Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, năng lực cạnh tranh doanh nghiệp Việt vẫn yếu

Thứ bảy, 16/03/2019, 21:02 PM

Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cho hay, tuy đã có tiến bộ trong cải cách hành chính, nhưng bộ máy vẫn còn quan liêu, cán bộ vụ lợi làm thui chột cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Diễn đàn Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam 2019

Diễn đàn Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam 2019

Phát biểu tại Diễn đàn Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 tổ chức sáng ngày 15/3, ông Nguyễn Quang Huân - Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cho biết: "Thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là năng lực cạnh tranh còn yếu".

Các doanh nghiệp tư nhân chủ yếu nhỏ, vừa và kinh tế hộ gia đình nên ít có cơ hội tiếp cận được nguồn lực nhất là đất đai và tài nguyên khác, do phần lớn nguồn lực nằm trong tay các doanh nghiệp nhà nước đang chậm được cổ phần hóa nên nguồn lực dành cho các doanh nghiệp tư nhân chậm được khai thông.Ngoài ra, sự hỗ trợ của Chính phủ đối với khu vực kinh tế tư nhân còn rất hạn chế mặc dù Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã đưa ra mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Việc thực thi pháp luật trong toàn xã hội chưa nghiêm, làm chậm quá trình và làm giảm hiệu quả việc thực thi các quyết sách của Đảng và Chính phủ. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa đủ sức bứt phá trong quá trình cạnh tranh với các nước trong khu vực. "Tuy đã có tiến bộ trong cải cách hành chính, nhưng bộ máy vẫn còn quan liêu, cộng với một vài nơi còn có những cán bộ công chức yếu kém, vụ lợi làm thui chột cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp", ông Huân cho biết.

Bàn về giải pháp nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển trong thời gian tới, ông Huân cho hay, bản thân các doanh nghiệp, doanh nhân thuộc khu vực kinh tế tư nhân cần phát huy hết năng lực, tài lực và khả năng sáng tạo của mình về chiến lược kinh doanh, quản trị doanh nghiệp,... nhằm nắm bắt cơ hội trong bối cảnh mới, Nhà nước cũng cần có những chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế này.

Cơ hội từ Cách mạng công nghiệp 4.0Ông Lê Xuân Sang – Phó viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng: "94% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên khó tiếp cận các nguồn lực về vốn, tín dụng, công nghệ, cơ hội kinh doanh,…

Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do một mặt làm tăng tính cạnh tranh của thị trường nhưng mặt khác cũng là bối cảnh thuận lợi để các doanh nghiệp tư nhân phát triển".

Nền kinh tế số giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng vị thế qua việc kinh doanh từ xa, kinh doanh trên mạng internet. Ngoài ra, các Hiệp định thương mại tự do khi thực thi cũng bao gồm chế tài làm giảm sự bất bình đẳng của khu vực kinh tế tư nhân và các doanh nghiệp nhà nước.

"Điển hình như CPTPP có những chương riêng về doanh nghiệp nhỏ và vừa và có những Hội đồng để giúp các doanh nghiệp này phát triển", ông Sang cho biết. Ngoài ra, Chính phủ cần đóng vai trò kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước.

Hạ An

Theo bizlive.vn