, ngành tổ chức hội nghị, hội thảo cung cấp thông tin thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa; đồng thời, mở các lớp đào tạo tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho DN theo từng ngành hàng”, ông Phạm Bình An cho biết.

Thúy Hà

Theo cand.com.vn

largeer