Bất chấp COVID-19, ngân hàng đồng loạt báo lãi lớn

Thứ sáu, 08/01/2021, 09:58 AM

Dịp đầu năm mới 2021, các ngân hàng liên tiếp báo con số lợi nhuận lớn, lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

TPBank là một trong những ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh 2020. Kết thúc 2020, tổng tài sản của ngân hàng này đạt 206.316 tỷ đồng, tăng 24,47% so với năm 2019 và vượt hơn 14% kế hoạch năm. Tổng huy động đạt 184.953 tỷ đồng, tăng 25,15% so với năm trước, trong khi dư nợ tăng trưởng khá cao so với toàn ngành. Tổng thu nhập hoạt động năm 2020 được ghi nhận ở mức 10.368 tỷ đồng, tăng 22,4% so với năm 2019.

Lợi nhuận trước thuế của TPBank tăng 11% so với năm trước và vượt gần 8% so với kế hoạch. 

Các ngân hàng thương mại bắt đầu công bố kết quả kinh doanh năm 2020, với mức lợi nhuận tăng trưởng khả quan, bất chấp tác động của dịch COVID-19. (Ảnh minh họa)

Các ngân hàng thương mại bắt đầu công bố kết quả kinh doanh năm 2020, với mức lợi nhuận tăng trưởng khả quan, bất chấp tác động của dịch COVID-19. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 16,5 nghìn tỷ đồng trong năm 2020. Dư nợ tín dụng hợp nhất của ngân hàng tăng 7,7% so với năm 2019, nguồn vốn huy động tăng 11%. Năm 2020, ngân hàng cũng đã cắt giảm lợi nhuận 5.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay, phí hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Trong 2020, VietinBank ghi nhận thu nhập ngoài lãi tăng 35,2% so với năm 2019. Tỷ trọng thu ngoài lãi trên tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng tốt từ 16,5% năm 2019 lên gần 20,1% năm 2020, trong đó thu thuần dịch vụ tăng gần 12% so với năm 2019. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu dưới 1%, tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu cho vay và trái phiếu nội bảng ở mức khoảng 130%, cao hơn năm 2019.

Trong khi đó, BIDV trong năm 2020 dù đã phải cắt giảm hơn 6.400 tỷ đồng thu nhập để thực hiện cơ cấu nợ, hạ lãi suất và miễn giãm lãi, phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nhưng vẫn ghi nhận 8.515 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, riêng ngân hàng mẹ và 9.017 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất. 

Tổng tài sản của ngân hàng ước đạt 1,49 triệu tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2016 và duy trì mức tăng trưởng bình quân 10,4%/năm giai đoạn 2016-2020. BIDV cũng tiếp tục duy trì là nhà băng có tổng tài sản lớn nhất hệ thống.

Trong đó, tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đến cùng thời điểm của ngân hàng đạt 1,43 triệu tỷ, tăng 9% so với năm 2019. Riêng dư nợ tín dụng là 1,19 triệu tỷ, tăng 8,8% so với năm 2019 và gấp 1,92 lần năm 2016. 

Đến hết năm 2020, tổng số dư huy động vốn của ngân hàng này cũng đạt hơn 1,27 triệu tỷ đồng, chiếm gần 11% thị phần tiền gửi toàn ngành và lớn nhất trong số các ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay. Nếu tính trong giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng huy động vốn bình quân của nhà băng này cũng đạt 12,5%/năm.

Với "ông lớn", năm 2020, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank được kiểm soát ở mức thấp nhất trong lịch sử và cũng là mức thấp nhất toàn ngành với 0,6% trên tổng dư nợ, giảm so với mức 0,78% của năm 2019.

Năm 2020 là năm đầu tiên sau 5 năm Vietcombank không ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận. Dù vậy, dự kiến đây cũng sẽ là mức lợi nhuận cao nhất trong ngành.

Về tăng trưởng tín dụng, năm 2020 ngân hàng đạt mức 13,95%, với gần 110.000 tỷ đồng cho vay mới trong năm. Con số này cao hơn nhiều so với mức bình quân toàn ngành là hơn 8%, đưa Vietcombank trở thành ngân hàng có quy mô tăng trưởng tín dụng cao nhất hệ thống.

Các ngân hàng khác nhờ tiết giảm chi phí, nên dù gặp nhiều tác động từ COVID-19 và giảm lãi suất để chia sẻ khó khăn với khách hàng, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng cũng có mức tăng trưởng tốt.

Đơn cử như con số sơ bộ từ ABBank tính đến hết 30/11/2020, lợi nhuận trước thuế đạt 1.378 tỷ đồng, tương ứng đạt 101% kế hoạch năm, vượt kế hoạch lợi nhuận ĐHCĐ đề ra. các chỉ tiêu kinh doanh của ABBank ghi nhận tín hiệu tích cực với tổng tài sản đạt 92.337 tỷ đồng. 

Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cũng đã hoàn tất 3 trụ cột của Hiệp ước vốn Basel II trước thời hạn. Với mốc này, SHB không chỉ đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn mà còn đáp ứng các yêu cầu về quản trị điều hành, quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế.

Việc ngân hàng dồn dập báo lãi lớn là động lực thúc đẩy cổ phiếu các ngân hàng vào 1 đợt sóng mới. Cổ phiếu ngân hàng  tăng mạnh trong những phiên gần đây đã giúp thị trường chứng khoán liên tục chinh phục các nấc cao mới. 

MINH ANH

Theo vtc