Năm 2021, có nên đổ tiền vào cổ phiếu ngành ngân hàng?

Thứ hai, 11/01/2021, 09:53 AM

Nhóm cổ phiếu ngân hàng được dự báo sẽ là lựa chọn an toàn và khá hấp dẫn cho giới đầu tư trong năm 2021.

Kết thúc năm 2020, nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng 50-90% so với đầu năm. Trong đó, SHB là quán quân với mức tăng hơn 210%, và kết năm ở giá 17.000 đồng/cp,VIB tăng 89% có giá 32.400 đồng/cp, LPB tăng 62%, TCB tăng 26%...

Nhóm tăng ít nhất là các cổ phiếu của ngân hàng quốc doanh như VCB tăng 9%, hay BID tăng 5%... Nếu so với mức đáy cuối tháng 3, thị giá cổ phiếu ngân hàng phần lớn đều tăng trên 50%, riêng VIB tăng 150%, LPB tăng 109%, HDB tăng 101%...

Đến nay, nhiều ngân hàng đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho cả năm 2020 (dù chỉ tiêu này đã có điều chỉnh do ảnh hưởng bởi đại dịch) như: ACB, VIB, Sacombank, LienVietPostBank, MSB lần lượt đạt 8.723 tỷ đồng (ACB); 4.570 tỷ đồng (VIB); 2.573 tỷ đồng (Sacombank) và 1.741 tỷ đồng trước thuế (LPB); 2.302 tỷ đồng (MSB)...

 Năm 2021 cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn còn nhiều tiềm năng.

Năm 2021 cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn còn nhiều tiềm năng.

Đó là chưa kể đến những nhà băng lớn như Vietcombank dự kiến đạt lợi nhuận tỷ USD năm nay và năm tới. BIDV, VietinBank, Techcombak, VPBank... cũng dự báo đạt trên chục nghìn tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2020 khi kết quả 9 tháng đều đạt mức cao.

Trong báo cáo Triển vọng ngành ngân hàng năm 2021 mới đây của Bộ phận phân tích công ty chứng khoán SSI (SSI Research), các chuyên gia đánh giá, cổ phiếu ngân hàng vẫn còn nhiều khả năng tăng giá.

Theo dự báo của SSI Research, lợi nhuận ngân hàng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Năm 2021, SSI ước tính lợi nhuận trước thuế trung bình của nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng trưởng 21,0% so với cùng kỳ. Các ngân hàng thương mại quốc doanh ước tính đạt tăng trưởng  lợi nhuận trước thuế cao hơn (tăng 30%) so với ngân hàng thương mại cổ phần (tăng17,2%) do lợi nhuận trước thuế 2020 của các ngân hàng thương mại quốc doanh ở mức thấp (giảm 6% so với 2019).

Các động lực tăng trưởng lợi nhuận trước thuế chính trong năm 2021 bao gồm tăng trưởng thu nhập lãi thuần mạnh mẽ hơn, nhờ mở rộng tín dụng và NIM cải thiện nhẹ.

Năm 2021, SSI ước tính thu nhập lãi thuần sẽ tăng 15% trong khi tăng trưởng tín dụng là 12-13% so với cùng kỳ.

Ngân hàng sẽ tiếp tục được lợi từ việc chi phí vốn giảm khi lãi suất huy động đã giảm từ 2-2.5% vào năm 2020 và mức giảm mạnh diễn ra trong nửa cuối năm 2020.

SSI cho rằng lãi suất huy động sẽ dao động trong biên độ hẹp trong nửa đầu năm 2021 và tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2021 do tín dụng tốt hơn. Môi trường lãi suất huy động thấp này sẽ tiếp tục giúp các ngân hàng tiết kiệm chi phí vốn.

Ngoài ra, theo báo cáo chiến lược của Công ty chứng khoán VNDirect kỳ vọng tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ tiếp tục được duy trì cao và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng tín dụng trong năm 2021.

Các ngân hàng sẽ là nhóm đầu tiên được hưởng lợi từ xu hướng phục hồi. Tỷ lệ phục hồi sẽ khác nhau giữa các ngân hàng do sự khác biệt về chiến lược kinh doanh, danh mục cho vay, cơ sở khách hàng và khẩu vị rủi ro.

Đặc biệt, nhóm ngân hàng quốc doanh đã dành cả năm 2020 để chuẩn bị nhiều bộ đệm dự phòng thay vì tập trung tăng trưởng, bên cạnh đó có một vài ngân hàng tư nhân cũng thể hiện được khả năng chống chịu trong kịch bản xấu.

Trong năm 2020 NHNN đã thực hiện nới room tăng trưởng cho nhiều ngân hàng đáp ứng đủ 2 yếu tố về sức khỏe tài chính và khả năng tăng trưởng như Techcombank, HDBank, VPBank, TPBank, MB, VIB…

Do đó, các công ty chứng khoán đưa ra dự báo tăng trưởng tín dụng cho năm 2020 là 9% nhưng sang năm 2021 là 13-14%.

 Theo  vtc

NGỌC VY