Doanh nghiệp cần tranh thủ lợi thế từ CPTPP
Việt Nam đã quyết định đàm phán tham gia CPTPP sau 4 năm nghiên cứu với rất nhiều lợi thế đem lại cho doanh nghiệp, và doanh nghiệp cần tranh thủ cơ hội khi Thái Lan, Indonesia... chưa gia nhập hiệp định này.
Sáng 16-3, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP HCM đã tổ chức chương trình cà phê với doanh nhân, chủ đề CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và các xu hướng thương mại mới cần quan tâm.
Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia hội nhập kinh tế quốc tế, cho biết việc tham gia CPTPP với 11 thành viên trong đó có Việt Nam, Canada, Nhật... tạo ra một khu vực sản xuất và thị trường rộng lớn. CPTPP sẽ giúp nền kinh tế cải thiện cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu, mở thêm thị trường cho hàng hóa của Việt Nam.
Theo ước tính của các chuyên gia, lợi ích ròng mà các thành viên CPTPP nhận được từ tự do hóa thương mại sẽ vào khoảng 0,3% tổng GDP của các thành viên, tương ứng với 37,3 tỉ USD trong trung hạn. Các lợi ích này sẽ tăng dần nếu số thành viên hiệp định gia tăng. Trong các thành viên của châu Á, Malaysia có thể có được nhiều lợi ích nhất bằng 2% GDP, Việt Nam và Brunei với khoảng 1,5% GDP...
Các DN có thể tham gia chuỗi sản xuất trong khu vực và quốc tế, tăng tính hấp dẫn với đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, tạo năng lực sản xuất mới và việc làm cho người lao động. Cơ hội để DN tiếp cận những thị trường lớn nhằm đẩy mạnh xuất khẩu dệt may, thuỷ hải sản, nông sản. Dù vậy, ở những lĩnh vực khác như chăn nuôi, sữa, đậu tương, ngô, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi... có thể phải đối mặt với thách thức, cạnh tranh từ các thị trường khác.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may có thể tăng gấp đôi, trong khi quy định chặt chẽ về xuất xứ "từ sợi trở đi" giúp Việt Nam nâng cao vị thế thương mại so với Trung Quốc trong dài hạn. CPTPP tăng cường thuận lợi hóa thương mại và minh bạch giúp làm giảm chi phí giao dịch, thương mại cho DN, nhất là các DN vừa và nhỏ.
Dù vậy, theo các chuyên gia, CPTPP cũng tạo ra sức ép, cạnh tranh ở thị trường nội địa khi Việt Nam cam kết giảm thuế quan đối với hàng hóa từ các nước nội khối, mở cửa thị trường dịch vụ và thực hiện các yêu cầu cao về môi trường, lao động, cạnh tranh cũng như bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ...
Tại buổi họp, nhiều DN băn khoăn về việc Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có CPTPP nhưng lo sức ép cạnh tranh trở lại với DN ở cả thị trường nội địa và quốc tế. Ông Nguyễn Minh Anh cho biết, CPTPP cũng như các hiệp định thương mại khác tháo gỡ hàng rào thuế quan và phi thuế quan nhưng cơ hội kinh doanh không tự nhiên đến mà DN phải tranh thủ nắm bắt. Các hiệp định có tác dụng gián tiếp tăng cơ hội kinh doanh cho DN nhưng vai trò quyết định vẫn là DN.
"Với CPTPP, Việt Nam đã mất tới 4 năm nghiên cứu rồi mới quyết định tham gia đàm phán khi nhận thấy những lợi ích đem lại cho nền kinh tế, DN. Thái Lan vừa bày tỏ ý định gia nhập CPTPP, do đó, các DN cần tranh thủ cơ hội, chuẩn bị tận dụng khi Thái Lan, Indonesia... chưa tham gia. Bởi các thị trường như Thái Lan gia nhập, sẽ cạnh tranh gay gắt với Việt Nam do nhiều sản phẩm, hàng hoá tương đồng" – ông Trịnh Minh Anh nhấn mạnh.
Thái Phương
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội
-
Bão Toraji giật cấp 12 vào Biển Đông, trở thành bão số 8